Ảnh phim và những năm tháng vàng son của sự tỉ mỉ
Trong thời kỳ hoàng kim của mình, nhiếp ảnh phim không chỉ là cách duy nhất để lưu giữ hình ảnh mà còn là linh hồn của những ký ức, được tạo tác bằng sự tâm huyết và tỉ mỉ.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Văn Thắng (sinh năm 1948), Giám đốc Bảo tàng nhiếp ảnh Lai Xá (xã Hoài Đức, TP Hà Nội) chia sẻ, thời kỳ hoàng kim của nhiếp ảnh phim tại làng Lai Xá (từ khoảng những năm 1930 đến 1950 của thế kỷ XX) - nơi được mệnh danh là làng nhiếp ảnh - có hơn 150 hiệu ảnh với trên 2.000 thợ và công nhân hoạt động.
 |
NSNA Nguyễn Văn Thắng bên chiếc máy ảnh GILLER - FALLER của Pháp, sản xuất năm 1925, đã tròn 100 năm tuổi. |
Không khí ở những hiệu ảnh xưa được mô tả là trang trọng. Ánh đèn vàng hắt hiu, mùi thuốc tráng phim thoang thoảng, tiếng bấm máy lạch cạch. Ông Thắng hồi tưởng về không khí đông đúc tại các hiệu ảnh, đặc biệt vào mùa lễ hội, ngày Tết, khi khách hàng phải xếp hàng dài. Thợ ảnh đôi khi phải làm thâu đêm suốt sáng bởi quy trình làm ảnh hoàn toàn thủ công, từ chụp, tráng, in, đều rất vất vả.
Mỗi lần chụp ảnh đòi hỏi sự nắn nót, tỉ mỉ, bởi số lượng khung hình trên phim là giới hạn và cần cân nhắc kỹ lưỡng. “Phải chụp cẩn thận, bởi phim rất đắt. Mất một kiểu phim thì rất là tiếc”, ông Thắng nhấn mạnh. Mỗi khung hình đều đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng: Người thợ phải điều chỉnh chính xác các thông số kỹ thuật như khẩu độ và tốc độ, không cho phép bất kỳ sự cẩu thả nào.
 |
Bộ sưu tập máy ảnh phim cổ tại Bảo tàng nhiếp ảnh Lai Xá, tái hiện hành trình phát triển của nghề ảnh. |
Trong quá trình chụp ảnh, người thợ thường xuyên trò chuyện với người được chụp. Ông Thắng cho biết: “Phải nói chuyện để họ cảm giác thoải mái nhất, có hồn nhất, nếu không thì sắc thái của họ sẽ không tự nhiên, bị cứng”. Họ trao đổi về vợ con, công việc, con cái học hành, hay những câu chuyện cá nhân khác, tùy theo lứa tuổi và nghề nghiệp của người được chụp.
Giá trị của một bức ảnh phim thời xưa là một sự xa xỉ, một kiểu ảnh có thể quy đổi ra bao nhiêu cân thóc. Do đó, chỉ những người có điều kiện như quan chức hay giới thượng lưu ở thành thị mới nghĩ đến việc chụp ảnh và các hiệu ảnh thường tập trung ở thành phố.
Với ông Thắng, nhiếp ảnh phim không chỉ là phương tiện ghi hình, mà là một phần di sản văn hóa, gói ghém bao câu chuyện về gia đình, làng quê và một nếp sống đã qua.
Nốt trầm của nhiếp ảnh phim
Từ sau năm 1954 và đặc biệt từ thời kỳ Đổi mới năm 1986, nhiếp ảnh Việt Nam trải qua nhiều thay đổi. Bước ngoặt lớn nhất đến vào thập niên 1990 với sự ra đời của máy ảnh kỹ thuật số.
