Cuộc sống ngày càng hiện đại, quá trình đô thị hóa khiến nhiều chiếc giếng khơi bị lấp đi, thay vào đó là hệ thống nước sạch tự động đến từng ngõ ngách. Người dân Hà Nội cũng không còn sống chung với cảnh thiếu nước sạch sinh hoạt. 

Từ khoảng thập niên 70, 80 của thế kỷ XX, chiếc giếng khơi có đường kính chỉ một mét vẫn là nguồn cung cấp nước cho người dân. Tới khoảng đầu thế kỷ XXI, dân số tăng lên nhanh chóng, sân chung dần bị thu hẹp, nhường chỗ cho các ngôi nhà cao tầng và giếng khơi cũng dần biến mất.

leftcenterrightdel

 Đa phần đường của miệng giếng khơi có đường kính nhỏ, chỉ khoảng hơn 1m.

Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, 15 hộ dân sống trong ngõ 15 Phủ Doãn (phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm) vẫn duy trì và giữ thói quen dùng nước giếng khơi. Chiếc giếng khơi có tuổi hàng mấy thập kỷ vẫn đồng hành cùng nhịp sống của biết bao thế hệ nơi đây. 

22 năm kể từ khi về làm dâu, chị Khuất Thị Nhạn cho biết, nguồn giếng khơi này trước kia được mọi người sử dụng để tắm, giặt quần áo, nấu ăn… Bây giờ có nước sạch, nước giếng vẫn được dùng để rửa bát, rửa sân sạch sẽ cho cả xóm. 

“Nước giếng khơi mùa hè thì mát, mùa đông lại ấm, khi múc lên vẫn trong và sạch không cạn bẩn. Mỗi lần đi đâu về nóng nực, trời mưa gió, mọi người vẫn sử dụng rửa chân tay rất sạch sẽ”, chị Nhạn nói.

leftcenterrightdel
Chị Nhạn múc nước giếng để rửa khoảng sân nhỏ. 

Bên chiếc giếng khơi, mọi người vẫn kể cho nhau nghe những câu chuyện thuở nhỏ từ ngày này qua ngày khác. Người dân ở số 15 Phủ Doãn ví von chiếc giếng tựa như một người bạn đồng hành, chứng kiến sự trưởng thành của mỗi người trong xóm và lưu giữ bao kỷ niệm. 

Bà Nguyễn Thị Trọng, người đã gắn bó với chiếc giếng khơi từ khi mới đào kể lại: “Hồi trước không có nhiều nước, các hộ dân ở đây đóng công, góp của để đào giếng lấy nước dùng. Mỗi miệng giếng chỉ cao hơn chục centimet và được xây nên từ gạch đỏ với 21 vòng giếng. Xung quanh thành giếng được xếp bằng gạch nung vẫn nguyên vẹn bao năm nay”.

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
Nước giếng vẫn được sử dụng để rửa rau, sinh hoạt cơ bản hằng ngày.   

Theo bà Trọng, nước giếng này sạch nhưng không được dùng để ăn uống. Nếp sinh hoạt dùng nước giếng được duy trì vào mỗi buổi sáng sớm khoảng 7-8  giờ, phục vụ cho người dân rửa bát đũa, xoong nồi bán đồ ăn sáng… Ngoài thời gian đó, chiếc giếng lại yên ả nằm bên cạnh cửa hàng sửa chữa xe máy. 

Là người trẻ yêu thích những nét cổ xưa của Hà Nội, bạn Nguyễn Thu Phương (sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) bày tỏ: “Giữa lòng thành phố vẫn có thể tìm thấy một chiếc giếng khơi quả thật rất hiếm hoi. Điều này khiến mình hoài niệm về một tuổi thơ ở quê nhà. Được trải nghiệm và sử dụng trực tiếp, mình thấy nước giếng khơi vẫn mát, đảm bảo sinh hoạt hằng ngày”. 

leftcenterrightdel
Trải qua thời gian, những chiếc giếng vẫn nguyên vẹn, sau khi dùng xong đều được người dân đậy lại, đảm bảo vệ sinh nguồn nước. 

Nhiều người gắn bó với giếng khơi như bà Trọng, chị Nhạn suốt bao năm tháng đều coi giếng là long mạch, không thể phá bỏ hoặc lấp đi. Họ đều cùng nhau duy trì thói quen cũ, đều thích cái mát lạnh, ngày ngày sử dụng và bảo vệ sự tồn tại của giếng khơi trước thực tế đất chật người đông của khu phố cổ.

leftcenterrightdel
Lớp rêu xanh phủ đầy như không muốn rời xa giếng. 

Hiện nay, khu phố cổ có khoảng hơn chục chiếc giếng nằm rải rác trong nhiều con ngõ, trong các ngôi nhà. Có những chiếc giếng được che lại, hoặc ít nước, hoặc không có nước. Một vài chiếc vẫn được người dân dùng hằng ngày như một thói quen khó bỏ. 

Ngoài ra, vẫn còn một số giếng cổ trở thành di tích lịch sử của người dân Hà Nội vẫn còn được bảo tồn như: Giếng cổ Đình Yên Thái (phố Tạm Thương, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm); giếng cổ ngõ Hàng Chỉ (phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm)...

Bài, ảnh: HỒNG PHÚC

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.