Đằng sau những đôi quang gánh đó là cuộc sống mưu sinh của một kiếp người, là những con người chân chất, mộc mạc. Mùa nào thức ấy, trên vai các cô, các bà lại gánh theo đủ thức quà quê, trái chín và cả những đóa hoa thơm nồng nàn Hà Nội

Mùa Xuân tới theo gót chân các cô là những trái bưởi ngọt dịu cùng cành hoa đào rực rỡ. Hạ đến là những cánh hoa loa kèn mỏng manh cùng đóa sen e ấp trong sương mai. Thu sang, Đông tới là những gánh hàng hoa cúc họa mi nhỏ nhắn màu trắng tinh khôi, thỉnh thoảng có một cơn gió đi qua chúng lại rung rinh như chính trái tim yêu của cô gái Hà thành.

 Những gánh hàng rong đã trở thành một thứ “hồn quê”, một nét đẹp bình dị mà người Hà thành dù đi xa vẫn mãi nhớ về.

“Gánh” cả ước mơ của con

Đều đặn mỗi ngày, từ tờ mờ sáng, trên chiếc xe đạp Thống Nhất cũ, cô Hoàng Thị Lan (sinh năm 1966) lại đạp 30km chở rau, quả từ Đông Anh vào nội thành để buôn bán. “Chồng mất sớm, một mình phải nuôi 3 đứa con, ngoài làm ruộng thì còn mảnh vườn cứ trồng rau quả theo mùa rồi đem đi bán. Bán hàng rong cực lắm, chẳng có ai buôn bán hàng rong mà giàu lên được nhưng mà có đồng ra đồng vào, có tiền nuôi các con học hành thành người”, cô Lan cho hay. 

Đã gắn bó với việc bán hàng rong được 10 năm, bất kể ngày nắng hay ngày mưa, mùa đông hay mùa hè cô Lan cũng chẳng dám nghỉ một ngày. Bởi lẽ, gánh hàng của cô là niềm hy vọng của cô con gái đầu đang học năm cuối của Đại học Ngoại Thương (Hà Nội). 

Muốn được thử sức với chiếc xe thồ nom nặng hơn cả người phụ nữ gầy gò ấy, tôi phải loay hoay cả chục phút và cảm thấy không dễ dàng chút nào. Cô Lan hào hứng nói: “Muốn đạp được chiếc xe ấy cũng còn là cả một nghệ thuật, phải đạp làm sao cho hàng không hư hỏng, biết cách khéo léo chọn địa điểm, chọn đường đi làm sao để bán hết hàng”.

Bữa trưa của cô Lan cũng thật đơn giản, hôm thì nắm xôi từ sáng mang ở nhà đi, cũng có khi là quả trứng, quả chuối chín hay bắp ngô luộc. Bữa trưa cũng nhanh gọn, phần vì như vậy cô mới có tiền để dành nuôi các con. 

Cả một ngày dài mưu sinh của cô Lan cứ thế kéo dài từ 4 - 5 giờ sáng cho đến khi hết hàng, cũng có hôm thì 10 - 11 giờ đêm. Đôi chân cũng đã mỏi mệt vì đạp xe cả ngày, cột sống lưng dù có đau nhưng cô Lan cũng chẳng than oán lấy một lời…

 
Không còn bó gọn là các món đồ ăn bình dân mà còn bao gồm hoa quả, rau củ. Bất cứ thứ gì có thể di chuyển đều được cô Lan linh hoạt sắp xếp trong chiếc xe nhỏ để dễ dàng đến được nhiều nơi, bán được nhiều hàng hơn. 

Nổi chìm đời hàng rong

Những gánh hàng rong vẫn ngày qua ngày lặng lẽ lướt qua từng con ngõ nhỏ, qua những ngã tư tấp nập người qua của đất Hà thành. Mỗi người đều có những nỗi vất vả riêng, vì cuộc sống mưu sinh họ buộc phải bám lấy cái nghề này. 

Không còn xa lạ với người dân đường Mỹ Đình, gánh rau của chị Nguyễn Thúy Hạnh trở địa chỉ quen thuộc của người dân khu phố này. Người đàn bà từ Thanh Hóa lặn lội ra Hà Nội kiếm từng nghìn với khuôn mặt đã rám nắng, đôi tay chai sần, chị nhanh nhẹn và cẩn thận nhặt từng ngọn rau cho khách có yêu cầu làm sẵn. Gánh hàng rau của chị Hạnh được xếp đủ các loại rau, tất cả đều tươi non, đa số đều do chị tự trồng. 

