Bài 2: Coi trọng đào tạo “cầu nối” và công tác sưu tầm
Để tăng tính hấp dẫn của bảo tàng đối với khách tham quan, một trong những biện pháp được các bảo tàng quân đội ưu tiên triển khai thực hiện là đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ thuyết minh viên...
Nâng cao chất lượng thuyết minh viên
Một trong những bảo tàng thường xuyên bồi dưỡng kiến thức, tổ chức thi để tìm ra các thuyết minh viên xuất sắc và nhân rộng, là Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
 |
Trung tá Mai Thị Ngọc, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam chỉ đạo cán bộ, nhân viên bảo tàng về công tác thuyết minh hiện vật. |
Trung tá Mai Thị Ngọc, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, cho biết: Chúng tôi vừa tổ chức thi hướng dẫn viên tại bảo tàng. Đây là biện pháp vừa nhằm mục đích rèn luyện cho đội ngũ hướng dẫn viên có kỹ năng, kinh nghiệm nhất định trong nghề nghiệp; vừa nâng cao kỹ năng, khả năng xử lý các tình huống quan trọng; đồng thời rà soát, phân loại, đánh giá và sàng lọc đội ngũ hướng dẫn viên để có hướng sắp xếp, bố trí lại công việc cho phù hợp. Các hướng dẫn viên đạt tiêu chuẩn sẽ tiếp tục được bồi dưỡng để có đủ khả năng đáp ứng nhiệm vụ, nhất là khi Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam chuyển đến địa điểm mới trong thời gian tới.
Được biết, khi chuyển về cơ sở mới, được đầu tư xây dựng bài bản, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam sẽ hoạt động theo những tiêu chí được nâng cao hơn; ngoài phục vụ khách trong nước còn thường xuyên có du khách quốc tế. Vì thế, trình độ của thuyết minh viên phải được nâng cao thì mới đáp ứng yêu cầu, tầm vóc của bảo tàng trong tương lai. Qua đợt thi vừa rồi, bảo tàng đã chọn ra một số hạt nhân tiêu biểu để tiếp tục bồi dưỡng.
Ngoài ra, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cũng đã phối hợp với Cục Tuyên huấn tổ chức các đợt tập huấn cho hàng trăm lượt cán bộ, nhân viên bảo tàng toàn quân về cập nhật thông tin, tư liệu mới, đổi mới công tác trưng bày, tuyên truyền giáo dục thu hút khách tham quan.
Bảo tàng Hậu cần quân đội cũng là một trong những bảo tàng chú trọng đào tạo đội ngũ thuyết minh viên. Hiện bảo tàng có 3/5 thuyết minh viên có khả năng thuyết minh tiếng Anh. Đại tá, TS Đào Hải Triều, Giám đốc Bảo tàng Hậu cần quân đội, khẳng định: Nhận thức được tầm quan trọng của đội ngũ thuyết minh viên, nên Bảo tàng Hậu cần quân đội chú trọng tuyển chọn hướng dẫn viên bảo đảm tiêu chí về trình độ, hình thức. Ngoài ra, hằng năm tổ chức thi thuyết minh viên, kiểm tra nhận thức, cách thức xử lý tình huống… Một trong những yêu cầu đặt ra là thuyết minh viên phải hiểu sâu, nói kỹ về hiện vật, chứ không chỉ là “học vẹt” thông tin về hiện vật. Ngoài ra, tùy đối tượng mà hướng dẫn viên có cách thuyết minh phù hợp, thay vì “một bài” cho tất cả các đối tượng. Chẳng hạn như đối tượng học viên ngành vận tải quân sự thì thuyết minh viên sẽ tập trung giới thiệu lĩnh vực vận tải quân sự, để học viên hiểu hơn lịch sử của ngành, từ đó thêm tự hào về lực lượng và phấn đấu tốt hơn trong học tập.
 |
Hướng dẫn viên của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đang thuyết minh cho với các em học sinh Trường THCS Du Lễ, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng. |
Ngoài tổ chức các cuộc thi, các bảo tàng trong quân đội còn tích cực cho thuyết minh viên đi học tập tại các bảo tàng, di tích, nhằm học hỏi phương pháp, kỹ năng nghiệp vụ; đồng thời chủ động tổ chức các cuộc trưng bày triển lãm để rèn luyện đội ngũ thuyết minh viên.
Từ khi thành lập đến nay. Bảo tàng Phòng không-Không quân cũng luôn chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng thuyết minh viên. Đại tá Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Bảo tàng Phòng không-Không quân cho biết: Chúng tôi đã đổi mới quá trình tiếp đón, phục vụ khách tham quan. Hiện nay, bảo tàng có đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp, có kinh nghiệm để giới thiệu cho khách chuyên sâu về các hiện vật. Khi nghe những lời thuyết minh ấn tượng của các hướng dẫn viên nói về mỗi hiện vật thì người xem rất hào hứng.
