Khán phòng Nhà hát Âu Cơ một ngày cuối tuần tháng 9 đông vui hơn ngày thường. Hàng trăm bạn trẻ đã đến đây để thưởng thức buổi hòa nhạc có chủ đề “Ngày ấy và sau này”. Trong hai tiếng đồng hồ, nhiều bạn trẻ đã được lắng nghe những giai điệu quen thuộc được thể hiện qua dàn nhạc giao hưởng như: “Dấu mưa”, “Hoàng hôn tháng Tám”, “Lạc”... Bên cạnh đó, ban tổ chức đã gây bất ngờ khi kết hợp nhạc rock và dàn nhạc giao hưởng, tạo nên bầu không khí sôi động. Chứng kiến những “đứa con tinh thần” của mình trong một phong cách mới nhận được sự yêu mến của khán giả, nhạc sĩ Phạm Toàn Thắng cho biết: “Tôi không ngờ một ca khúc nhạc trẻ như “Hoàng hôn tháng Tám” lại có thể được hòa tấu hay và xúc động đến vậy. Tôi càng bất ngờ hơn khi có nhiều bạn trẻ quan tâm và yêu thích nhạc giao hưởng”.

   

   Buổi hòa nhạc “Ngày ấy và sau này” diễn ra tại Hà Nội. 

Vừa kết thúc chuyến du học tại Mỹ, nhạc sĩ, nghệ sĩ đàn piano Phạm Xuân Bình Sơn đã bị cuốn hút bởi sự kiện "Ngày ấy và sau này". Tại buổi hòa nhạc, Bình Sơn tham gia chơi đàn piano, đồng thời phối lại 10 bài hát theo phong cách giao hưởng. Có bố là nhạc sĩ, mẹ là nghệ sĩ chơi đàn dân tộc nên từ nhỏ Bình Sơn đã theo học piano và sau này luôn giành được điểm số cao trong học tập. Hầu hết những ca khúc nhạc trẻ được phối lại theo nhạc giao hưởng của Bình Sơn trong chương trình nhận được sự đánh giá cao của giới chuyên môn và sự yêu mến của đông đảo khán giả trẻ. Bình Sơn cho biết: “Tôi nghĩ xu hướng âm nhạc hiện nay mới lạ hơn và có những tiết tấu phức tạp hơn. Tôi mong muốn có thể góp phần phối lại những ca khúc trẻ không chỉ dành cho giao hưởng thính phòng mà còn mang âm hưởng của thời đại mới”.

Được biết, “Ngày ấy và sau này” là chương trình nằm trong chuỗi sự kiện âm nhạc của dự án CAM Concert được tổ chức tại một số tỉnh, thành phố trong vài năm qua. Ý tưởng của dự án là phối lại các dòng nhạc trẻ theo hướng nhạc cổ điển, với mục tiêu mang âm nhạc giao hưởng-vốn bị xem là kén người nghe-đến gần hơn với khán giả trẻ. Chia sẻ về dự án, bạn Nguyễn Trà Giang, người phụ trách sáng tạo nội dung cho biết: “Nhạc giao hưởng và nhạc trẻ mang hai phong cách khác nhau. Một bên là màu sắc cổ điển với sự uy nghi, nghiêm chỉnh. Bên còn lại là sự mới mẻ, phá vỡ hoàn toàn mọi quy luật. Để kết hợp được hai màu sắc này lại với nhau, chúng ta cần tìm được điểm chung, đó là sự sáng tạo. Dòng nhạc nào cũng thế, khi cùng hướng đến sự sáng tạo để phục vụ khán giả thì sẽ mang lại hiệu quả”.

Gắn bó với dự án CAM Concert từ năm 2020, Nguyễn Trà Giang cho rằng, thành công lớn nhất của chương trình là thu hút đông đảo bạn trẻ quan tâm đến nhạc giao hưởng. “Sắp tới, buổi hòa nhạc “Ngày ấy và sau này” sẽ được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Mong muốn của ban tổ chức cũng giống như chương trình, đó là “ngày ấy” tượng trưng cho dòng nhạc cổ điển sẽ tồn tại mãi cùng với “sau này” tượng trưng cho nhạc trẻ. Cả hai sẽ đồng hành với mong muốn tạo ra một không gian nghệ thuật, làm cho nghệ thuật sống mãi với thời gian. Cách làm của CAM Concert mong muốn định hướng thẩm mỹ âm nhạc cho khán giả trẻ trước thực trạng rất nhiều luồng âm nhạc khác nhau được du nhập vào Việt Nam hiện nay”, Nguyễn Trà Giang cho biết thêm.

 Bài và ảnh: HOÀI PHƯƠNG