Khi được hỏi lý do chọn nghề bán hàng rong mưu sinh, chị Hạnh nói: “Ở quê làm vài sào ruộng cả nhà mấy miệng ăn sao mà đủ được. Ở đây chắt chiu từng nghìn cũng có tiền nuôi sống bản thân, tháng nào dư dả hơn thì gửi về dưới quê cho bố mẹ già”.

Ngày trước khi chưa lên Hà Nội bán hàng rong, chị cũng làm nghề dệt chiếu truyền thống. “Nghề truyền thống thì thu nhập không ổn định, giá trị kinh tế không cao mà lại càng dần mất vị thế, cả làng cũng chẳng còn mấy ai trụ được theo nghề”, chị Hạnh nói. 

Chị Hạnh còn xởi lởi hướng dẫn tôi cách để bán được hàng, người ta cứ nhớ mãi mà tìm đến mua lần sau: “Thay vì bán một loại rau, cứ chịu khó bán mỗi thứ một ít. Cũng cần xem thời tiết thích hợp ăn rau gì thì người ta mới mua nhiều được. Người Hà Nội họ thích rau sạch, cứ non lại xanh thì ai cũng mua, chỉ cần gánh khoảng 3-4 con phố là hết hàng”.

 Những gánh hàng rong cũng là cách mưu sinh lương thiện của biết bao con người, biết bao cư dân tỉnh lẻ kiếm tìm ước mơ và hy vọng giữa một thành phố hoa lệ.

Kém may mắn hơn chị Hạnh là bà Trần Thị Nga, năm nay đã 64 tuổi. Bà là người phụ nữ điển hình cho 4 không: Không nhà, không chồng, không con, không nơi nương tựa. Mái tóc của bà đã bạc trắng cả đầu, hàng ngày bà cùng gánh tào phớ rong ruổi trên mọi con ngõ nhỏ của đất Hà thành. 

Mỗi ngày, bà Nga thức dậy từ rất sớm để chuẩn bị nguyên liệu đi bán, tất cả nguyên liệu trong bát tào phớ của bà đều được làm theo cách truyền thống, không có bất kỳ một nguyên liệu nào có sẵn. Một bát tào phớ của bà chỉ 5.000 đồng, đều đặn gánh tào phớ cứ theo chân bà trên mọi con đường đến khi hết hàng. 

Cực khổ là thế, có ngày cũng chỉ kiếm được vài chục nghìn đồng, nhưng bà Nga lúc nào cũng cảm thấy vui vẻ. Bà bộc bạch: “Tôi không muốn dựa dẫm vào ai cả, tôi còn khỏe là còn dùng sức lao động của chính mình để kiếm sống”.

Nhìn đồng hồ đã điểm 12 giờ đêm, cả thành phố dần chìm vào giấc ngủ, dưới đường tiếng rao “ai bánh khúc, bánh giò, xôi nóng đây” cứ thế vang vọng cả con ngõ nhỏ.

Trong tiếng rao ấy, tôi chọn hàng bánh khúc nóng của chị Nguyễn Thu Phương, dáng người hao gầy, cao chừng khoảng hơn 1m50 lưng hơi còng. Cứ đi hết một vòng, chị lại đứng ở những chỗ đèn đường sáng có nhiều người qua lại, vừa để bảo đảm sự an toàn của bản thân vào ban đêm, vừa là chờ khách đến mua hàng. 

Hỏi ra mới biết, chị Phương quê ở Yên Bái, chị cùng 4 người bán hàng rong khác thuê nhà trọ ở Lĩnh Nam (Hoàng Mai) với giá 1,5 triệu đồng/tháng. Chị tâm sự: “Ngày mới ra, sáng nào cũng dậy từ 3 - 4 giờ để nấu bánh đi bán, nhưng buổi sáng có nhiều hàng lại thêm bán chậm nên tôi chuyển qua bán vào ban đêm”.

Ngày nào hết hàng thì 2-3 giờ sáng là chị Phương có thể về nhà, hôm ế thì cũng phải ngồi đến sáng. Với những người bán hàng rong đêm như chị Phương, ban ngày có thể đi làm các công việc khác, chiều bắt đầu chuẩn bị đồ cho tới giờ thì bắt đầu đi bán, một ngày giấc ngủ 8 tiếng với họ cũng thật xa xỉ.

Vẫn còn rất nhiều gánh hàng rong khác, mỗi gánh hàng rong lại mang một nét đặc trưng khác nhau mà chẳng có một ai giống nhau. Thế nhưng, giữa họ lại có một điểm sợi dây vô hình trung giống nhau, đó chính là số phận, là mảnh đời nghèo khổ, những số phận ấy đang từng ngày rong ruổi trên từng con phố của đất Hà thành để kiếm sống mưu sinh. 

 

Bài và ảnh: HỒNG PHÚC