Hà Nội trong tôi là phố thị vội vã nhưng cũng rất đỗi bình yên, là những rung động tinh khôi của một trái tim đang thổn thức. Tôi gọi Hà Nội là thành phố đến từ kiếp trước của mình, bởi chỉ có gắn bó với nhau từ hàng nghìn, hàng vạn năm trước thì đến kiếp này mới có thể lưu luyến, nhớ nhung và yêu thương nhau đến như vậy!
Một mối tình giữa thiên thu bước ra từ những trang sách. Hà Nội trong tôi là mối tình không bao giờ chết, không bao giờ bỏ đi, không bao giờ phản bội… nhất là với văn hóa truyền thống, nét thanh lịch hàng nghìn năm vẫn còn được lưu giữ.
Văn hóa gia đình truyền thống của người Hà Nội
Thăng Long- Hà Nội trải qua 1012 năm lịch sử hình thành, phát triển đã tạo ra được những con người có nếp sống, văn hóa ứng xử, văn hóa gia đình rất thanh tao và lịch lãm.
Trong văn hóa của gia đình người Hà Nội thì nề nếp gia phong có yếu tố vô cùng quan trọng. Điều ấy được thể hiện qua nét văn hóa ứng xử, cách giao tiếp của từng thành viên… tất cả những điều đó đã tạo ra một thế hệ tương lai cho đất nước “thanh lịch và văn minh”.
 |
Tôi yêu Hà Nội vì nơi đó cho tôi nhớ về hình ảnh Thủ đô có nền văn hiến lâu đời, yêu chuộng hòa bình.
|
Gia đình truyền thống của người Hà Nội xưa được thể hiện rõ nét qua việc nhiều thế hệ cùng sinh sống với nhau thường được gọi là Tam đại đồng đường, Tứ đại đồng đường.
Kiến trúc nhà ở theo dạng hình ống và có nhiều lớp nhà, giữa các lớp nhà có sân để lấy ánh sáng và không khí. Kết cấu chủ yếu của công trình là gỗ và có nhiều họa tiết trang trí.
Nhắc đến văn hóa gia đình truyền thống của người Hà Nội người ta sẽ nghĩ ngay đến lời nói. Từ ngôn ngữ, thanh âm đều rất chuẩn mực và rõ ràng không có từ ngữ thô tục, sỗ sàng. Lời nói khéo léo không khoe khoang, cha mẹ luôn dạy con cái phải biết khiêm tốn từ lời ăn tiếng nói, biết “lựa lời mà nói cho vừa nhau”.
Dạy con từ lời ăn tiếng nói, người Hà Nội còn chỉ bảo con cháu về cách ăn mặc. Chọn trang phục gọn gàng, trang nhã nhưng cũng có sự cách tân tinh tế, trang sức đi kèm không phô trương nhưng kiêu sa, lộng lẫy.
Tôn ti trật tự, trên dưới đều được thể hiện rõ ràng qua vị trí ngồi khi ăn cơm, thứ tự mời trước khi ăn cơm hay cách nhường nhịn gắp thức ăn tạo nên nguyên tắc “kính trên nhường dưới”.
Nét thanh lịch của người Hà Nội
“Em Hà Nội Hàng Đường trong giọng nói
Để Hàng Bông êm ái lót cơn mơ…”
(Hà Nội, nhà thơ Hoàng Anh Tuấn)
Phải chăng nhà thơ quá đỗi yêu quý những người con gái Hà thành nên đã ví giọng nói của họ ngọt ngào như đường, êm ái như bông. Không chỉ có vậy, nhà thơ muốn nhắc đến chất giọng chuẩn mực nhẹ nhàng cùng với sự thanh lịch, khéo léo trong từng lời ăn tiếng nói.
