May mắn, tôi đặc biệt được các anh chị ở các nhà hát thương (tôi xin viết tắt tên các nghệ sĩ để bảo vệ cuộc sống cá nhân của những người tôi yêu mến). Hồi đó, những AT, LH, MH... lồng lộng ấy đều coi tôi như người em trong nhà. Một lần rảnh rỗi, nghệ sĩ LH rủ tôi đi chơi chợ. Đến đầu chợ, một bác lớn tuổi bán chuối gánh chỉ chị reo to lên: “Ô! Cô này là thợ đóng ti vi!” rồi chạy theo cho nải chuối chín. Tôi bảo với bác hàng chuối rằng đây là nghệ sĩ LH, diễn viên. Chị lúc đó chỉ cười như nắc nẻ, xin mua luôn nải chuối. Về chị bảo, trở thành “thợ đóng ti vi” thì đáng sợ lắm đấy, nó như lời nhắc nhở nghệ sĩ vậy. Nghệ sĩ lớn luôn nhắc nhở bản thân như thế. Từ đó về sau, mỗi lần tôi hỏi sao chị ít lên hình vậy, chị lại trả lời là nghệ sĩ cũng phải biết “tiết kiệm mặt”, làm sao để mỗi lần xuất hiện, hình ảnh nghệ sĩ với vai diễn trở thành một lần “đáng tính”.

leftcenterrightdel
     Ca sĩ Mỹ Tâm để lại hình ảnh đẹp trong lòng người hâm mộ với những hoạt động thiện nguyện. Ảnh do nghệ sĩ cung cấp. 

Tôi được đồng hành với nghệ sĩ AT nhiều hơn do hay đi làm vở cùng nhau, cũng thấy anh gặp gỡ người hâm mộ nhiều. Nhớ nhất lần có người hâm mộ chở một bao tải táo ta từ Hưng Yên lên tận nhà hát hỏi gặp anh. Anh ấy nói mình là hâm mộ sân khấu và nghệ sĩ. Từ chối bao tải táo đó mãi không được, anh bảo xin nhận táo đầy hai túi quần rồi cố ních thật căng cho người tặng vui. Gương mặt người tặng táo mãn nguyện một cách rất đặc biệt và gây ấn tượng. Còn hai túi quần đầy táo đó, nghệ sĩ AT chia cho anh chị em trong đoàn và chỉ ăn một quả. Vừa ăn, gương mặt anh ngẫm ngợi nhiều lắm. Anh bảo, tiếc quá chưa kịp hỏi người đó rằng thích những đoạn nào trong vở diễn và đoạn nào thì chưa. Tôi cũng vì thế mà nhớ khá rõ gương mặt người khán giả đó. Vậy nên sau nhiều năm, tôi đã nhận ra người hâm mộ đó đứng một mình khóc tại đám tang nghệ sĩ AT.

Người hâm mộ hồi đó trân quý những nghệ sĩ mình yêu mến như vậy. Vì yêu mến nghệ sĩ nên họ càng muốn học hỏi, tìm tòi về nghệ thuật. Nghệ sĩ cũng vì thế mà thêm trách nhiệm trau dồi nghề nghiệp hơn, khao khát cống hiến nhiều hơn.

Cố nghệ sĩ HD sinh thời từng kể, quãng cuối thập niên 1980, thỉnh thoảng lại có một nhóm sinh viên từ các trường tìm đến thăm. Thấy sinh viên nghèo quá, anh bỏ ra tháng lương nghệ sĩ mời mỗi cô cậu một bát phở bò. “Có những đứa lần đầu tiên được ăn phở bò đấy em ạ”, anh nói mà ngân ngấn nước mắt. Các nghệ sĩ cũng thương người hâm mộ như người thân vậy. Vì thế, thời đó lấy đâu ra khái niệm “antifan” (người tẩy chay) được nhỉ?

Với các nghệ sĩ thời đó, công chúng của họ là người xem, người nghe. Người xem, người nghe có tỏ ra hâm mộ nghệ sĩ hay không cũng không quan trọng, chỉ cần vở diễn hay chương trình nghệ thuật có khán giả thì các anh chị em nghệ sĩ lại sẵn sàng cháy hết mình trên sàn diễn. Dù giai đoạn đó, trang thiết bị sân khấu còn kém, đèn sàn diễn cứ tối mò mò, nhưng những giọt nước mắt, những nụ cười, những tràng vỗ tay của khán giả lại là thứ ánh sáng diệu kỳ soi rọi cho các nghệ sĩ tỏa hào quang. Sân khấu thực sự đã trở thành "thánh đường" đối với cả người diễn và người xem.

Tôi đã thật sự thán phục ban lãnh đạo của Nhà hát Tuổi trẻ thời đó. Họ tổ chức những hoạt động cho các nghệ sĩ được tiếp xúc với công chúng khi vừa xong vở diễn. Sau vở diễn, người hâm mộ thường nán lại đông nghẹt để chờ gặp những nghệ sĩ họ yêu mến. Họ muốn được bày tỏ rằng vai này, vở này, nghệ sĩ này, nghệ sĩ kia diễn thăng hoa thế nào, còn chỗ nào cần khắc phục. Nghệ sĩ thì luôn vui vẻ lắng nghe những chia sẻ từ khán giả. Nhờ vậy, các nghệ sĩ cũng hoàn thiện mình hơn. Người thầy lớn nhất của họ chính là khán giả.

