Sau 2 năm gián đoạn vì đại dịch Covid-19, Hội Sách Hà Nội lần thứ VII - năm 2022 với chủ đề “Truyền thống và Hội nhập” do UBND thành phố Hà Nội phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức đã trở lại với sự tham dự của 35 nhà xuất bản, doanh nghiệp phát hành sách trong cả nước mang lại không gian văn hóa đọc và nhiều chương trình giao lưu, trải nghiệm sách hấp dẫn.

Nguy cơ - Cơ hội 

Đến hội sách từ rất sớm, bạn Nguyễn Thu Phương (sinh viên năm nhất, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) đã chọn được rất nhiều đầu sách hay để bổ sung vốn hiểu biết cho chuyên ngành Quản lý hành chính Nhà nước đang theo học. 

Thu Phương chia sẻ: “Văn hóa đọc sách của giới trẻ hiện nay đang đứng trước cơ hội và nguy cơ. Cơ hội ở đây là mỗi người chúng ta đều được tiếp cận với một khối lượng tri thức khổng lồ, phong phú. Nhưng nó lại tiềm ẩn một nguy cơ rất lớn, đó chính là làm mai một thói quen đọc vốn có bởi sự lấn át của các phương tiện nghe nhìn quá nhiều, quá hấp dẫn".

 

Từ sáng, lượng người đến Hội sách Hà Nội lần thứ VII rất đông, tất cả các gian hàng đều chật kín người xem và mua sách. 

Theo sự tìm tòi và hiểu biết của Phương, thị trường sách vô cùng phong phú về nội dung và hình thức, đã có rất nhiều sách được coi là “sách đen” vẫn được giới trẻ truyền tay nhau đọc hăng say. “Đó chính là mối lo ngại”, Phương thở dài. 

Bên cạnh đó, có nhiều bạn trẻ lại cho rằng đọc sách là lạc hậu, không phù hợp với xu thế của thời đại. Đây là thời đại công nghệ thông tin thì phải lên mạng đọc vừa nhanh, vừa dễ, vừa đỡ tốn kém. Tuy nhiên, Phương khẳng định: “Bạn sẽ chẳng thể “gặm nhấm”, “nhâm nhi” từng câu văn, từng linh hồn mà tác giả gửi gắm vào đó, chỉ có sách mới giúp bạn làm được điều tuyệt vời này”.

Đã có lần tôi thấy được sự băn khoăn của nhà văn hóa Hữu Ngọc khi nhắc đến văn hóa đọc trong thế kỷ XXI. Ông nói: “Thế kỷ XXI liệu có cần đến thơ nữa không? Đến văn hóa đọc nữa không? Và ông tự trả lời rằng: Có, dù cho ca nhạc trữ tình có làm được ít phần việc của thơ ca thì thơ ca vẫn sẽ mãi mãi được người đời ưa chuộng”.

Đối với văn hóa đọc, nhà văn hóa Hữu Ngọc cũng khẳng định: “Bản thân hình ảnh thì thoảng qua, từ ngữ mới đọng lại lâu bền. Phải, chỉ có đọc sách chúng ta mới có thể ghi nhớ lâu dài những thông tin, tri thức trong hành trình tích lũy của mình”.

 

 

Chỉ có đọc sách chúng ta mới có thể ghi nhớ lâu dài những thông tin, tri thức trong hành trình tích lũy của mình. 

Cần “gõ cửa” văn hóa đọc của giới trẻ

Không đồng tình với việc văn hóa đọc bị "bỏ quên", bị quên lãng bởi giới trẻ, anh Nguyễn Ngọc Trung (35 tuổi, quận Đống Đa) bày tỏ sự tiếc nuối và cho rằng cần “gõ cửa” văn hóa đọc của giới trẻ.