Ca dao xưa có câu:
“Bắc Kỳ vui nhất Hà Thành,
Phố phường sầm uất văn minh rợp trời”
(Giang Quân, Thăng Long Hà Nội trong ca dao ngạn ngữ)
Hà Nội với truyền thống ngàn năm văn hiến là một kinh đô hơn nghìn năm tuổi, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học lớn của nước ta. Nơi đây cũng là mảnh đất tề tựu của các bậc anh tài, hội tụ tất cả tinh hoa của đất nước.
 |
Cột cờ Hà Nội được coi là “nhân chứng” khi đã hơn 2 thế kỷ in dấu và “sống” cùng những thăng trầm của Thủ đô Hà Nội. |
Hà Nội có cái duyên dáng của Bắc Ninh, cái cứng cỏi của Nghệ - Tĩnh, cái phóng khoáng của Nam Bộ. Thật vậy, Hà Nội mở rộng vòng tay để đón những sự tinh túy tốt đẹp nhất của mọi miền Tổ quốc, từ đó hun đúc cho mình vẻ đẹp đa dạng, phong phú rất đỗi nên thơ hữu tình nhưng cũng độc đáo riêng biệt.
Con trai Hà Nội mang chí khí, dũng cảm chung của thanh niên Việt Nam. Con gái Hà Nội cũng duyên dáng, dịu dàng e thẹn như nhiều cô gái vùng miền khác. Tuy nhiên, ở họ lại có cái gì đó rất riêng, rất sâu không thể hòa tan trong cộng đồng chung.
Trong giao tiếp, người Hà Nội luôn toát lên một vẻ thanh lịch, dụng ngôn tinh tế phóng khoáng nhưng phù hợp với chuẩn mực, hàm ngôn thanh thoát, giàu hình ảnh rõ ràng, ngữ điệp nhịp nhàng nền nã linh hoạt mà uyển chuyển.
Giọng nói của con gái Hà Nội nhẹ nhàng nhưng có đôi chút giận hờn, thoáng chút sự tinh nghịch, nhõng nhẽo như thiếu nữ vừa mới lớn như đang yêu say đắm, giọng thật ngọt lịm, tinh khiết tựa như tiếng hát ru, tiếng gió thổi thoáng qua vi vu ở đầu lưỡi.
Sự thanh lịch còn ở lời chào hỏi, lời cảm ơn và xin lỗi. Trong nề nếp gia phong biết “kính già yêu trẻ”, “đi hỏi về chào”. Trong ứng xử luôn chú ý cung cách hành vi, điệu bộ cử chỉ. Không ai là không nhận thấy sự lịch thiệp và tế nhị của người Hà Nội, từ cử chỉ lời chào đến cách tiếp chuyện, bày tỏ tình cảm gần gũi nhưng cũng có chút cao sang.
Được sống trên mảnh đất hội tụ, tích hợp các luồng văn hóa của mọi miền, do đó, người Hà Nội thẩm thấu chắt lọc cái hay cái tốt của văn hóa ứng xử; cái hay cái đẹp thể hiện qua giọng nói, cách phát âm chuẩn mực nhẹ nhàng khiến ai một lần nghe xong cũng cảm thán và xao xuyến nhớ nhung.
Nếu không yêu Hà Nội tôi chẳng còn biết yêu được ai khác nữa. Hà Nội là những gì gần gũi và thân thương nhất, từ tiếng rao của những cô hàng rong, tiếng người nhộn nhịp của chợ tạm vào sáng sớm tinh mơ cũng đủ để tôi thổn thức và cười thật nhiều mỗi ngày.
Chỉ cần chúng ta chậm lại một chút, lắng nghe kỹ hơn một chút thì từng thanh âm bình dị ấy là hơi thở cuộc sống ẩn dưới những âm thanh ấy là sắc màu đa dạng của nhịp sống. Chẳng biết vì lý do gì, tôi lại yêu Hà Nội đến say đắm đến như vậy. Hà Nội là nơi bạn phải dùng cả trái tim để cảm nhận.
Bài và ảnh: HỒNG PHÚC