Theo Ủy ban liên chính phủ về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, hồ sơ đề cử di sản văn hóa phi vật thể "Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam" đáp ứng 5 tiêu chí: Thực hành Then ở Việt Nam tạo thành một phần cơ bản trong đời sống tinh thần của người Tày, Nùng, Thái, phản ánh mối quan hệ giữa con người, thế giới tự nhiên và vũ trụ.

Thực hành Then được trao truyền từ đời này sang đời khác tạo sức sống bền vững của di sản.

Việc ghi danh nghi lễ Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam sẽ làm nổi bật sự đóng góp của di sản trong việc giữ gìn bản sắc dân tộc và củng cố tình đoàn kết giữa các dân tộc; sức sống của di sản được bảo đảm bởi các cá nhân, gia đình hoặc cộng đồng, những người mời thầy Then đến làm lễ cầu sức khỏe, cầu an và cầu mùa; nghệ nhân dân gian và các cộng đồng liên quan tích cực tham gia vào tất cả giai đoạn chuẩn bị hồ sơ đề cử thông qua các cuộc họp, hội thảo, hội nghị và tập huấn; di sản Then của 11 tỉnh, thành phố lần lượt được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia kể từ năm 2012.

Theo Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) việc UNESCO ghi danh “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại khẳng định bản sắc văn hóa phong phú của dân tộc Việt Nam, sự gắn kết cộng đồng, đề cao tôn trọng đa dạng văn hóa, khuyến khích đối thoại giữa các cá nhân, các cộng đồng và các dân tộc khác nhau vì sự khoan dung, tình yêu và lòng bác ái đúng theo tôn chỉ và mục tiêu của Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO. Thực hành nghi lễ Then thể hiện tình đoàn kết giữa các tộc người, tôn trọng thế giới quan tộc người theo mục tiêu của UNESCO; giúp nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của di sản các cộng đồng dân tộc không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Tin, ảnh: VƯƠNG HÀ