“Đi ngang qua những hiệu sách, nhìn một số bạn trẻ còn tìm đến những thứ sách "đen", những cuốn sách "ngôn tình" phi logic, ảo tưởng khiến suy nghĩ của họ lệch lạc mà tôi thấy buồn”, anh Trung cho hay. 

Với anh Trung, văn hóa đọc không chỉ mang lại cho ta nguồn tri thức vô vàn điều hay mà còn lúc đầu óc được thư giãn, nghỉ ngơi. Đó là tầm quan trọng, là giá trị của văn hóa đọc, nhất là đối với một dân tộc Việt Nam hiếu học. 

Anh Trung chia sẻ: “Mỗi cuốn sách chúng ta đọc sẽ giúp cho chúng hiểu về một cuộc đời, hiểu về những con người với vô vàn hoàn cảnh trong xã hội. Ngoài ra, sách còn chúng ta hiểu biết được những kỹ năng, những cách giao tiếp, ứng xử, cách giải quyết các vấn đề trong cuộc sống.  

Sách được hiểu là nguồn tri thức được kết tinh từ hàng ngàn con người với khối óc tinh hoa, cùng trí tuệ và sự lao động miệt mài không ngừng nghỉ của hàng triệu con người tài giỏi. Họ đã gửi gắm vào những cuốn sách của mình không chỉ tri thức mà còn cả tâm tư và tình cảm của họ nữa. Từ đó, chúng ta có thêm tri thức để áp dụng vào đời sống của mình cũng như khám phá ra thêm nhiều điều mới mẻ”.

Bà Lê Thị Thùy Dương, Chủ nhiệm dự án “Sách nhà mình” chia sẻ: “Dù văn hóa đọc sách của giới trẻ nói chung và học sinh nói riêng không đến mức nghiêm trọng nhưng cũng đang báo động "đỏ". Vì vậy, chúng ta cần phải tìm hiểu nguyên nhân rồi từ đó đưa ra giải pháp để khắc phục tình trạng này”.

Ba nguyên nhân được bà Dương chỉ ra gồm: Nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng của văn hóa đọc sách của giới trẻ; tình trạng văn hóa đọc trở nên đáng lo ngại như hiện nay là vì giáo dục chưa hiệu quả trong nhà trường và cuối cùng là  sự hạn chế về thời gian của giới trẻ trong việc đọc sách. 

 Văn hóa đọc không chỉ mang lại cho ta nguồn tri thức vô vàn điều hay mà còn lúc đầu óc được thư giãn, nghỉ ngơi. 

Sự hạn chế về thời gian của giới trẻ cũng là nguyên nhân quan trọng khiến giới trẻ không mặn mà với việc đọc sách. Lượng thời gian học ở trường, ở lớp học thêm của học sinh đã chiếm hầu hết thời gian. Với thời khóa biểu như thế này thì dù sách có hay đến cỡ nào các em cũng chẳng có sức lực và thời gian để tiếp thu những tinh hoa ấy. 

Việt Nam của chúng ta đang trong quá trình phấn đấu để vươn lên thành một quốc gia giàu mạnh, dân trí tiến bộ. Một đất nước chỉ thực sự đạt đến trình độ đó khi văn hóa đọc của họ phát triển. Do đó, mỗi người trong chúng ta, đặc biệt là thế hệ học sinh - sinh viên cần chung tay hành động. Những hành động dù là nhỏ bé nhất cũng sẽ tạo ra những thay đổi lớn, không chỉ ảnh hưởng đến bản thân mỗi người chúng ta mà còn tác động đến xu hướng của một nét văn hóa đẹp: văn hóa đọc. 

Hội Sách Hà Nội lần thứ VII - năm 2022 được tổ chức từ ngày 7-10-2022 đến 9-10-2022. Địa điểm tổ chức tại Khu vực sân vườn hoa Tượng đài Vua Lý Thái Tổ, khu vực sân nhà Bát Giác, vỉa hè phố Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

Bài và ảnh: HỒNG PHÚC