Đặc biệt, thông qua đề án, các nhà hát còn xây dựng lực lượng khán giả tiềm năng và tìm kiếm những tài năng diễn viên biểu diễn nghệ thuật sân khấu trực tiếp, đưa tới sự phát triển theo yêu cầu, định hướng phát triển văn học-nghệ thuật của Thủ đô.

Đề án sân khấu học đường được UBND TP Hà Nội triển khai năm 2022, mục tiêu nhằm đưa nghệ thuật sân khấu-một loại hình nghệ thuật tổng hợp giàu tính giáo dục đến gần hơn với học sinh, giúp các em tiếp cận, cảm nhận sâu sắc hơn các tác phẩm văn học qua hình thức biểu diễn sinh động, trực quan. Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội tích cực phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố có văn bản chỉ đạo các quận, huyện, thị xã cùng hệ thống trường phổ thông trên địa bàn thành phố tham gia. Sau 3 năm thí điểm, nhờ sự phối hợp của các đơn vị, nhà trường, Nhà hát Kịch Hà Nội-đơn vị được giao triển khai đề án ở giai đoạn thí điểm đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Hoạt cảnh sân khấu về phong trào bình dân học vụ của Nhà hát Kịch Hà Nội biểu diễn trong đề án. 

Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Nguyễn Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội cho biết, trong giai đoạn thí điểm, đơn vị đã dàn dựng thành công 5 tác phẩm mới trong danh mục được UBND thành phố phê duyệt, như: “Chuyện người con gái Nam Xương”, “Thúy Kiều-một kiếp đoạn trường”, “Tinh thần thể dục”, “Lời bà kể”, “Quẫn”; ngoài ra còn dựng các tiểu phẩm, hoạt cảnh về đề tài giáo dục. Ngay từ khâu lựa chọn kịch bản, Nhà hát Kịch Hà Nội đã chọn lọc các tác phẩm có nội dung văn hóa truyền thống kết hợp với nhiều hình thức thể hiện phong phú để học sinh dễ dàng đón nhận và yêu thích.

Từ thiết kế mỹ thuật, tạo hình nhân vật, âm thanh, âm nhạc, phối khí... đều mang tính đương đại làm tác phẩm sân khấu trở nên gần gũi hơn với hơi thở cuộc sống hiện đại; qua đó giúp học sinh hào hứng hơn trong quá trình thưởng thức. Giai đoạn 2022-2024, Nhà hát đã tổ chức thành công 172 buổi biểu diễn (tại Nhà hát và các trường học) cho khoảng 80.000 học sinh của các trường phổ thông tại 14 quận, huyện trên địa bàn thành phố. “Đề án đã góp phần chuyển tải đến học sinh những tác phẩm văn học nổi tiếng của Việt Nam và thế giới, giúp các em mở mang tri thức, nâng cao năng lực cảm thụ thẩm mỹ, góp phần định hướng, hoàn thiện nhân cách, bồi dưỡng tình yêu quê hương cũng như sự hiểu biết về văn hóa, lịch sử của dân tộc”, NSND Nguyễn Trung Hiếu cho hay.

Trong buổi tổng kết 3 năm triển khai thí điểm đề án vừa diễn ra, bà Bạch Liên Hương, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội nhấn mạnh, giai đoạn thí điểm là khởi đầu tốt đẹp, ý nghĩa và tiến tới, giai đoạn 2025-2030, đồng loạt 5 nhà hát khác của Hà Nội sẽ thực hiện đề án trên quy mô lớn hơn tại 1.700-2.000 trường từ cấp tiểu học đến cấp THPT, với gần 2 triệu học sinh ở cả loại hình công lập và tư thục.

 “Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội coi đây là nhiệm vụ chính trị của ngành văn hóa để đưa văn hóa-nghệ thuật đến với học sinh-đối tượng vừa là khán giả tiềm năng, vừa là lực lượng bảo tồn, gìn giữ văn hóa truyền thống trong tương lai. Đề án cũng là hình thức cụ thể hóa Luật Thủ đô năm 2024 về phát triển giáo dục và đào tạo trong việc điều chỉnh, bổ sung chương trình giáo dục đối với một số môn học, hoạt động giáo dục bổ trợ tại cơ sở giáo dục để phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô”, bà Bạch Liên Hương cho hay.

Bài và ảnh: THU THỦY

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.