Thời điểm đầu máy ảnh kỹ thuật số xuất hiện, nhiều người dùng phim quen, trong đó có ông Thắng, không chấp nhận công nghệ mới. Họ cho rằng, ảnh kỹ thuật số “không tốt, không thể sánh bằng phim”. Ông Thắng cho biết, nhiếp ảnh phim vẫn còn phổ biến đến khoảng năm 2000, sau đó mới dần ít đi khi công nghệ kỹ thuật số phát triển mạnh mẽ và ngày càng tiện lợi hơn nhiều.
 |
Không gian buồng tối, nơi quá trình tráng rửa film và hiện hình ảnh được thực hiện thủ công, tỉ mỉ. |
Với người dùng hiện đại, máy ảnh kỹ thuật số hay điện thoại thông minh là công cụ phổ biến. Người dùng có thể chụp hàng trăm bức ảnh trong thời gian ngắn, xem lại ngay lập tức, chỉnh sửa và chia sẻ nhanh chóng. Việc này loại bỏ nỗi lo về số lượng khung hình hay chi phí tráng rửa, đáp ứng nhịp sống nhanh của thời đại.
Chị Nguyễn Phương Anh (24 tuổi), một người kinh doanh tự do, thường xuyên phải chụp ảnh phục vụ công việc, chia sẻ quan điểm của mình: “Tôi có thể chụp xong, xem lại ngay, chỉnh sửa nhanh bằng các phần mềm trên điện thoại hoặc máy tính, rồi đăng lên mạng xã hội hoặc gửi cho khách hàng chỉ trong vài phút. Điều này cực kỳ quan trọng trong thời đại mà mọi thứ đều cần tốc độ và sự tức thì”.
Chị Phương Anh cũng nhấn mạnh rằng, máy ảnh kỹ thuật số hay điện thoại thông minh với các chế độ tự động, lấy nét nhanh, khả năng chụp thiếu sáng tốt đã giúp việc chụp ảnh trở nên dễ dàng tiếp cận hơn với mọi đối tượng, không đòi hỏi quá nhiều kỹ thuật như nhiếp ảnh phim.
 |
Với chị Phương Anh (24 tuổi), chức năng chụp ảnh của điện thoại thông minh giúp chị có thể xử lý công việc của mình một cách nhanh chóng và hiệu quả. |
Sức sống mới từ những tâm hồn hoài cổ
Giữa kỷ nguyên của tốc độ, một làn sóng yêu thích những giá trị xưa cũ đang trỗi dậy, đưa nhiếp ảnh phim trở lại mạnh mẽ, đặc biệt là trong giới trẻ - thế hệ Z (1997-2012). Họ tìm đến phim không chỉ vì sự tò mò, mà còn vì mong muốn trải nghiệm một điều gì đó khác biệt, một chút chậm rãi giữa cuộc sống vội vã.
Nhiều bạn trẻ cho rằng, sự quyến rũ của chiếc máy phim cơ học nằm ở chính sự thủ công và tính vật lý của nó: Thao tác thủ công từ lên phim, lấy nét bằng tay, đến chỉnh khẩu độ, tốc độ. Sự hồi hộp chờ đợi cuộn phim được tráng và niềm vỡ òa khi những hình ảnh độc đáo, không thể nhân bản trên màn hình số hiện ra.
Nguyễn Khánh Hân, 21 tuổi, một bạn trẻ đam mê nhiếp ảnh phim ở Hà Nội, bày tỏ: “Ảnh số thì nhanh gọn, nhưng ảnh phim thì có cái bất ngờ. Mình không chắc chắn nó sẽ ra sao cho đến khi nhận ảnh từ lab. Đôi khi nó lỗi, nó out nét, nhưng chính những cái không hoàn hảo ấy lại tạo nên một vẻ đẹp rất riêng”.
 |
Nguyễn Khánh Hân đang trên hành trình khám phá và ghi lại vẻ đẹp Việt Nam. Với cô, chiếc máy ảnh phim là vật bất ly thân, một công cụ không thể thiếu trong mỗi chuyến đi, mỗi lần dạo quanh dải đất hình chữ S. Ảnh: NVCC |
Anh Nguyễn Đăng Minh, 26 tuổi, hiện là quản lý chính của một kho sỉ phân phối máy ảnh cũ, chia sẻ: “Bản thân tôi may mắn được tiếp xúc với nhiều chuyên gia người Nhật về lĩnh vực nhiếp ảnh phim ảnh và có nhiều trải nghiệm từ những ngày hợp tác bên đó. Tôi nhận thấy chụp nhiếp ảnh phim mang lại cảm xúc khó tả khi bấm máy và cả sự mong chờ khi đợi rửa ảnh. Tôi muốn ký ức được lưu giữ theo một cách riêng, bằng thứ chất liệu gắn liền với hoài niệm mà không gì có thể thay thế được”.
