Nhiếp ảnh từng có một đội ngũ LLPB được đào tạo cơ bản ở nước ngoài, đó là: Lê Phức, Trần Mạnh Thường, Chu Chí Thành, Văn Thành, Vũ Huyến, Vũ Đức Tân, Phạm Tiến Dũng... Họ được đào tạo nhiếp ảnh ở các trường đại học uy tín của Liên Xô và Cộng hòa Dân chủ Đức vào thập niên 1960, 1970. Họ rất có ý thức viết sách, viết báo. Nhờ học vấn về nhiếp ảnh bài bản, tác phẩm của họ đều giàu sức thuyết phục người đọc. Ngoài ra còn có những tay bút tuy không được đào tạo nhiều về nhiếp ảnh nhưng từ kinh nghiệm trong sáng tác nhiếp ảnh đã có những bài viết phê bình ấn tượng, sắc sảo như: Nguyễn Đặng, Nguyễn Đức Chính, Huy Hoàng, Phạm Kỉnh, Hoàng Kim Đáng, Lê Xuân Thăng...

Những tên tuổi LLPB nhiếp ảnh kể trên, một số người đã qua đời, đa phần do tuổi cao sức yếu nên sức viết giảm đi. Hiện nay, thế hệ kế cận đang nối tiếp có thể kể tên Vũ Kim Khoa, Việt Văn, Trần Quốc Dũng, Lưu Quang Phổ, Chu Thu Hảo...

Các đại biểu tham dự Tọa đàm "Giải pháp nào để có nhiều tác phẩm ảnh nghệ thuật chất lượng cao" do Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức tháng 11-2023.    

Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam hiện nay có hơn 1.000 hội viên nhưng chỉ có 8 người được Hội chính thức xác định là nhà nghiên cứu LLPB nhiếp ảnh. Điều đáng nói, người ít tuổi nhất năm nay cũng đã 53 tuổi. Đa phần người viết chủ yếu là phê bình báo chí, ít có công trình tầm cỡ có tính hệ thống, thuyết phục về mặt khoa học. Riêng với thế hệ trẻ (được quy ước dưới 35 tuổi) gần như chưa thấy ai có đam mê viết LLPB.

Nguyên nhân thiếu vắng đội ngũ LLPB nhiếp ảnh cũng tương tự như một số ngành nghệ thuật khác, đó là: Nhuận bút, thù lao không đủ để bảo đảm cuộc sống; trong nước không đào tạo chuyên ngành LLPB nhiếp ảnh chính quy; tự thân LLPB đòi hỏi nhiều thời gian và công sức theo đuổi; nhiều người ngại viết LLPB vì sợ “động chạm”.  

Hậu quả của việc thiếu những cây bút LLPB sắc sảo, những tiếng nói có thẩm quyền về chuyên môn khiến việc thẩm định năng lực tác giả, giá trị tác phẩm thường xuyên “có vấn đề”. Chẳng hạn, thường xuyên xuất hiện dư luận về kết quả các cuộc thi nhiếp ảnh chưa thuyết phục. Việc lựa chọn tác phẩm đoạt giải là do công tác chấm chọn giải, về cơ bản là khá nghiêm túc, công tâm. Giá mà cùng với việc công bố giải thưởng, có một bài phê bình chỉ ra cái đẹp cũng như hạn chế của các tác phẩm, rõ ràng sẽ không xuất hiện những lời đồn thổi, những lời ra tiếng vào không đáng có. Việc ít có những tiếng nói cảnh báo các vấn nạn như sao chép, bắt chước ý tưởng, lạm dụng công nghệ, ít chịu khó xông pha vào thực tế... khiến tay máy thì nhiều nhưng tác phẩm đỉnh cao thì rất ít. Đây chính là vấn đề LLPB không thể định hướng cho nhiếp ảnh phát triển một cách đúng đắn.

Trong các cuộc hội thảo, tọa đàm nhiều năm qua, chính lãnh đạo Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam thừa nhận là chưa tìm được cách gỡ khó cho vấn đề thiếu hụt đội ngũ LLPB. Muốn giải quyết một vấn đề cần giải pháp đồng bộ, tổng thể. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, thiết nghĩ, việc gì có thể làm ngay để nâng cao chất lượng LLPB nhiếp ảnh thì cần phải thực hiện. Theo các chuyên gia, nhất thiết phải mở các lớp tập huấn ngắn hạn với những người ít nhiều có hiểu biết về nhiếp ảnh, đồng thời có khả năng viết như các nhà báo, phóng viên, người trong ngành tuyên giáo, văn hóa-thông tin...

Cần tìm mọi cách, huy động nguồn lực để cử một số người trẻ đi học nhiếp ảnh ở nước ngoài nhằm tạo ra những “hạt nhân” như cách làm trước đây. Hỗ trợ xuất bản các tài liệu về kiến thức nhiếp ảnh. Điều quan trọng hơn là tạo ra môi trường đối thoại về nhiếp ảnh minh bạch, lành mạnh. Thực tế, có nhiều tay máy có khả năng viết nhưng họ vẫn còn e ngại, nên chăng cần khuyến khích họ viết về những trải nghiệm sáng tạo cá nhân, viết về đời sống nhiếp ảnh, viết về sáng tạo của đồng nghiệp.

Bài và ảnh: THANH XUÂN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.