Chiếc giếng nằm chính giữa làng. Tất cả mọi đường ngang ngõ dọc đều dẫn tới chiếc giếng ấy. Đã bao đời giếng quê trở thành nơi cung cấp nước sinh hoạt cho cả làng. Các cụ già vẫn thường kể lại rằng, giếng làng không biết được đào từ khi nào, cứ lớp người nọ nối tiếp lớp người kia uống vị ngọt của quê hương. Để có dòng nước mát trong, người xưa đã phải nhờ thầy phong thủy xem thế đất, long mạch. Chiếc giếng ấy nghe nói được đào vào đúng mắt rồng nên nước luôn đầy ăm ắp, sáng long lanh. Một bên mắt là giếng làng, một bên là chiếc ao trước cửa đình. Con đường chính chạy giữa giếng và ao uốn lượn như thân rồng đang phun mưa. Chiếc giếng được quây bằng đá ong tròn vành vạnh. Làng chẳng bao giờ tát giếng mà giếng cũng không bao giờ cạn nên chẳng ai nhìn thấy đáy bao giờ.

Ngày trước, mọi người trong làng ngày nào cũng ra giếng gánh nước. Đôi vai của những người nông dân ngày thì gánh thóc lúa, tối về lại kẽo kẹt gánh nước sóng sánh. Đêm trăng chiếc giếng trở nên long lanh, lấp lánh ánh vàng. Người ra giếng vục cả thùng ngập miệng xuống mặt nước. Nhà chị cũng có một chiếc bể con con để trữ nước giếng. Cứ mỗi ngày sau khi đi làm về đôi vai mòn mỏi của chị lại kĩu kịt gánh nước đầy ăm ắp. Hai chiếc thùng tôn được để gọn gàng trong góc bếp cùng với hai chiếc móc xích treo sau cánh cửa. Chiếc đòn gánh được đánh bóng bởi mồ hôi lại uốn mình nâng những gánh nước mát trong.

Ở quê chị thường thì mọi người lặng lẽ gánh nước ban đêm. Chỉ khi nhà nào có đám mới tập trung gánh nước ban ngày. Mọi người đi làm giúp xếp thành hàng dài gánh nước về làm cỗ. Tiếng nói cười râm ran cả khoảng sân giếng rộng. Rồi những ngày giáp Tết mọi người cũng thi nhau đi gánh nước. Nhiều nhà bận công việc làm ăn, đêm Ba mươi rồi mà vẫn hì hục gánh nước. Đã thành lệ, không ai bảo ai trước Giao thừa là bể nước nhà nào cũng đầy tràn trề. Có nhà cẩn thận trữ nước sẵn vào chum, vại, chậu, thùng để dùng nước trong mấy ngày Tết.

Để giữ nguồn nước luôn sạch, mát lành, làng có quy định, mỗi người khi đi gánh nước là phải rửa chân sạch sẽ, không được mang đất cát xuống bậc thềm. Trẻ con không được ra giếng tắm rửa, giặt giũ, không được vứt các thứ bẩn xuống dưới giếng. Chính vì vậy mà sân giếng, bậc thềm luôn sạch sẽ. Nhờ nguồn nước trong mát ấy mà nồi cơm nấu bằng nước giếng cũng trắng bông, nồi canh có vị ngọt mát, ấm nước trà pha xanh tươi. Người đi làm đồng xa về giữa trưa nắng oi ả vục gáo nước giếng chẳng cần đun nấu, uống một hơi no căng mới thôi.

Ngoài việc cung cấp nước sinh hoạt, chiếc giếng quê trở thành một trong những địa điểm tâm linh của làng. Ngày hội đầu năm đoàn rước kiệu khiêng chiếc chóe múc đầy nước giếng mang về hậu cung tế thánh. Đến dịp lễ vào hạ cầu mưa thuận gió hòa, mấy cụ bà mặc áo dài thâm đầu đội mâm lễ ra tận thành giếng lầm rầm khấn vái. Trẻ con trong làng cứ thế ngồi theo sau đợi phát lộc. Rồi các ngày rằm ba Tết bảy, cụ thủ từ đình làng cẩn thận sắm lễ dâng hương cầu mong nguồn nước giếng làng luôn đong đầy, mát trong để dân làng được thụ hưởng quanh năm.

Cứ thế, nguồn nước ngọt mát như nguồn sữa mẹ nuôi lớn bao thế hệ dân làng. Không biết có phải vì thế mà giọng nói của người làng chị cũng khác, chỉ nghe qua là biết ngay người cùng quê. Cho nên, ai đi xa cũng nhớ về quê hương, nhớ về nơi đã cùng nhau uống chung mạch ngọt nước giếng làng.

VŨ ĐỨC NAM