Ông là người đã hồi sinh nghệ thuật thêu long bào làng nghề Đông Cứu, xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín.

Trong không gian của Trung tâm Xúc tiến và quảng bá di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam (34 Châu Long, quận Ba Đình), workshop “Ngũ Chỉ Hoàng Kim” đã mở ra một không gian đầy mê hoặc, nơi nghệ thuật thêu tay tinh xảo của làng nghề Đông Cứu được tái hiện qua từng mũi chỉ, đường kim. Nghệ nhân Nhân dân Vũ Văn Giỏi tận tình hướng dẫn các bạn trẻ vẽ những họa tiết. Em Vân Hà, sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp hào hứng khi trong khuôn thêu dần hiện ra trên nền vải hình ảnh mây trôi bồng bềnh, hoa sen hay con cua, con mèo... Mỗi nét thêu là một câu chuyện, một mảnh ghép tâm hồn của người thợ thêu.

Làng Đông Cứu từ lâu đã nổi danh với nghệ thuật thêu long bào tinh xảo. Tương truyền xưa kia, Tiến sĩ Lê Công Hành sau khi học nghề thêu ở nước ngoài đã về dạy cho người dân nhiều làng ở Thường Tín, nhưng mỗi làng ông truyền dạy một kỹ thuật riêng. Vì vậy, chỉ có làng thêu Đông Cứu mới biết được kỹ thuật thêu phục chế. Trải qua thăng trầm lịch sử, làng thêu Đông Cứu cũng có lúc lao đao, nhiều người phải làm các mặt hàng thêu khác để kiếm sống, tuy nhiên, vẫn có những người giữ được các kỹ thuật thêu cổ độc đáo đó. Từ thập niên 1990, nghề thêu của làng đã có sự khởi sắc, mang lại sức sống mới cho di sản quý giá này.

Nghệ nhân Vũ Văn Giỏi tỉ mỉ hướng dẫn các bạn trẻ học cách vẽ, thêu. 

Làng nghề Đông Cứu nhiều năm trở lại đây nổi tiếng hơn với giới nghiên cứu văn hóa, các nghệ sĩ và khách du lịch nhờ những sản phẩm phục chế long bào kỳ công của ông Vũ Văn Giỏi, bởi đã dành tâm huyết hồi sinh thành công rất nhiều trang phục cung đình của các triều đại như Lý, Trần, Lê, Nguyễn...

 “Cụ tổ Lê Công Hành chính là người đã truyền nghề cho bà con trong làng. Là hậu duệ của gia đình có 6 đời gắn bó với nghề này nên tôi được làm quen với đường kim, mũi chỉ, họa tiết từ tấm bé”, ông Vũ Văn Giỏi chậm rãi kể.

Chàng thanh niên Vũ Văn Giỏi sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, tiếp nối nghề gia truyền đã cùng gia đình thêu ỷ môn (bức rèm che trước bàn thờ) để mang lên phố cổ bán. Lạ thay, càng tìm hiểu, mày mò, chàng thanh niên càng mê đường kim, mũi chỉ, họa tiết trên những trang phục cổ xưa của các triều đại. Cũng vì muốn lưu giữ truyền thống của gia đình nên Vũ Văn Giỏi quyết định gắn bó với nghề cho đến nay.

Gần 40 năm gắn bó với nghề phục dựng trang phục cung đình, ông bảo ngoảnh nhìn lại hành trình ấy giống như một cuốn hồi ký, có nhiều kỷ niệm rất đặc biệt. Một trong số đó là việc đi trao đổi và truyền dạy nghề. “Cá nhân tôi từng mang nghệ thuật thêu trang phục cung đình sang Ấn Độ. Tôi cảm thấy vui và tự hào vì các bạn Ấn Độ rất thích thú, đam mê nghệ thuật thêu trang phục cung đình của Việt Nam, bởi nó có sự uyển chuyển và tạo nên hiệu ứng rất đẹp”, nghệ nhân hào hứng nói.

Nghiên cứu, phục dựng cổ phục cung đình, nghệ nhân Vũ Văn Giỏi cũng truyền dạy cho người dân trong xã và các địa phương lân cận sản xuất những trang phục phục vụ tâm linh (khăn chầu, áo ngự); các bộ trang phục phục vụ lễ hội, trình diễn; nghiên cứu phát triển nghệ thuật thêu ứng dụng vào mảng thời trang; thêu tranh phong thủy trang trí nội thất... Nhờ công phục dựng nghệ thuật thêu cung đình, ông Vũ Văn Giỏi được công nhận là Nghệ nhân Ưu tú năm 2013 và nhận danh hiệu cao quý Nghệ nhân Nhân dân năm 2016.

Đến nay, nghệ nhân Vũ Văn Giỏi khá yên tâm khi gia đình đã có thế hệ tiếp nối nghề gia truyền. Con trai ông-Vũ Đình Thi-hiện cũng là một trong những thợ thêu, phục chế long bào có tiếng, làm giàu từ nghề truyền thống và phát huy nét đẹp văn hóa quê hương.

Bài và ảnh: LỆ QUYÊN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.