QĐND - Âm nhạc từ xưa đến nay vẫn mang trong mình một sức mạnh tiềm tàng. Khi mà hình ảnh người lính trở thành trung tâm của cuộc kháng chiến, âm nhạc giúp cho bức tranh Bộ đội Cụ Hồ sáng đẹp, thăng hoa cùng nghệ thuật. Và khi người lính Cụ Hồ là nội dung của âm nhạc, các ca khúc không còn mang tính giải trí thuần túy nữa, mà trở thành những khúc tráng ca của lịch sử.
Từ chất thép hào hùng…
Trong máu lửa, trong đau thương của cuộc kháng chiến chống Pháp, âm nhạc vẫn cất lên như những ngọn lửa thôi thúc tinh thần chiến đấu quật cường. Hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trở thành ngọn nguồn sáng tác bất tận của các nhạc sĩ. Một thời máu và hoa, một thời âm nhạc và chiến tranh có mối quan hệ mật thiết, đó là mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại lẫn nhau. Hơi thở, hình ảnh của những người lính chống Pháp đã làm nên chất thép trong những ca khúc cách mạng giai đoạn 1945-1954. Ngược lại, những bài hát khi thì sôi sục tinh thần quyết chiến, khi lại thủ thỉ, nhẹ nhàng như những bản tình ca về Đảng, Tổ quốc đã tiếp thêm động lực, sức mạnh để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân vượt qua nghìn trùng khó khăn đến bến bờ chiến thắng. Hàng loạt các sáng tác ra đời trong hoàn cảnh thiếu thốn bộn bề, lưu truyền bằng con đường chép tay và truyền miệng từ đơn vị này sang đơn vị khác, nay đã trở thành những ca khúc bất hủ, vượt thời gian như Đoàn Vệ quốc quân (Phan Huỳnh Điểu), Hành quân xa (Đỗ Nhuận), Hò kéo pháo (Hoàng Vân), Tiểu đoàn 307 (thơ Nguyễn Bính, nhạc Nguyễn Hữu Trí), Tình đồng chí (thơ Chính Hữu, nhạc Minh Quốc), Lên ngàn (Hoàng Việt),…
Khi người lính là chủ thể của những ca khúc âm nhạc, khi tinh thần quyết chiến, quyết thắng, quyết tử để Tổ quốc quyết sinh là những lời ca mượt mà trên giai điệu thì âm nhạc trở thành ngọn đuốc rực sáng để người lính có sức mạnh vượt qua những khó khăn, thử thách trên chiến trường.
 |
Bộ đội Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 31, Sư đoàn 309 (Quân đoàn 4) tập khiêu vũ trong ngày nghỉ. Ảnh: Minh Trường |
Bản chất, đức tính của Bộ đội Cụ Hồ là đề tài của hàng loạt các ca khúc cách mạng. Nhiều bài hát như Đoàn Vệ quốc quân (Phan Huỳnh Điểu) hay Hò kéo pháo (Hoàng Vân) tuy ca từ mộc mạc nhưng giai điệu lại hào hùng tựa những khúc tráng ca. Một sự trùng hợp thú vị là Bộ đội Cụ Hồ cũng ẩn chứa một tinh thần mạnh mẽ đằng sau sự giản dị của ngoại hình. Nhiều cựu binh Pháp và Mỹ trong cuốn hồi ký của mình đã không ngần ngại nhận xét bộ đội Việt Nam là những “con người phi thường”. Không phi thường làm sao được, khi trong trái tim những người lính trẻ “Dạ sắt, gan vàng tiến lên lòng son chẳng nao” (Tiểu đoàn 307) còn hơi thở thì ắp đầy “Lòng quyết tâm còn cao hơn núi” (Hò kéo pháo). Chính sự phi thường khởi nguồn từ những điều bình dị đó đã làm nên một chiến thắng “Lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu”.