Khi đến thăm Bảo tàng Phòng không- Không quân, Trung tá Sisumang Mixay, Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân đội nhân dân Lào ghi cảm tưởng: Chúng tôi rất xúc động và tự hào khi được đến thăm Bảo tàng Phòng không- Không quân. Các thuyết minh viên đã giới thiệu cho chúng tôi biết được chiến công của bộ đội Phòng không-Không quân trong thời gian chiến đấu chống quân xâm lược. Qua giới thiệu, chúng tôi thấy được tinh thần quả cảm, chiến đấu kiên cường của Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung và của Quân chủng Phòng không-Không quân nói riêng trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Du khách đến thăm Bảo tàng Công binh không chỉ ấn tượng bởi các hiện vật bom, mìn mà còn bởi những lời thuyết minh truyền cảm của các hướng dẫn viên. Có những đoàn khách đứng lặng người khi xem hệ thống trưng bày về bom mìn. Qua đó, họ hiểu rõ hơn về hậu quả của chiến tranh. Có khách tham quan là cựu chiến binh Mỹ sau khi nghe thuyết minh về hiện vật đã xúc động thốt lên “chúng tôi xin lỗi các bạn”.
Nói về công tác bồi dưỡng thuyết minh viên, Đại tá Nguyễn Thanh Tư, Giám đốc Bảo tàng Công binh, chia sẻ: Chúng tôi tổ chức thường xuyên cho thuyết minh viên tham gia tập huấn nghiệp vụ, tham quan, học hỏi tại các bảo tàng trong và ngoài quân đội. Trong tổng số 9 cán bộ, nhân viên của bảo tàng, có 3 thuyết minh viên. Khách tham qua đánh giá cao hệ thống trưng bày cũng như công tác thuyết minh của bảo tàng.
“Làm giàu” giá trị bảo tàng bằng sưu tầm hiện vật
Bảo tàng hút khách ở mức độ nào, phần nhiều phụ thuộc vào hệ thống hiện vật được trưng bày. Vì thế, việc thường xuyên bổ sung hiện vật mới là cách mà các bảo tàng trong quân đội luôn chú trọng.
Khi mới xây dựng, Bảo tàng Hậu cần quân đội có rất ít hiện vật. Trước khi khởi công, lãnh đạo Tổng cục Hậu cần (TCHC) đã e ngại về việc có đủ hiện vật để “lấp đầy” không gian trưng bày hay không. Tuy nhiên, từ hơn 7.000 hiện vật năm 1999, đến nay, bảo tàng này đã có khoảng 17.500 hiện vật.
Nói về cách thức sưu tầm, Đại tá, TS Đào Hải Triều cho biết: Chúng tôi thường xuyên rà soát nội dung trưng bày; phối hợp với hội cựu chiến binh các tỉnh, thành phố và ban liên lạc các đơn vị của ngành Hậu cần để phát động sưu tầm, hiến tặng hiện vật. Ban liên lạc hậu cần miền B2 của tỉnh Thái Bình vừa trao tặng hơn 40 hiện vật rất có giá trị. Năm 2012, bảo tàng đã tham mưu cho TCCH phát động sưu tầm, hiến tặng kỷ vật kháng chiến, qua đó nhận được hơn 3.000 hiện vật. Khi đăng cai tổ chức gặp mặt của các cơ quan, đơn vị tại bảo tàng, chúng tôi đều kêu gọi hiến tặng hiện vật. Có cựu chiến binh ngành hậu cần bị ung thư giai đoạn cuối tại Nha Trang, đã nhờ con chuyển hiện vật là bằng lái xe và một số hiện vật khác tặng bảo tàng cách đây chừng 2 năm. Đáng chú ý, năm 2008, chúng tôi cử lực lượng đi sưu tầm 2 tháng tại miền Nam, kết quả đã sưu tầm được một khối lượng lớn hiện vật và phải điều xe ô tô tải từ miền Bắc vào vận chuyển ra.
 |
Bảo quản hiện vật định kỳ tại Bảo tàng Vũ khí. |
Nói về cách thức sưu tầm hiện vật, Giám đốc Bảo tàng Phòng không-Không quân, Đại tá Nguyễn Văn Minh, cho biết: Chúng tôi tổ chức sưu tầm thông qua kế hoạch hằng năm hoặc qua chương trình bảo tồn nhân chứng phối hợp với các cựu chiến binh. Khi các cựu chiến binh đến tham quan bảo tàng, chúng tôi mời các bác hiến tặng hiện vật hoặc đến tận nhà các cựu chiến binh để sưu tầm. Nhờ đó, nhiều cựu chiến binh đã hiến tặng những hiện vật độc đáo. Ngoài ra, thông qua các hội thi, bảo tàng sưu tầm được rất nhiều hiện vật thời hòa bình và hiện nay có khoảng 5-6 nghìn hiện vật loại này.
 |
Cây nhiệt đới, hiện vật đang lưu giữ tại Bảo tàng Biên phòng. |
Mặc dù số lượng nhân viên còn hạn chế, kiêm nhiệm nhiều việc, nhưng công tác sưu tầm hiện vật của Bảo tàng Biên phòng những năm qua luôn được chú trọng. Bảo tàng hiện có khoảng 12 nghìn hiện vật.
Thuyết minh luôn phải gắn liền với hiện vật, bằng giọng nói truyền cảm và lời thuyết minh ấn tượng cho mỗi hiện vật thì sẽ tạo được cảm xúc đặc biệt cho người xem. Vì vậy, những năm qua, hệ thống các bảo tàng trong Quân đội luôn chú trọng đến hai vấn đề trên để thu hút khách tham quan.
Bài, ảnh: KHÁNH HUYỀN
Bài 3: Đưa bảo tàng đến gần hơn với công chúng