Câu chuyện về hề chèo vừa được Nhà hát Chèo Việt Nam truyền cảm hứng tới khán giả, nhất là các bạn trẻ qua Chương trình “Phi hề bất thành chèo”.

Nói đến vai hề cũng là nói đến một nhân vật đã được định hình trên sân khấu chèo, có thể là những tên cụ thể như xã trưởng, mẹ đốp, mõ làng, lính, nô...

Nghệ sĩ Nhân dân Lê Tuấn Cường, Quyền Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam lý giải cụ thể, trong hề chèo chia ra hề áo ngắn và hề áo dài, điều đó được thấy thông qua trang phục của hề. Hề áo ngắn thuộc tầng lớp nhỏ bé trong xã hội, thường đi hầu hạ cho người khác, chất phác, hồn nhiên và hóm hỉnh; chẳng hạn vai hề-lính hầu trong vở chèo cổ điển “Lưu Bình-Dương Lễ”.

leftcenterrightdel
 Khán giả giao lưu và thực hành biểu diễn cùng các nghệ sĩ chèo trên sân khấu Chương trình “Phi hề bất thành chèo”.

Hề áo dài là những nhân vật thuộc tầng lớp trên so với hề áo ngắn, vốn mang những tính cách mâu thuẫn so với hình thức để gây cười. Các nhân vật hề áo dài thường tự “vạch mặt” bản thân, đặt mình vào các tình huống lố bịch để tự chế giễu bản thân, cụ thể như nhân vật xã trưởng trong vở “Quan Âm Thị Kính”.

“Nghệ thuật tung hứng của hề chèo chứa đựng những tinh thần đặc trưng của vở diễn, đó là lý do người xưa có câu “phi hề bất thành chèo”. Không phải ai cũng có thể hóa thân thành hề trong chèo. Để trở thành một diễn viên chèo, cá nhân phải có yếu tố thiên bẩm”, Nghệ sĩ Nhân dân Tuấn Cường cho hay.

Nghệ sĩ Văn Phương, Nhà hát Chèo Việt Nam, từng vào nhiều vai hề chèo, chia sẻ tại sự kiện: Đối với diễn viên sân khấu, chữ duyên rất quan trọng. Cái duyên là thiên phú, mà đã là thiên phú thì không có thầy nào, đạo diễn nào dạy cho mình cái duyên đó.

Các thầy chỉ có thể dạy cho mình kỹ thuật để cái duyên đó thể hiện được hoàn hảo, lấy được những tràng pháo tay từ khán giả. Hơn thế, hề chèo còn là cầu nối giữa các nhân vật trong vở diễn, giúp đẩy nhanh tiết tấu, tạo sự kịch tính và thu hút người xem.

Trong thời đại bùng nổ công nghệ và sự đa dạng của phương tiện truyền thông hiện đại, các loại hình giải trí... chèo dần đối mặt với nguy cơ mai một. Theo bà Đinh Thảo, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến quảng bá di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam, để đưa chèo đến gần với thế hệ trẻ cần phải đổi mới.

Một loạt chương trình đã được các tổ chức phối hợp với các đơn vị nghệ thuật, nghệ sĩ triển khai, điển hình như: Dự án "Chèo 48h-Tôi chèo về quê hương" với những workshop, sự kiện tổ chức về hát chèo, múa chèo do các nghệ sĩ hướng dẫn.

Việc đổi mới và sáng tạo của loại hình nghệ thuật này như trong cách thức truyền tải, biểu diễn, kết hợp với các nghệ thuật hiện đại đã góp phần thu hút giới trẻ, đưa chèo đến gần hơn với công chúng, đồng thời khẳng định vị thế của chèo trong đời sống văn hóa tinh thần dân tộc.

Với đông đảo bạn trẻ tham gia sự kiện “Phi hề bất thành chèo” thì đây không đơn thuần là một chương trình biểu diễn nghệ thuật mà còn là một hành trình khám phá đầy thú vị về hề chèo với nhiều trải nghiệm đa giác quan. Trong khuôn khổ sự kiện, ngoài phần giao lưu, trò chuyện về hề chèo, nghệ thuật chèo truyền thống, khán giả còn tham quan triển lãm trưng bày hiện vật liên quan đến chèo, trải nghiệm loại hình nghệ thuật này thông qua việc hóa thân thành các nhân vật chèo ngay trên sân khấu; hay lắng nghe màn rap hề chèo-một sự giao thoa giữa nghệ thuật truyền thống và hiện đại.

Bài và ảnh: ĐÌNH CHUNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.