Hướng mắt theo ánh sáng từ chiếc đèn pin, chúng tôi nghe ông thuyết minh: “Nơi đây được gọi là động Long Tiên của chùa Trầm, thuộc thôn Long Châu Miếu, xã Phụng Châu (Chương Mỹ, Hà Nội), là nơi phát đi Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào ngày 20-12-1946. Giữa không gian linh thiêng, một bên là trống thiên đình, một bên là vòm động biểu trưng cổ họng của rồng tiên, mỗi tiếng gọi trong lời của Bác đều tiếp khí thiêng cho chiến sĩ, đồng bào cả nước”. Nói tới đây ông Điền dừng lại giây phút rồi cất giọng sang sảng đọc câu thơ “Thận trọng trang âm phát thanh lời của Bác/Toàn quốc kháng chiến như lời thề “Sát Thát”... Những câu thơ trong bài "Thắp nén hương trong động để ơn Người" của ông Nguyễn Chí Dược, Chủ nhiệm Câu lạc bộ thơ ca Hương Trầm, Phụng Châu được ông Điền thuộc nằm lòng, tự hào đọc lại mỗi khi có khách tới vãn cảnh, tìm hiểu hang Trầm. 

Ông Đặng Đình Điền nhiều năm gắn bó với việc quản lý di tích hang Trầm. 

Nằm bên dòng sông Đáy thơ mộng, cùng với chùa Trăm Gian, chùa Thầy và chùa Tây Phương, chùa Trầm được coi là một trong bốn ngôi chùa thiêng thuộc hàng “tứ đại danh thắng của xứ Đoài”. Ngôi chùa mang đậm dấu ấn kiến trúc văn hóa tâm linh đặc trưng của cư dân đồng bằng Bắc Bộ. Chùa tuy nhỏ nhưng mang vẻ đẹp thâm nghiêm, lưng dựa núi, trước mặt nhìn ra hồ sen, xung quanh được bao bọc bởi những tán cây xanh mướt... Bên phải chùa Trầm là động Long Tiên (hang Trầm). Bước vào qua vòm cửa rộng chừng 7m, cao 3m là không gian mát rượi, nơi chùa Hang án ngữ. Bàn thờ Phật được để ngay dưới khe nhỏ trên vòm hang, đón ánh sáng chiếu rọi. Trong động còn có 15 tác phẩm thơ, văn khắc trên vách động, vịnh cảnh chùa, cùng những pho tượng đá. Ông Điền kể, chùa Trầm có 49 bức tượng Phật bằng đá ẩn hiện trong động. Điều đó đã làm cho chùa Hang, cho động Long Tiên trở nên độc đáo, hấp dẫn. Hang Trầm còn đi vào miền ký ức, là niềm tự hào của người dân quê hương cách mạng Phụng Châu, bởi cách đây hơn 77 năm, đây là nơi đầu tiên Đài Tiếng nói Việt Nam sơ tán.

Hàng chục năm là “hướng dẫn viên” cho khách thập phương, ông Điền tỏ tường từng khe đá, am hiểu từng câu chuyện tương truyền trên từng dấu tích, nắm chi tiết gắn với lịch sử đấu tranh của dân tộc. Vừa soi đèn lên từng ngách đá, ông vừa kể chuyện và dẫn đèn cho chúng tôi vào một khe nhỏ chỉ vừa một người qua. Một động nhỏ khác trong lòng động hiện ra với vô vàn nhũ đá nhiều hình thù. Uống ngụm nước mát trong hồ nhỏ nơi góc động khiến ai cũng tỉnh người.  

Đứng trên đỉnh núi Trầm có thể nhìn toàn cảnh làng quê thanh bình phía dưới với cuộc sống nhộn nhịp, làng mạc, những con sông, những mái nhà. Sau gần 80 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, Phụng Châu đang thay đổi từng ngày. Từng nếp nhà, con đường và đời sống của người dân địa phương đã có sự thay đổi rõ rệt. Cùng với việc tập trung nâng cao đời sống người dân, Phụng Châu cũng đặc biệt chú ý đến việc giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ và hang Trầm luôn là địa chỉ đỏ của nhiều đoàn thanh, thiếu niên cả nước tìm đến. Lời hiệu triệu từ hang Trầm năm xưa như vẫn vang vọng, giờ được kể lại cho thế hệ trẻ thêm hiểu biết, tự hào và trân trọng. 

Bài, ảnh: NHỊ HÀ

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.