Tôi hiểu vì sao người dân Việt Nam và bạn bè yêu chuộng hòa bình trên thế giới luôn ngợi ca vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ta. Khi đến Việt Nam, bạn bè quốc tế thăm Nhà sàn Bác Hồ, đến những nơi dấu chân Người từng đi qua, để tìm hiểu, học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người.
Nhiều người tìm đến những khu tưởng niệm, tượng đài, đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh để tưởng nhớ một vị lãnh tụ có trái tim nhân hậu, nhân cách lớn lao, trọn đời vì nước, vì dân.
 |
Đoàn đại biểu lực lượng vũ trang Quân khu 7 vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 15-5-2025. Ảnh: HOÀNG VIỆT
|
Buổi sáng đầu mùa hạ, Quảng trường Ba Đình gió thổi nhẹ, lất phất mưa bay vương trên những nhành hoa bằng lăng tím biếc. Quanh khuôn viên vườn Bác, có thật nhiều loài cây, hoa đẹp, rộn ràng tiếng chim chào bình minh. Tôi đắm mình trong những thanh âm và hương thơm dịu ngọt ấy. Từng dòng người từ mọi miền đất nước đã có mặt ở đây từ rất sớm để xếp hàng, háo hức mong chờ được vào Lăng viếng Bác.
Nơi đây thật thiêng liêng. Đoàn chúng tôi được dẫn vào phòng xem phim tài liệu “Những giây phút cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Cửa phòng khép lại, căn phòng yên ắng, chỉ còn âm thanh từ chiếc ti vi màn hình lớn, giọng phát thanh viên trong, rõ, ấm áp, xúc động. Mọi người chăm chú dõi theo bộ phim, những thước phim về giây phút cuối cùng của Bác, nghe lời Bác nói, những cử chỉ, hành động đầy tình cảm yêu thương của Người dành cho cán bộ, nhân viên, các cụ già, em nhỏ, học sinh, sinh viên, nông dân, công nhân, đồng bào miền Nam ruột thịt...
Vào Lăng, mọi người đều nhẹ bước chân, đi thật chậm, như cố nán lại để được ở bên Người lâu hơn, rồi luyến tiếc khi phải bước ra. Đúng như nhà thơ Viễn Phương đã viết: “Bác nằm trong giấc ngủ bình yên / Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền / Vẫn biết trời xanh là mãi mãi / Mà sao nghe nhói ở trong tim”.
Chúng tôi tiếp tục hòa vào dòng người thăm nơi ở, làm việc của Người. Dạo bước trong Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, không gian đẹp và bình yên quá. Ngôi nhà sàn in bóng bên ao cá. Hàng bụt mọc vẫn đứng đợi Người đi qua. Đường xoài vờn bóng nắng, gợi dấu chân Người trên từng viên sỏi. Vườn bưởi, vú sữa quả sai trĩu trịt. Trong khuôn viên Di tích Nhà 67, nhìn những kỷ vật, nghe những câu chuyện về Bác, lòng tôi rưng rưng.
Điểm cuối hành trình của chúng tôi là tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh. Những năm qua, Bảo tàng đã tích cực sưu tầm, bổ sung nhiều tư liệu quý về Bác. Vào Lăng viếng Bác, mỗi chúng tôi lòng thầm hứa tự soi, tự sửa, đồng hành cùng kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc. Tôi chợt nhớ những câu trong bài thơ “Bác ơi!” của nhà thơ Tố Hữu: “Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn / Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi / Vững như muôn ngọn dải Trường Sơn”.
NGUYỄN MINH ĐỨC
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.