Ở Nhà hát Tuổi trẻ còn có một hoạt động đều đặn nữa, đó là Câu lạc bộ Sân khấu trẻ. Câu lạc bộ này dành riêng cho các bạn trẻ từ lứa tuổi nhi đồng, thiếu niên đến vị thành niên. Đó là những người trẻ yêu sân khấu, hâm mộ sân khấu đến tập kịch. Thầy dạy sân khấu cho họ đều là những nghệ sĩ lớn. Khá nhiều bạn trẻ từng sinh hoạt tại Câu lạc bộ Sân khấu trẻ sau này đã bước chân vào nghề. Họ trở thành diễn viên sân khấu điện ảnh, biên kịch, kỹ thuật viên sân khấu... Nhưng ít ai hiểu được sâu xa, chính câu lạc bộ ấy đã gieo mầm tạo nên những thế hệ người yêu sân khấu, người hâm mộ có hiểu biết nghệ thuật sau này.

Nghệ thuật biểu diễn Việt Nam đã có nhiều thế hệ người hâm mộ được tôi luyện thẩm mỹ nghệ thuật như thế. Họ hiểu, yêu nghệ thuật cũng như các nghệ sĩ. Họ cũng rất công tâm. Hay thì nói hay, chưa hay nói chưa hay. Họ khen công khai, nhưng khi chê thì chỉ tìm cách gặp riêng, rỉ tai nghệ sĩ. Vậy thì làm sao các nghệ sĩ không trân trọng những người hâm mộ của mình được? Mỗi nghệ sĩ đều có riêng những nhóm khán giả thân thuộc như vậy. Đó như tiền thân những "fan club" (câu lạc bộ người hâm mộ) của các nghệ sĩ biểu diễn bây giờ. Không dám nói cả nước, ở đây chỉ muốn nhắc đến một vài nghệ sĩ thành danh ở phía Bắc hiện tại. Họ cũng có những cảm xúc như nghệ sĩ các thế hệ trước vậy, cũng yêu thương, trân quý những khán giả "ruột" như thế, nhưng còn một điều khác tế nhị hơn, chính những "fan club" sẽ quyết định thu nhập cá nhân của các nghệ sĩ, nhất là các nghệ sĩ có yếu tố thị trường.

Sẽ vẫn có những người hâm mộ thực sự chỉ quan tâm đến giá trị nghệ thuật mà nghệ sĩ cống hiến. Họ sẽ viết những bài bình luận về những vai, những phim, những vở kịch của nghệ sĩ mình yêu mến. Đa số những bài viết ấy khá sâu sắc và hiểu biết, cho nên còn ảnh hưởng khá mạnh đến các bài viết của giới báo chí, truyền thông. Còn lực lượng người hâm mộ hùng hậu khác sẽ hỗ trợ nghệ sĩ ở bề nổi. Những băng rôn, khẩu hiệu sẽ được người hâm mộ cầm theo để hò hét, gọi tên mỗi khi nghệ sĩ xuất hiện. Họ sẽ dõi theo các dự án nghệ thuật của các nghệ sĩ. Họ luôn tích cực chia sẻ bài và ảnh của nghệ sĩ mình hâm mộ trên trang cá nhân và các hội nhóm. Hình ảnh đẹp của các nghệ sĩ được lan tỏa cho nhiều người biết hơn. Nghệ sĩ trở thành người tư vấn có sức ảnh hưởng mạnh tới các thương hiệu. Thu nhập nhờ khán giả mà tăng. Khán giả rất ý thức được quyền năng của mình. Khán giả góp phần đẩy nghệ sĩ lên đỉnh với thêm nhiều nguồn thu nhập, nhưng cũng có thể dìm họ xuống. Họ quá trẻ và đông vô cùng.

Thật kinh hoàng nếu như phải chứng kiến những "cuộc chiến" trên mạng xã hội của các nhóm người hâm mộ. Người hâm mộ của nghệ sĩ này lại là “antifan” của nghệ sĩ khác. Họ thích ngay đấy, nhưng cũng có thể ghét ngay lập tức. Vậy nên các nghệ sĩ mới nổi yêu chiều khán giả của mình vô cùng. Đôi khi nghệ sĩ còn phải ăn, mặc, để kiểu tóc, sơn màu móng theo ý thích của người hâm mộ. Khi lỡ có hành động hay lời nói nào làm người hâm mộ phật ý là bộ khung của nhóm người hâm mộ sẽ họp bàn để đưa ra lời nhắc nhở, thậm chí cả "tối hậu thư" với nghệ sĩ. Không ai hiểu hơn sự trừng phạt đáng sợ của những nhóm hâm mộ cực đoan bằng các nghệ sĩ. Tại Hàn Quốc cũng như Việt Nam, không hiếm lần các thần tượng, ngôi sao phải viết tâm thư xin lỗi người hâm mộ. Họ cũng nhiều khi phải đứng trước mặt người hâm mộ cúi đầu xin tha thứ. Hôm nay những người ấy là người hâm mộ nhưng ngay ngày mai có thể họ sẽ thành “antifan”.

Tôi cũng có vài người em thân thiết là nghệ sĩ phía Bắc, đang khá nổi tiếng với những nhóm hâm mộ riêng. LTT là một trong các nghệ sĩ đó có lần tâm sự rằng: “Có người hâm mộ cũng vui nhưng mệt mỏi kinh khủng. Em chỉ ước được sống trong không khí nghệ thuật trong lành thời của thầy em là AT”.

Nghệ sĩ luôn rất cần môi trường sáng tạo nghệ thuật cùng những người hâm mộ chân chính, thuần khiết để không phải lo lắng xem mình quan hệ công chúng đã tốt hay chưa.

Nhà văn NGUYỄN ANH VŨ