Sinh ra, lớn lên giữa phố rèn truyền thống, từ ấu thơ, cậu bé Hùng đã quen tai với âm thanh của tiếng đe, búa chan chát suốt ngày đêm. Khi mới 10 tuổi, cậu đã làm cùng cha, cứ vậy, nghề rèn như in vào máu thịt cậu cho tới giờ.
Hằng ngày, ông Hùng vẫn cần mẫn tay đe, tay búa, ngồi trước lò nung rực lửa. Dù thời tiết nắng nóng, cửa hàng ông vẫn mở cửa. Gương mặt người đàn ông lúc nào cũng ám đen bụi than, chiếc áo cũ loang lổ dầu mỡ, mặc sự lấm lem, từng nhát búa nện vào khối kim loại đang nung đỏ rực. Gia đình ông 3 đời làm nghề rèn. “Phố Lò Rèn ngày trước, nhà nào cũng làm nghề rèn, một nhà sở hữu từ 1 đến 3 lò, hoạt động suốt ngày đêm. Trải qua hàng chục năm, người bỏ nghề, người chuyển sang làm cơ khí hiện đại hơn, nhưng tôi vẫn muốn giữ lại tiếng búa. Vẫn còn tên phố Lò Rèn, tôi vẫn làm nghề”, ông Hùng tâm sự.
 |
Ông Nguyễn Phương Hùng vẫn bám trụ với nghề rèn. |
Ban đầu ông Hùng tính theo đuổi nghề kỹ thuật điện, được bố khuyên, ông gạt ý muốn cá nhân, quyết định học làm nghề cùng bố. Ông Hùng tâm sự: “Bố tôi từng nói rằng: "Nghề rèn rất quý, con nên quay về với nghề. Làm rèn con mới thấy được cái hay của nghề". Do vậy, tôi yêu nghề rèn vì nghề tạo ra cho tôi những câu chuyện như một bức tranh vẽ nên rất đẹp”.
Thợ rèn là một nghề công phu, để hoàn thành một sản phẩm phải trải qua nhiều quá trình tỉ mỉ, kiên trì và chịu khó. Bởi thế, nghề rèn nhìn qua thì dễ nhưng không phải ai cũng làm được. Mỗi tiếng búa đập xuống đục vang tận giữa phố, tàn lửa bắn tung, nhiều nhát búa đập xuống, chiếc đục trở nên sắc nhọn.
Nghề rèn vất vả, nặng nhọc nhưng đã nuôi sống ông Hùng và gia đình. Hai người con của ông Hùng đều đã học hết đại học, con trai cả của ông hiện làm kỹ sư xây dựng, con gái làm kế toán cho một công ty của Nhật Bản.
Ngày qua ngày, giữa con phố Lò Rèn tấp nập, ông Hùng bận bịu bám nghề như một lời tri ân đặc biệt với nghề rèn, với tổ nghề.
Bài và ảnh: LƯƠNG HIỀN
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.