 |
Anh Đăng Minh (26 tuổi) là một người trẻ có tình yêu sâu sắc dành cho nhiếp ảnh phim. Anh luôn mong muốn lan tỏa niềm đam mê này, giúp cộng đồng có thể tiếp cận và trải nghiệm vẻ đẹp độc đáo của phim. Ảnh: NVCC
|
 |
Anh Đăng Minh cho biết, mỗi tháng cửa hàng anh phân phối sỉ khoảng 500-700 chiếc máy ảnh phim. Ảnh: NVCC |
Trong một năm qua, trào lưu nhiếp ảnh phim đã tăng rất nhanh, số lượng khách hàng của Đăng Minh ngày càng đông và phần lớn là các bạn trẻ. Anh quan sát thấy, nếu ngày xưa ảnh nhiếp ảnh phim chủ yếu được người lớn tuổi sử dụng, thì hiện nay nó đã tiếp cận mạnh mẽ hơn tới giới trẻ và xu thế này đang tiếp tục tăng lên. Theo anh, xu hướng là một vòng lặp giữa quá khứ và hiện tại và chính chất ảnh độc đáo cùng trải nghiệm không thể biết trước kết quả lại là điều thu hút mọi người đến với nhiếp ảnh phim.
Đặc biệt, nhiếp ảnh phim đã hiện diện trong cả những khoảnh khắc trọng đại của cuộc đời, nơi giới trẻ mong muốn lưu giữ ký ức theo cách đặc biệt nhất. Anh Vũ Tiến Quảng (21 tuổi), một nhiếp ảnh gia trẻ đến từ Thái Bình, bắt đầu chụp ảnh cưới từ năm 2021 và đã chuyển hướng sang nhiếp ảnh phim trong một năm trở lại đây. Anh nhận thấy xu hướng chụp phim trong đám cưới ngày càng gia tăng, nhiều cặp đôi tìm hiểu và yêu thích chất ảnh này.
 |
Một khoảnh khắc lắng đọng tại lễ cưới của ca sĩ Hồ Quỳnh Hương được nhiếp ảnh gia Vũ Tiến Quảng (22 tuổi) ghi lại bằng máy ảnh phim. Anh Quảng chia sẻ đây là một trong những lần tác nghiệp đáng nhớ nhất của mình. Ảnh: NVCC |
Theo anh Quảng, điều khiến các cặp đôi lựa chọn phim cho bộ ảnh cưới của họ chính là chất màu và cảm xúc chân thật mà nhiếp ảnh phim mang lại. Anh giải thích: “Màu nhiếp ảnh phim hoài cổ, vintage với những tông màu đa dạng mà máy số rất khó tái tạo, đôi khi chính bản thân tôi cũng phải bất ngờ trước vẻ đẹp của nó”. Với anh, ảnh cưới nhiếp ảnh phim không chỉ là những bức ảnh đơn thuần mà là một tác phẩm nghệ thuật, lưu giữ khoảnh khắc và cảm xúc thật, mang lại trải nghiệm riêng biệt và giá trị sưu tầm lâu dài, không bị lỗi thời.
Sự trở lại mạnh mẽ của nhiếp ảnh phim không chỉ là một hiện tượng nhất thời, mà là minh chứng cho một sự dịch chuyển đáng chú ý trong cách con người hiện đại tìm kiếm và trân trọng giá trị nghệ thuật. Giữa một kỷ nguyên số tiện lợi và hoàn hảo đến mức đôi khi bão hòa, nhiếp ảnh phim đã và đang định vị lại mình như một lựa chọn có ý thức, nơi trải nghiệm thủ công, sự kiên nhẫn và khả năng cảm nhận sâu sắc khoảnh khắc được đề cao.
Bài và ảnh: YẾN NHI
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.