NSND Lê Tiến Thọ, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đã chia sẻ với Báo Quân đội nhân dân Điện tử về những tác phẩm tham dự cuộc thi này.

Phóng viên (PV): Ông đánh giá thế nào về cuộc thi sáng tác kịch bản sân khấu tuyên truyền kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ?

NSND Lê Tiến Thọ: Với 91 tác phẩm của 58 tác giả chuyên và không chuyên trong cả nước gửi tham dự đã cho thấy sự quan tâm của những người sáng tác kịch bản cả chuyên và không chuyên với một mảng đề tài mang ý nghĩa, thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.

leftcenterrightdel
NSND Lê Tiến Thọ phát biểu tại Lễ tổng kết và trao giải.

Cuộc thi thành công trước hết là bởi sự quan tâm, trân trọng của các tác giả đối với những chiến sĩ Bộ đội Cụ Hồ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh tính mạng của mình cho nền độc lập của dân tộc. Các gia đình của những thương binh, liệt sĩ đã đóng góp vào chiến thắng vinh quang của Tổ quốc.

91 tác phẩm gồm các loại hình Kịch nói chiếm tới 90%; còn lại là các tác phẩm: Chèo, Cải lương, Kịch dân ca. Hầu hết các tác phẩm đã đề cập đến mọi mặt của đời sống. Trong đó, nhân vật chủ đạo là các thương binh và gia đình liệt sĩ.

Các kịch bản dự thi có giá trị nội dung tư tưởng nghệ thuật, cách thể hiện mới, sáng tạo mới, hấp dẫn, truyền tải được những thông điệp mang tính nhân văn sâu sắc, ca ngợi những thương binh, liệt sĩ đã dũng cảm chiến đấu hy sinh xương máu, vì độc lập tự do của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân. Ngoài ra, nhiều tác phẩm ca ngợi tấm gương của thương binh hăng say lao động sản xuất, góp phần xây dựng quê hương đất nước.

PV: Theo ông, các tác phẩm đã thể hiện hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ ra sao?

NSND Lê Tiến Thọ: Trong số các kịch bản gửi về dự thi lần này, các tác giả đã mở rộng đề tài, làm cho cuộc thi thêm phong phú và đa dạng.

Hình ảnh của những nhân vật thương binh trong cuộc sống hôm nay vẫn phát huy phẩm chất của chiến sĩ Bộ đội Cụ Hồ trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước ở từng vị trí như: Người cán bộ lãnh đạo, cán bộ kiểm lâm, y tế, nông dân làm kinh tế... Trước đây, ở chiến trường, họ là chiến sĩ trên mặt trận chống ngoại xâm và nay vẫn là những người “chiến binh” quả cảm trên mặt trận kinh tế, văn hóa, chống tham nhũng...

Hầu hết các tác giả đã đưa ra những nhận thức mới về quan niệm của thương binh trong đời sống xã hội hôm nay, với tinh thần “tàn nhưng không phế”, các thương binh đã hòa mình vào cuộc sống thường nhật để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phát triển.

leftcenterrightdel
Tác giả Đỗ Lan (Phúc Thọ, Hà Nội) đoạt giải nhất với tác phẩm "“Bên đài tưởng niệm” mang đến buổi lễ một hiện vật của liệt sĩ.

PV: Tính sáng tạo của các tác giả trong những tác phẩm này được thể hiện như thế nào, thưa ông?

NSND Lê Tiến Thọ: Nội dung đề tài những tác phẩm tham gia cuộc thi đã có những tìm tòi, phát hiện mới, tạo tình huống để xây dựng nhân vật có “đất” phát triển.

Nhiều tác phẩm không né tránh hiện thực, dũng cảm viết về người thương binh, đứng trước những khó khăn của cá nhân, nhưng tình đồng đội, tình yêu gia đình vẫn là điểm tựa để các tác giả xây dựng tình huống kịch. Vì vậy dù là kịch ngắn nhưng khi đọc xong, tôi thấy tác giả đã xây dựng nhân vật, tổ chức mâu thuẫn xung đột và giải quyết mâu thuẫn, xung đột khá nhuần nhuyễn trong từng tác phẩm.

