Thời gian gần đây, có những đối tượng mà khi dư luận xã hội nhắc đến, nhiều người không khỏi rùng mình vì mức độ “công phá” của họ còn đáng sợ hơn cả... bom nguyên tử. Cái sự “công phá” đó không phải là sát thương hàng loạt nhân mạng mà là âm thầm, tinh vi làm lung lay bản lĩnh, rệu rã khí chất, “đánh gục” phẩm giá đạo đức cách mạng của một bộ phận quan chức trong bộ máy công quyền.

Những đối tượng đó được ví như “kẻ sát thương” người khác thông qua nhiều chiêu trò đấu thầu tinh vi, xảo quyệt. Từ “cái bẫy” đấu thầu của họ kéo theo hàng loạt quan chức “sập bẫy”. Điển hình như “ông trùm” Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á Phan Quốc Việt đã chỉ đạo nhân viên cấp dưới “đánh sập” và làm tiêu tan sự nghiệp, công danh của gần 100 cán bộ, công chức, viên chức ở 25 địa phương, cơ quan, đơn vị, trong đó có 3 cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý.

Cũng “có máu mặt” trong giới đấu thầu là Hoàng Thị Thúy Nga, Chủ tịch Hội đồng sáng lập NSJ Group và Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC). Chỉ riêng hai “bà trùm” này cũng khiến hơn 70 người sa vào “vòng xoáy” lao lý, trong đó có hơn chục quan chức đầu tỉnh, đầu ngành cấp tỉnh.

Sở dĩ những đối tượng trên làm hàng loạt quan chức “đứt gánh giữa đường” và “hạ cánh không an toàn” là bởi lẽ họ có đủ chiêu trò trục lợi trong đấu thầu. Các chiêu trò này được một cán bộ lãnh đạo Ủy ban Tư pháp của Quốc hội “điểm mặt chỉ tên” là: Chia nhỏ các gói thầu để chỉ định thầu; cài cắm điều khoản "mớm thầu" nhằm “cài người quen, chèn người lạ”; thiết lập liên minh “quân xanh, quân đỏ” để thông thầu; móc ngoặc với cơ quan thẩm định giá để nâng khống giá trị gói thầu; cố tình tạo ra sự nhũng nhiễu, tiêu cực để trục lợi trong đấu thầu.

Theo khảo sát gần đây của Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), 25% doanh nghiệp chủ động chi trả chi phí không chính thức để tham gia đấu thầu; 10% chi trả theo gợi ý của cán bộ phụ trách đấu thầu và khoảng 60% doanh nghiệp cho biết việc chi trả chi phí không chính thức khi tham gia đấu thầu là luật bất thành văn.

leftcenterrightdel
Tranh minh họa: Báo Tuổi trẻ cười

Như vậy, thông qua “ma trận” chiêu trò trục lợi trong đấu thầu chẳng khác nào “mưu ma chước quỷ”, những đối tượng đấu thầu và các thành phần liên quan đã biến hoạt động đấu thầu thành miếng đất màu mỡ để lén lút “chén” nhiều khoản hoa hồng khủng!

Hậu quả của những chiêu trục trò lợi trong đấu thầu không chỉ gây thất thoát ngân sách nhà nước hàng nghìn tỷ đồng mà còn làm tổn thất một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý và trong số đó có không ít nhân tài với trình độ chuyên môn cao, năng lực quản trị tốt, thậm chí có người là chuyên gia đầu ngành, được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động và từng có thời điểm là thần tượng của nhiều người dân.

Không quá lời khi coi nhiều cuộc đấu thầu thời gian qua như cuộc chiến mà ở đó có cả kẻ thắng-người thua, kẻ được-người mất. Nhưng sự thắng-thua, được-mất đó có khi lại chuyển hóa cho nhau, tức là người bị thua thầu, mất thầu thì bỗng dưng lại thành người thắng vì không dính sai phạm, không bị vướng vào vòng lao lý. Ngược lại, những người thắng thầu, được thầu tưởng như “thắng đậm hoa hồng” thì ít lâu sau lại trở thành kẻ "thất trận" vì tay nhúng chàm khiến thân bại danh liệt.

Rồi đây, Luật Đấu thầu được sửa đổi, thông qua sẽ góp phần bịt các kẽ hở để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Nhưng dù luật chặt chẽ đến đâu cũng khó có thể bịt hết lòng tham của con người. Thế nên, nếu ai đó còn để lòng tham trỗi dậy thì phẩm chất, danh dự có thể bị nhấn chìm trong bùn lầy nhân cách và vòng vây tối tăm của chốn lao tù!

CHÍNH NGÔN