Thông qua cuộc thi, thể hiện tinh thần yêu nước, trách nhiệm xã hội, khơi dậy và bồi đắp những giá trị nhân ái của người Việt Nam trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nêu cao đạo lý tốt đẹp của dân tộc, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” được chuyển tải và lan tỏa rộng rãi qua đặc trưng của loại hình sáng tác kịch bản sân khấu.

Qua 6 tháng phát động, ban tổ chức nhận được 91 tác phẩm của 58 tác giả trên toàn quốc gửi kịch bản tham dự.

Ban tổ chức trao giải cho tác giả đoạt giải nhất. 

Theo đánh giá của ban giám khảo, hầu hết các tác phẩm tham gia dự thi đều bám sát yêu cầu về chủ đề do ban tổ chức đề ra. Các tác phẩm khai thác nội dung tương đối phong phú, đa dạng với nhiều thể loại truyền thống như: Kịch nói, chèo, cải lương, kịch dân ca… đề cập đến mọi mặt của cuộc sống.

Các tác giả đã thể hiện lối viết của mình dưới nhiều góc nhìn khác nhau, góp phần tạo nên bức tranh tổng thể về những tấm gương cao quý, những người đã cống hiến, để lại một phần xương máu của mình nơi chiến trường, nay đang thực hiện lời dạy của Bác Hồ, xây dựng hình ảnh đẹp về người thương binh “tàn nhưng không phế”, kiên cường trên mặt trận kinh tế để xây dựng tổ ấm gia đình, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phát triển.

Ưu điểm của các tác phẩm tham gia dự thi đó là tác giả đã lựa chọn lối viết mộc mạc, bình dị, mang đậm hơi thở cuộc sống, lấy ý tưởng từ những “liệt sĩ” trở về có thật trên các phương tiện truyền thông. Một số tác phẩm nổi trội về ý tưởng, kịch bản rõ ràng, cốt truyện hấp dẫn.

Qua 3 vòng thi, ban tổ chức đã chọn được 16 tác phẩm xuất sắc bao gồm các thể loại kịch, chèo, cải lương, trong đó có 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba, 10 giải khuyến khích và 1 giải phong trào. 

Tác phẩm “Bên đài tưởng niệm” của tác giả Đỗ Lan (Phúc Thọ, Hà Nội) đoạt giải nhất.

Tin, ảnh: KHÁNH HUYỀN