Với tinh thần “Đâu có giặc là ta cứ đi” (Hành quân xa) và quyết tâm: "Đoàn Vệ quốc quân một lần ra đi/ Toàn thắng vinh quang ghi ngày trở về/ Ra đi ra đi bảo tồn sông núi/ Ra đi ra đi thà chết chớ lui" (Đoàn Vệ quốc quân), trái tim quả cảm, sự gan dạ của người lính Cụ Hồ đã đi vào âm nhạc một cách dung dị và đời thường nhất. Lòng dũng cảm, tinh thần hy sinh thì quân đội của bất cứ quốc gia nào cũng có thể phát ngôn khẳng định, nhưng với Bộ đội Cụ Hồ thì “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, tinh thần đó đã được khẳng định không chỉ trong cuộc kháng chiến chống Pháp mà cả các cuộc kháng chiến sau này.
… đến tình quân dân nồng đượm
Bộ đội Cụ Hồ với nhân dân như cây với đất, như cá với nước. Trong những bài hát được sáng tác thời kỳ kháng chiến chống Pháp, hình ảnh đồng bào với chiến sĩ là hình ảnh quen thuộc thể hiện cả niềm vui lẫn nỗi nhớ, sự đùm bọc sẻ chia cũng như mối tình thủy chung son sắt. “Đi dân nhớ, ở dân thương” là nét đẹp của tình quân dân, cũng là nội dung của không ít các ca khúc được sáng tác trong giai đoạn 1945-1954.
Tình dân tiễn đưa muôn nẻo từ người lính miền xuôi lên ngược, đến khi người lính từ miền ngược trở về. Mỗi khi bộ đội dừng chân ở một làng quê nhỏ là “bờ tre xao xuyến vuông khăn” (Quân lên ngược-Yên Thao), là “Đêm khuya đồng chí kéo về/ Chật sân nằm ngủ bộn bề súng bom” (Đón bộ đội-Hữu Tâm). Đặc biệt, lời thơ của Hoàng Trung Thông qua phần phổ nhạc của nhạc sĩ Lê Yên với ca khúc “Bộ đội về làng” là minh chứng nghệ thuật sinh động nhất cho tình cảm mà nhân dân khắp nơi dành cho những người lính “Các anh đi ngày ấy đã lâu rồi, xóm làng tôi còn nhớ mãi”. Một mối tình không khoảng cách, gần gũi đến lạ thường, thân thương và bình dị.
Trong những năm chống Pháp, những người chiến sĩ không chỉ đồng hành mà còn chia sẻ với những mất mát, hy sinh của nhân dân, luôn được nhân dân đón đợi, tin yêu, bộ đội đi đến đâu là một khung cảnh làng quê tưng bừng ngày hội: “Các anh về tưng bừng trước ngõ, lớp lớp đàn em hớn hở chạy theo sau/ Mẹ già bịn rịn áo nâu, vui đàn con ở rừng sâu mới về”, lời ca trong bài hát “Bộ đội về làng” là minh chứng sinh động về tình quân dân thấm đượm, thủy chung. Với các em nhỏ, Bộ đội Cụ Hồ như người anh cả, như người chú ruột thịt trong đại gia đình, còn với những người cha, người mẹ họ lại như những người con, người em để rồi “hạt muối cắn đôi, bát cơm xẻ nửa”. Khi những người con áo xanh thiếu thốn, cả dân tộc cùng chung tay san sẻ; khi những chàng lính trẻ lạc quan, yêu đời thì cả thiên nhiên, cây cỏ, con người đều tràn ngập niềm vui. “Có anh chiến sĩ đi qua khu rừng vắng, lắng nghe nhạc rừng tâm hồn vui phơi phới/ Anh cười một mình rồi cất tiếng hát vang, cây rừng dội tiếng theo lời ca mênh mang” (Nhạc rừng-Hoàng Việt).
Một đất nước với những người lính như thế, những người dân như thế thì không kẻ thù nào có thể khuất phục ý chí độc lập tự do. Ý chí ấy sẽ cao hơn tất cả, mạnh hơn tất cả khi có đôi cánh âm nhạc đích thực vì con người./.
QUANG ĐỨC-HỒNG NHUNG