Ở thể loại kịch tri ân liệt sĩ, có nhiều kịch bản đi thẳng vào hiện tượng như việc: Xây nghĩa trang liệt sĩ với những khó khăn về kinh phí, tiến độ. Nhưng đáng lên án hơn nữa, đó là tệ nạn vòi vĩnh, bớt xén công quỹ. Có kịch bản đã xây dựng những nhân vật tích cực, góp phần tháo gỡ khó khăn về kinh phí, tạo những tình huống tích cực, tháo gỡ những nút thắt trong lối kết cấu kịch bản ngắn.

Tôi thấy rằng, nhiều kịch bản dự thi lần này đã khắc họa đậm nét  phẩm chất người thương binh hôm nay đã có nhiều hành động tích cực như: Thương binh làm từ thiện, làm kinh tế, chống lâm tặc bảo vệ rừng, tham gia các vị trí công tác chống tham nhũng, tích cực phòng chống Covid, bảo vệ biển đảo... rất sống động.

Bên cạnh đó, đáng chú ý và ghi nhận là người thương binh không chỉ cống hiến mà còn giáo dục lịch sử hào hùng của cha ông cho lớp trẻ qua việc dùng nhật ký để dạy con khi mâu thuẫn cha con xuất hiện hoặc đề cập đến chế độ chính sách. Tuy cách tổ chức hành động kịch, cách xây dựng mâu thuẫn, giải quyết những mâu thuẫn trong kịch bản còn chưa thấu đáo nhưng nhìn chung các kịch bản đều có nội dung tốt, thể hiện đậm nét những phẩm chất cao quý của chiến sĩ Bộ đội Cụ Hồ.

Điều đáng mừng là trong 91 tác phẩm dự thi lần này có nhiều kịch bản xây dựng cốt truyện, tạo tình huống và tổ chức hành động kịch phát triển một cách hợp lý giữa quá khứ và hiện tại, giữa chiến tranh và hòa bình. Có kịch bản viết công phu, có nghề, tác phẩm gọn gàng, có ngôn ngữ nhân vật và số phận nhân vật, giàu hơi thở cuộc sống. Có những kịch bản đã sử dụng chất thơ để phát huy thế mạnh của sân khấu ca kịch qua những làn điệu truyền thống.

PV: Bên cạnh những tác phẩm thể hiện đậm nét hình ảnh các thương binh, liệt sĩ thì còn có những hạn chế gì?

NSND Lê Tiến Thọ: Bên cạnh những mặt mạnh nói trên, một số tác phẩm vẫn còn tồn tại những vấn đề như: Có những tác phẩm lạc đề, xa rời tiêu chí đề tài thương binh, liệt sĩ như kể về một trận đánh, chống tham nhũng…

Tôi rất tiếc không ít tác giả chưa có kinh nghiệm viết nên nhiều kịch bản chưa được đầu tư về cấu trúc, có kịch bản có quá nhiều cảnh khi mà kịch ngắn với thời lượng hạn hẹp không đủ dung lượng để nhân vật phát triển tâm lý và hành động trong những vấn đề đặt ra. Mô típ “hồi tưởng” lạm dụng nhiều nhưng chưa tạo nên hiệu quả nghệ thuật.

Ngoài ra, nhiều tác phẩm có ý tưởng trong vấn đề đặt ra nhưng chưa xây dựng được nhân vật điển hình. Vì vậy, tác giả thường phải nói thay nhân vật, như một bài báo mà lời thoại hầu như là lời tác giả nên thiếu tính chân thực, xa rời cuộc sống.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Qua 3 vòng thi, Ban tổ chức đã chọn được 16 tác phẩm xuất sắc bao gồm các thể loại: Kịch, Chèo, Cải lương. Trong đó có 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba, 10 giải khuyến khích và 1 giải phong trào.

Tác phẩm “Bên đài tưởng niệm” của tác giả Đỗ Lan (Phúc Thọ, Hà Nội) đoạt giải nhất. Hai tác phẩm đoạt giải nhì: “Món quà lớn nhất” của tác giả Trần Kim Khôi (TP Hồ Chí Minh); “Khi người lính trở về”, của tác giả Nguyễn Thị Nguyên (Nghệ An).

 

KHÁNH HUYỀN