Giới làm nghề cũng dành cho bà sự cảm phục khi biết nữ kiến trúc sư từng bán cả tài sản để theo đuổi dự án này.

Bà Nguyễn Nga sinh năm 1951 tại Hà Nội, trong một gia đình nghệ sĩ, có bố là kiến trúc sư, yêu hội họa, âm nhạc và mẹ là thợ may khéo tay. Dù sang Pháp từ nhỏ nhưng bà vẫn luôn giữ nhiều ký ức về văn hóa Hà Nội. Trở về Việt Nam năm 1989, bà xây dựng “Ngôi nhà nghệ thuật” ở Hà Nội và thực hiện một số dự án: “Hội họa trên cánh diều sáo Bắc Bộ”, Festival “Ký ức cầu Long Biên” (2009), “Cầu Rồng kể chuyện ngàn năm Thăng Long-Hà Nội” (2010)... Đặc biệt, bà đã dành gần 30 năm theo đuổi dự án bảo tồn cầu Long Biên.

Bà Nguyễn Nga tâm sự: “Đã 127 năm trôi qua, nhưng những giá trị của quá khứ như vẫn lắng đọng trên từng nhịp cầu. Đất nước đổi thay, Thủ đô thay đổi nhưng giá trị biểu tượng của cầu Long Biên vẫn mãi trường tồn. Đối với tôi, đây là cây cầu huyền thoại, đã và đang được xem như biểu tượng của dân tộc Việt Nam, một dân tộc bất khuất và yêu hòa bình. Vì vậy, chúng ta phải bảo tồn đúng cách, phát huy giá trị đúng nghĩa: Khơi dậy khí phách dân tộc, thúc đẩy kinh tế du lịch, kết nối đưa văn hóa lịch sử Việt Nam ra thế giới”.

Kiến trúc sư Nguyễn Nga trong buổi giới thiệu sách “Cầu Long Biên - cây cầu huyền thoại” do bà làm chủ biên. 

Khi bắt tay vào nghiên cứu dự án “Bảo tồn, tôn tạo và phát triển cầu Long Biên và khu vực lân cận” (hiện đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cho chủ trương triển khai trong thời gian tới), kiến trúc sư Nguyễn Nga đã liên hệ với Eiffage-công ty đã xây dựng cây cầu phức tạp, vượt mọi kỷ lục và đẹp hàng đầu thế giới là cầu Viaduc de Millau ở miền Nam nước Pháp-để họ cử các chuyên gia, kỹ sư giỏi nhất đến tư vấn.

Bà Nguyễn Nga say sưa nói những dự định của mình để dự án không chỉ làm thay đổi cầu Long Biên mà còn chỉnh trang các khu vực lân cận, trở thành một không gian tổng thể hữu cơ và sáng tạo, chẳng hạn như: Cầu Long Biên-Bảo tàng ký ức thế kỷ 20, với phần 9 nhịp cầu phía Hà Nội sẽ được bảo tồn như nguyên trạng; một đầu tàu hơi nước cổ sẽ được trưng bày cố định trên lớp kính dày và trong để vẫn nhìn thấy đường sắt và sông Hồng bên dưới. Các toa tàu cổ trở thành quầy cà phê-bảo tàng trưng bày, giới thiệu ngành đường sắt Việt Nam ra đời tại đây và đã hoạt động thế nào suốt thế kỷ 20.

Phố nghề nghệ thuật là phần cầu cạn với 131 vòm cầu được mở ra để giới thiệu tinh hoa của 100 làng nghề quanh Hà Nội, giao thoa với 30 làng nghề thế giới. Nơi đây là không gian sáng tạo, nơi nghệ nhân gặp nghệ sĩ để sáng tạo và đổi mới thiết kế, nơi ký kết các hợp đồng xuất khẩu và cũng là điểm hướng dẫn khách du lịch về các làng nghề. Bãi giữa sông Hồng sẽ là công viên sinh thái, bảo tàng nông-lâm-ngư nghiệp Việt Nam với 300ha sẽ được thiết kế cảnh quan thành công viên sinh thái, lá phổi của Hà Nội, nơi biểu diễn pháo hoa, phố tơ tằm cổ xưa...

"Dự án sẽ được thực hiện theo mô hình hợp tác công-tư, Nhà nước đóng góp cây cầu, chúng tôi đầu tư tu sửa, tôn tạo và khai thác 49 năm, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho các nhà đầu tư mà còn thúc đẩy kinh tế của cả thành phố, biến du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô", bà Nga nói.

Một con rồng Thăng Long chứa trong mình ký ức thế kỷ 20, một cây cầu-bảo tàng bằng thép và kính dài hơn 2km, một hình ảnh kỳ vĩ như vậy, chưa nơi nào trên thế giới có được, là mong muốn của một tình yêu Hà Nội-Nguyễn Nga. Bởi với bà, chỉ Hà Nội, cầu Long Biên và khu vực bãi sông, bãi giữa sông Hồng mới có cái “duyên lịch sử” để sinh ra một không gian sáng tạo như vậy.

Bài và ảnh: CHÂU XUYÊN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.