Theo sử sách, điện Kính Thiên là nơi các vị vua thiết triều, nằm chính giữa trung tâm Cấm thành của Kinh đô Thăng Long thời Lê sơ. Tòa điện này được vua Lê Thái Tổ cho xây dựng năm 1428 và được sửa chữa, xây dựng lại vào các năm 1465, 1467. Triều Mạc (1527-1592) và triều Lê Trung hưng (1593-1789), điện Kính Thiên được tiếp tục sử dụng làm nơi thiết triều. Năm 1816, vua Gia Long cho xây dựng cung điện mới tên Long Thiên tại nền điện Kính Thiên. Năm 1886, điện Long Thiên bị phá hủy để xây tòa nhà của quân đội Pháp.

Lớp hậu thế không khỏi tò mò về hình dáng, kiến trúc và nét độc đáo của điện Kính Thiên. Chẳng phải tưởng tượng trong mơ, các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu Kinh thành (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đã giúp công chúng có cái nhìn thực tế về điện Kính Thiên thông qua các đợt khảo cổ, nghiên cứu và phát hiện quan trọng. Theo PGS, TS Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành, kiến trúc điện Kính Thiên thuộc loại kết cấu đấu củng. Đây là kết cấu tinh xảo, nhờ vào trình độ thủ công cao, các chi tiết gỗ nối lại bằng các khớp mà không cần sử dụng đinh ốc hay keo dán.

leftcenterrightdel

Trưng bày mô hình điện Kính Thiên tới công chúng.  

Nghiên cứu so sánh cấu kiện gỗ và các loại ngói lợp mái cho thấy, kiến trúc điện Kính Thiên được thiết kế xây dựng rất công phu, trang trí cầu kỳ và tráng lệ theo nghi thức cung đình với nhiều màu sắc lộng lẫy, mang vẻ đẹp quyền uy và thịnh vượng của vương triều, mang nét tương đồng với các cung điện nổi tiếng nhất ở Đông Á cùng thời, như cung điện ở Cố cung Bắc Kinh (Trung Quốc) hay Changdeokgung (Hàn Quốc). Trên mái điện Kính Thiên được lợp bằng loại ngói rất đặc sắc, đó là loại ngói hình con rồng màu vàng. PGS, TS Bùi Minh Trí khẳng định: “Đây là loại ngói độc đáo nhất trong tất cả các loại ngói lợp mái cung điện cổ ở châu Á thời bấy giờ và chỉ Việt Nam mới có”.

Trò chuyện với PGS, TS Bùi Minh Trí, chúng tôi hiểu hơn những ý nghĩa về kiến trúc, phong thủy của điện Kính Thiên. Theo đó, ngói lợp mái đều là hình rồng, chỗ vua ngự thì là hình rồng 5 móng, chỗ hoàng tử ở là hình rồng 4 móng. Dựa vào kích thước của thềm bậc đá chạm rồng, các nhà khoa học tính toán điện Kính Thiên có 9 gian với diện tích 1.188m2, tổng cộng có 60 cột gỗ. Trên các đồ gỗ cung điện đều được sơn son thếp vàng thể hiện sự công phu, kỹ thuật rất cao.

Đẳng cấp của các cung điện xưa được thể hiện qua phần mái. Theo PGS, TS Bùi Minh Trí, mái của điện Kính Thiên được gọi là "trùng diêm yết sơn đỉnh"-hai mái chồng lên nhau. Trong khi đó, mái của các cung điện Trung Quốc cùng thời được gọi là "trùng diêm vô định đỉnh"-mái xuôi thẳng.

Từ những phát hiện và cứ liệu lịch sử quan trọng, các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu Kinh thành vừa phối hợp với Bảo tàng Hà Nội tổ chức trưng bày “Giải mã bí ẩn kiến trúc điện Kính Thiên”. Hình thái kiến trúc của điện Kính Thiên được thể hiện qua mô hình, hình ảnh 3D mang tới cho công chúng những bất ngờ thú vị, là minh chứng thể hiện sự uy quyền, niềm tự hào kiến trúc và sự thịnh vượng thời Lê Sơ”.

Bài và ảnh: HOA LƯ

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.