Thành ngữ Việt có câu “ăn no rửng mỡ” nhằm ám chỉ hạng người có cuộc sống no ấm, dư giả thì trong lòng lại muốn vượt ra khỏi luân thường đạo lý, dục vọng không có giới hạn. Dân xứ Nghệ thì tinh tế, sâu sắc hơn khi mượn gia cầm để nói “No ăn thì giỡn lông mao” nhằm ám chỉ kẻ sung sướng quá dễ sinh ra làm những việc thừa thãi, thậm chí không đúng, không hay, không tốt cho chính bản thân mình.

Trong văn hóa phương Tây có thành ngữ “Trưởng giả học làm sang” với khởi nguồn từ tác phẩm hài kịch cùng tên của nhà soạn kịch trứ danh Molière (Pháp) nhằm chế giễu những nhà tư bản mới nổi, những kẻ giàu xổi, nhưng do ít học, vốn liếng tri thức trống rỗng mà lại hay khuếch trương, khoe mẽ.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa: TTXVN. 

Thời nay, trong xã hội ta, các giá trị văn hóa ứng xử tốt đẹp của con người với con người và cộng đồng đang được coi trọng, khuyến khích để trở thành dòng chảy chủ lưu của đời sống đạo đức xã hội, thì buồn thay, có những người vừa giàu, vừa có chức quyền lại bộc lộ những hành xử không chuẩn mực, thiếu nhân văn, khiến dư luận bức xúc.

Câu chuyện một doanh nhân kiêm đại biểu HĐND của một tỉnh miền Trung mới đây dùng gậy chơi golf đánh chấn thương nữ nhân viên phục vụ ngay tại sân golf thêm một lần cảnh tỉnh về một số người tuy “giàu” mà  chưa “sang”, tuy có thế lực mà để quyền uy tự tung tự tác và tự làm tổn hại chính danh dự, nhân phẩm của mình. Dù doanh nhân kiêm “dân biểu” địa phương này lên tiếng “thanh minh, thanh nga” là chuyện không đáng phải “bé xé ra to” như thế, nhưng dư luận khó lòng tha thứ vì sự ngụy biện của người trong cuộc.

Lại nói đến chuyện golf. Không nhiều tiền, không giàu có thì đừng bén mảng đến sân golf. Không chỉ Việt Nam mà ở các quốc gia khác, người ta vẫn gọi golf bằng những cái tên như “thú chơi quý tộc” hay “môn thể thao của người giàu”. Du nhập vào Việt Nam khoảng một thế kỷ nay, golf dần trở thành một trong những môn thể thao lôi cuốn nhất, hấp dẫn nhất đối với những doanh nhân, đại gia, quan chức lắm tiền nhiều của.

Chơi golf là niềm vui của người này nhưng đôi khi trở thành nỗi buồn, sự ám ảnh khôn nguôi của người khác. Có lẽ vì sự mê hoặc ghê gớm của môn thể thao xa xỉ này mà nhiều quan chức đã bị “đứt gánh giữa đường”. Năm 2021, vào đúng thời điểm dịch Covid-19 xảy ra nghiêm trọng nhất ở nước ta, ít nhất có 2 quan chức ở tỉnh Bình Định và 1 cán bộ quản lý doanh nghiệp nhà nước ở TP Hà Nội đã bị cách chức vì tự ý rời nhiệm sở đi đánh golf trong bối cảnh nhân dân cả nước đang gồng mình chống “giặc” Covid-19!

Bất cứ môn thể thao nào-trong đó có golf-mang lại niềm vui, sức khỏe cho con người và góp phần gắn kết tình thân với mọi thành phần trong xã hội đều đáng được khuyến khích. Quan trọng nhất vẫn là phong cách fair-play (chơi đẹp) của các vận động viên. Đối với những người gánh vác sự nghiệp chung như các quan chức, doanh nhân (ở khu vực công) thì không chỉ biết chơi đẹp trên sân thể thao mà phải biết chơi đúng lúc, đúng chỗ, đúng với hoàn cảnh xã hội cho phép, chứ đừng chơi thể thao chỉ theo sở thích cá nhân mà vượt ra khỏi quy định, chuẩn mực đạo đức công vụ.

Có câu danh ngôn đại ý: Ranh giới giữa sự giản dị, tao nhã với sự phô trương, lố bịch chỉ là sợi tóc. Thế nên, mỗi quan chức luôn có ý thức trau dồi, rèn luyện, giữ gìn chuẩn mực, hình ảnh của mình ở mọi lúc, mọi nơi, kể cả lúc vui chơi, thể thao... cũng là một cách góp phần lan tỏa những giá trị tích cực trong cộng đồng, xã hội và hơn thế, để tránh rơi vào hoàn cảnh “ăn no rửng mỡ” như người đời từng chế nhạo, phê phán!

LINH LAN