Họa sĩ Ngọc Linh tên thật là Vi Văn Bích, người dân tộc Tày, sinh năm 1930, tại xã Khuất Xá, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn. Ông là người cuối cùng của thế hệ học trò khóa mỹ thuật kháng chiến tại Chiến khu Việt Bắc, được đào tạo dưới sự hướng dẫn của hai họa sĩ tài hoa Tô Ngọc Vân và Trần Văn Cẩn.
Họa sĩ Ngọc Linh bước vào con đường hội họa từ xuất phát điểm rất khác biệt so với nhiều họa sĩ cùng thời. Ông gần như tự học với niềm đam mê và tài năng thiên bẩm. Ký ức ùa về, họa sĩ Ngọc Linh nhớ lại thuở thiếu thời, mỗi lần được xem phim xong lại về nhà cặm cụi tập vẽ những hình ảnh đặc biệt hằn sâu trong trí nhớ. Quyết tâm theo đuổi hội họa và học tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (nay là Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam), sau khi tốt nghiệp, ông tham gia Xưởng Phim truyện Việt Nam (nay là Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam) ngay từ những ngày đầu thành lập nền điện ảnh nước nhà.
 |
NSƯT, họa sĩ Ngọc Linh ký tặng sách độc giả.
|
Trong những năm làm nghề, ông đã thiết kế mỹ thuật cho 28 bộ phim truyện, trong đó có những tác phẩm kinh điển như “Vợ chồng A Phủ”, “Kim Đồng”, “Lửa rừng”, “Sao Tháng Tám”, “Ông tiên trong tù”... Những năm tháng làm phim đã hun đúc trong ông những trải nghiệm sâu sắc về cách tái hiện không gian sống động, chân thực nhất, dù điều kiện sản xuất còn nhiều thiếu thốn.
Trong bối cảnh nhiều thử thách, việc làm phim ngày ấy quả là một hành trình gian nan. Nhớ lại thời quay “Vợ chồng A Phủ”, họa sĩ Ngọc Linh chia sẻ: “Thời đó đoàn làm phim lên vùng cao nhưng không thể vác theo máy quay, ánh sáng hay máy nổ lên miền núi nên tôi phải về dựng ảnh, làm bối cảnh và quay toàn bộ ở Hà Nội. Ngoại cảnh thì chỉ có thể thực hiện ở Ba Vì”. Quay phim ngày đó rất kỳ công, mỗi ngày chỉ có thể hoàn thành một cảnh với 2-3 đúp quay, yêu cầu tối thiểu 10 thước phim. “Tất cả những gì trên phim, từ cối xay, khẩu súng, lọ hoa, hoa đào, đều được tôi tỉ mẩn làm từ giấy và xi măng”, ông nhớ lại.
Dù là lĩnh vực điện ảnh hay hội họa, NSƯT Ngọc Linh luôn tâm huyết sáng tạo bằng mạch cảm xúc dẫn lối. Ông có lối làm việc khá cá tính, đó là không bao giờ phác thảo trước, chỉ cần cầm bút là vẽ: “Tôi vẽ theo mạch suy nghĩ của mình, không chịu ảnh hưởng từ ai”. “Chính điều đó đã tạo dấu ấn riêng biệt trong tranh của ông-hồn nhiên, say sưa nhưng cũng đầy tinh tế”, nhà lý luận phê bình mỹ thuật Đào Mai Trang nhận xét. Các tác phẩm của ông được thể hiện trên nhiều chất liệu khác nhau, từ bột màu, sơn dầu, lụa đến sơn mài, nhưng tất cả đều mang chung một hơi thở: Sự sống động của thiên nhiên và con người.
Đã kinh qua bao thăng trầm biến động của tháng năm gian khó, đến bút chì cũng không có đành phải vẽ bằng bột màu, nhưng cho đến nay họa sĩ Ngọc Linh vẫn không ngừng sáng tạo. Ở tuổi 95, ông vẫn cầm bút vẽ, vẫn miệt mài lao động nghệ thuật như tằm nhả tơ dệt nên những ống lụa góp ích cho đời. Với ông, nghệ thuật không chỉ là công việc mà còn là cuộc sống. Chính điều đó là động lực thôi thúc người họa sĩ mở cuộc triển lãm cá nhân lần thứ 12 của mình ở tuổi 95, là tinh thần mà ông gửi gắm vào triển lãm “Con đường của tôi”, nơi 52 bức tranh được trưng bày như một lời tự sự về một hành trình nghệ thuật tự do, bền bỉ và đầy đam mê. Cùng với đó là cuốn sách “Ngọc Linh-Hội họa của mùa xuân” in song ngữ Việt-Anh, dày 360 trang, tổng kết lại 75 năm sự nghiệp hội họa, thiết kế mỹ thuật điện ảnh và 95 năm cuộc đời của họa sĩ Ngọc Linh-là hành trình vẽ không ngừng nghỉ, vẽ bằng tất cả tâm hồn, ký ức và những rung động trước cuộc đời.
Bài và ảnh: HIỀN ANH
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.