Khán giả cần lắm những vở diễn phản ánh trực tiếp cuộc sống
Theo thống kê từ năm 2013 đến nay: Tại Cuộc thi nghệ thuật sân khấu tuồng và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc năm 2013, có 5/24 vở đề tài hiện đại; năm 2016, có 5/17 vở đề tài hiện đại; Cuộc thi nghệ thuật sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc năm 2013, có 3/18 vở đề tài hiện đại; năm 2016, có 5/24 vở đề tài hiện đại; Cuộc thi nghệ thuật sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc năm 2015, có 20/33 vở đề tài hiện đại, trong đó đa số lại là các vở diễn đi vào đề tài chiến tranh cách mạng và hậu chiến. Trong số hơn 80 vở diễn của năm 2017 gồm các thể loại được dàn dựng trên sân khấu các đoàn, nhà hát công lập và tư nhân, trong đó 27 vở diễn kịch hát (tuồng, chèo, cải lương, kịch dân ca) được dàn dựng mới hoặc phục hồi, nhưng chỉ có 3/27 vở diễn kịch hát thuộc đề tài hiện đại (tức là chỉ chiếm 11,1% trên tổng số các vở được dàn dựng). Năm 2018, tại Liên hoan sân khấu cải lương toàn quốc, chỉ có 9/32 vở đề tài hiện đại phản ánh cuộc sống hôm nay (còn lại 9 vở đề tài chiến tranh cách mạng và hậu chiến, 14 vở đề tài lịch sử, dã sử, dân gian).
    |
 |
Cảnh trong vở "Điều còn lại" của Nhà hát Chèo Hà Nội, một trong những vở diễn hiếm hoi về đề tài hiện đại.Ảnh: VƯƠNG HÀ. |
Từ những số liệu trên, có thể nhận thấy, đề tài hiện đại đang là “khoảng trống” trên sân khấu kịch hát hiện nay. Dẫu biết rằng đề tài quá khứ cũng vô cùng quan trọng và các nghệ sĩ đều lồng vào chuyện xưa những vấn đề đương đại để phục vụ khán giả đương thời, tuy nhiên, khán giả vẫn cần đến những vở diễn phản ánh trực tiếp cuộc sống của chính họ, của thế sự ngày hôm nay trên sân khấu và việc đi vào đề tài hiện đại cũng là cách để làm mới sân khấu kịch hát, thu hút khán giả, nhất là khán giả trẻ đến với di sản văn hóa nghệ thuật của cha ông để lại. Chưa kể, bản chất của kịch hát dân tộc đòi hỏi phải không ngừng đổi mới như là một nhu cầu tự thân để tồn tại và phát triển.
Tại sao lại có tình trạng "thiên lệch đề tài quá khứ, lảng tránh đề tài hiện đại"
Thứ nhất, sân khấu kịch hát hiện đang thiếu vắng trầm trọng kịch bản được viết chuyên cho thể loại của mình. Những kịch bản đã được các đoàn, nhà hát dàn dựng phần lớn từ kịch bản kịch nói chuyển thể sang. Trong khi đó, cách cấu trúc một kịch bản kịch nói khác với cách cấu trúc một kịch bản kịch hát dân tộc.
Thứ nữa, những người làm sân khấu kịch hát còn lúng túng trong việc sáng tạo các vở diễn đề tài hiện đại. Bởi lẽ sân khấu kịch hát vốn đã được định hình về phong cách thể loại (tĩnh); trong khi đó, cuộc sống đương đại luôn thay đổi từng ngày, từng giờ với muôn hình vạn trạng của hiện thực lẫn con người (động). Do đó, để đưa đề tài hiện đại vào sân khấu kịch hát mà vẫn giữ được tinh hoa giá trị truyền thống của thể loại... là điều không đơn giản đối với những người làm nghề. Chính sự khó khăn trong sáng tạo mới đã dẫn đến hiện tượng các đoàn, nhà hát chỉ tìm đến đề tài lịch sử, dã sử, dân gian vì các đề tài này dễ dàng khi ca, múa, diễn và các nghệ sĩ đỡ mất công tìm tòi, thử nghiệm.
Việc lựa chọn đề tài liên quan đến hợp đồng biểu diễn, doanh thu của các đơn vị biểu diễn cũng là yếu tố dẫn đến sân khấu kịch hát thiếu vắng đề tài hiện đại. Trong cơ chế tự chủ, lấy thu bù chi và bị cắt kinh phí để chi trả lương cho các hợp đồng; đồng thời chịu áp lực cạnh tranh gay gắt với các loại hình giải trí khác, các đơn vị sân khấu kịch hát buộc phải chủ động xây dựng tác phẩm phù hợp để tăng thêm nguồn thu. Do đó, tiêu chí lựa chọn kịch bản của các đơn vị chủ yếu là phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của nhóm đối tượng “khách hàng” ký hợp đồng quen thuộc của đoàn, nhà hát. Trong khi đó, nguồn doanh thu chính của các đơn vị chính là các lễ hội và những vở diễn đề tài quá khứ lại phù hợp với không gian hội hè đình đám ở các địa phương.
Mặt khác, trong công tác quản lý đang thiếu định hướng cho các đơn vị lựa chọn đề tài hiện đại để dàn dựng các vở diễn theo dạng “đặt hàng”. Hiện nay, trong cơ chế “đặt hàng”, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cùng các sở văn hóa, thể thao và du lịch ở các địa phương đều duyệt vở “đặt hàng” từ những kịch bản do các đoàn gửi lên, mà chưa có định hướng để thúc đẩy sự phát triển của sân khấu một cách có kế hoạch mang tính chiến lược lâu dài.
Để khắc phục thực trạng “thiên lệch đề tài quá khứ, lảng tránh đề tài hiện đại”, thiết nghĩ trong sân khấu kịch hát, các cấp quản lý cần đầu tư đào tạo, bồi dưỡng và mở trại sáng tác cho các tác giả viết chuyên cho thể loại và chuyên về đề tài hiện đại; tăng cường đầu tư vào công tác thử nghiệm, sáng tạo mới. Trong công tác quản lý, xây dựng định hướng phát triển sân khấu đề tài hiện đại, thường xuyên tập huấn cho cán bộ, lãnh đạo ở các đoàn, nhà hát về cách thức mở rộng thị trường công nghiệp nghệ thuật biểu diễn, nhằm tăng thêm nguồn thu để góp phần đưa sân khấu kịch hát dân tộc phát triển đúng hướng.
Tiến sĩ TRẦN THỊ MINH THU