Nhưng cũng có một con đường mang cái tên thật đặc biệt, mà bất cứ ai đi giữa lòng Thủ đô những ngày này đều trào dâng niềm tự hào về chiến thắng “lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu”-đường Điện Biên Phủ.

Bác tôi là Lê Thị Đắc kể lại, hôm đó, đúng tròn 10 năm kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ (ngày 7-5-1964), trong không khí cả nước tưng bừng chào mừng ngày chiến thắng lịch sử, vào hồi 17 giờ 30 phút, TP Hà Nội tổ chức trọng thể lễ đổi tên đường Cột Cờ thành đường Điện Biên Phủ.

leftcenterrightdel

Đường Điện Biên Phủ (quận Ba Đình) gắn với chiến thắng lịch sử của dân tộc. 

Cả cuộc đời bác tôi-một quân nhân-đã gắn bó với con đường lịch sử, sinh sống trong khu tập thể Quân đội 28B Điện Biên Phủ từ ngày xây dựng. Hơn nửa thế kỷ qua, bác vẫn luôn mong ngóng tin người chồng vào Nam chiến đấu năm 1969, hy sinh đến nay vẫn chưa tìm thấy mộ. Mỗi khi dắt các cháu đi dọc đường Điện Biên Phủ, qua Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, dừng chân bên cột biển báo góc đường Hoàng Diệu-Điện Biên Phủ, bác lại chực trào nước mắt khi nhớ về hình ảnh hai vợ chồng đã cùng quân và dân Thủ đô chứng kiến giờ phút gắn biển tên đường, phố.

Đường Điện Biên Phủ dài 1.150m, thuộc phường Điện Biên (quận Ba Đình) và phường Cửa Nam (quận Hoàn Kiếm), TP Hà Nội. Thời Pháp thuộc, đường thuộc đại lộ Puyginiê (Avenue Puginier), tuy nhiên, nhân dân ta vẫn quen gọi là đường Cột Cờ vì cột cờ Hà Nội nằm trong khu vực đó. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đường có tên gọi là đường Cộng Hòa và thời tạm chiếm được đổi lại là đại lộ Nguyễn Tri Phương. Tên đường Điện Biên Phủ được gọi từ năm 1964 đến nay.

Đường Điện Biên Phủ bắt đầu từ ngã năm Cửa Nam, chạy xuôi về phía Lăng Bác và Quảng trường Ba Đình. Dọc đường Điện Biên Phủ về phía Quảng trường Ba Đình, bên tay trái là Công viên Lênin (trước đây gọi là vườn hoa Chi Lăng) với bức tượng đồng V.I.Lenin sừng sững cao 5,2m được đặt trên bệ đá hoa cương cao 2,7m, quay mặt ra đường Điện Biên Phủ. Đối diện Công viên Lênin, tại số 28A Điện Biên Phủ là Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (trước đây gọi là Bảo tàng Quân đội).

Đây là nơi trưng bày và lưu giữ rất nhiều hiện vật có giá trị về lịch sử, như: Chiếc xe đạp thồ trong Chiến dịch Điện Biên Phủ; nhiều máy bay, tên lửa trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; đặc biệt là chiếc xe tăng đã tiến vào dinh Độc Lập trong ngày 30-4-1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong khuôn viên Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam có Cột cờ Hà Nội-một trong những biểu tượng của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Cột cờ Hà Nội hay còn gọi là kỳ đài Hà Nội là một kết cấu dạng tháp, được xây dựng cùng thời với thành Hà Nội dưới triều nhà Nguyễn, gồm 3 tầng đế và 1 thân cột. Trên đỉnh cột cờ Hà Nội luôn tung bay lá cờ đỏ sao vàng năm cánh.

Đường Điện Biên Phủ có vỉa hè rộng thoáng, nhiều cây to. Những ngôi nhà trên phố đa phần được xây theo dạng nhà biệt thự, kiến trúc theo phong cách Pháp. Một số ngôi biệt thự phía cuối đường bên dãy số lẻ hiện được dùng làm văn phòng của một số đại sứ quán; bên số chẵn hướng thẳng về phía Quảng trường Ba Đình là một phần mặt trước của Bộ Ngoại giao.

Đường Điện Biên Phủ được UBND TP Hà Nội lựa chọn là con phố nằm trong tuyến phố trọng điểm Tràng Tiền-Tràng Thi-Điện Biên Phủ, cùng nhiều con phố khác của Thủ đô tạo ấn tượng đẹp cho du khách trong và ngoài nước khi đến với Thăng Long-Hà Nội ngàn năm văn hiến.

Bài và ảnh: CHÂU XUYÊN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.