Vào ngày 12-12 tới, Khoa Lý luận, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam kỷ niệm 45 năm thành lập (năm 1978), trong bối cảnh vừa hòa bình thống nhất đất nước - đó cũng là thời điểm các thiết chế mỹ thuật ở Việt Nam bắt đầu được thiết lập lại để tạo nên một sự định hình mới cho sự phát triển của mỹ thuật Việt Nam trong tình hình mới.

Nếu Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam (tiền thân là Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương) tự hào là cái nôi đào tạo nên những bậc thầy đầu tiên của hội họa hiện đại Việt Nam, thì Khoa Lý luận mặc dù được thành lập muộn hơn, nhưng cũng vô cùng tự hào là cái nôi đào tạo nên những nhà nghiên cứu, nhà phê bình và các giảng viên lý luận mỹ thuật hàng đầu trong cả nước.

leftcenterrightdel

Tác phẩm "Ảnh xạ 2" của tác giả Trang Thanh Hiền trưng bày tại triển lãm "Đồng hành". 

Đến nay, Khoa đã đào tạo được 22 khóa, bắt đầu từ sự gây dựng ban đầu của thầy Nguyễn Trân - vị trưởng khoa đầu tiên, cho đến năm 2010, khoa được đổi tên là Khoa Lý luận, Lịch sử và Phê bình Mỹ thuật và cũng ít nhiều có những thay đổi đáng kể, trong chương trình đào tạo của khoa, để cập nhật những kiến thức mới.

Bên cạnh các môn học có tính truyền thống như các môn lịch sử mỹ thuật, lý luận mỹ thuật, mỹ học, nhiều năm nay để đáp ứng với sự phát triển chung của mỹ thuật hiện đại, đương đại Việt Nam, chương trình đào tạo của khoa được bổ sung các môn học mới như curator, nhiếp ảnh, nghiệp vụ báo chí… Sự đổi mới này cũng đã đem lại những thành tựu đáng kể.

Thông tin tới báo chí, TS Đặng Thị Phong Lan (cựu sinh viên khóa 5), Phó hiệu trưởng phụ trách, kiêm Trưởng Khoa Lý luận, Lịch sử và Phê bình Mỹ thuật, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam cho biết, đào tạo ngành lý luận, lịch sử và phê bình mỹ thuật là một nhu cầu cần thiết nhằm cung cấp đội ngũ nghiên cứu lý, luận, phê bình mỹ thuật và giảng dạy lịch sử mỹ thuật cho đất nước.

“Trong cả nước hiện tại chỉ có hai trung tâm đào tạo chính quy ngành lý luận, lịch sử và phê bình mỹ thuật là Trường Đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh và Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Các cử nhân ngành lý luận, lịch sử và phê bình mỹ thuật hiện đang hoạt động trong mọi lĩnh vực của xã hội, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của nền mỹ thuật nước nhà”, bà Lan nhấn mạnh.

leftcenterrightdel
 Các thế hệ giảng viên, họa sĩ của Khoa Lý luận, Lịch sử và Phê bình Mỹ thuật.

Bên cạnh đó cũng không ít các cựu sinh viên của khoa trở thành các họa sĩ, nghệ sĩ sáng tác và hoạt động chuyên nghiệp, đóng góp vào nền nghệ thuật hiện đại và đương đại. Không ít trong số họ đã trở thành các giám tuyển độc lập, điều phối viên trong hệ thống các gallery, nhà đấu giá mỹ thuật hiện nay, hoặc trở thành các nhà báo làm việc trong các cơ quan thông tấn, đài truyền hình, báo chí lớn trong cả nước. Điều này cho thấy, việc đào tạo của khoa trong hành trình 45 năm với những nền tảng sẵn có và thay đổi cập nhật kiến thức mới cùng với sự phát triển của xã hội, đã góp phần không nhỏ vun đắp cho sự trưởng thành của các thế hệ, cho những đơm hoa kết trái dù trên phương diện nào.

Nhân dịp kỷ niệm 45 năm thành lập khoa, thầy trò của khoa đã xuất bản cuốn sách “Những giác độ nghiên cứu mỹ thuật”; trưng bày triển lãm “Đồng hành”, giới thiệu 59 tác phẩm sáng tác của các cựu sinh viên, họa sĩ, các nhà nghiên cứu, phê bình mỹ thuật có những đóng góp vào hoạt động giảng dạy, sáng tác của khoa.

TRANG THANH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.