Tuy không thuộc khu vực cửa sông sầm uất, không phải đoạn sông trên bến dưới thuyền mà chỉ tọa lạc tại khúc sông bình lặng nhưng đền Rừng lại sở hữu địa thế đẹp vô cùng, mặt hướng ra dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa và xung quanh là những thửa ruộng xanh tốt. Không gian thoáng đãng, linh khí hội tụ, khu vực này cũng có nhiều di tích như Đền Đức Ông, Đền Mẫu Thoải, Đền Núi, tạo thành một quần thể tâm linh vô cùng nổi tiếng với du khách trong vùng và thập phương.

leftcenterrightdel

 Đền Rừng tọa lạc tại vị thế vô cùng đẹp mắt, nơi được coi là “linh khí hội tụ”.

Tên gọi Đền Rừng

Có nhiều quan điểm xung quanh tên gọi của ngôi đền này, đa phần đều liên quan đến vị thế nơi đền tọa lạc.

Theo Nghệ nhân Dân gian Hoàng Xuân Mai: “Xưa kia đền có tên là đền Dừng, nghĩa là Dừng chân, bởi người ta cho rằng, đền tọa lạc ở vị trí trên bến dưới thuyền, những người qua đây, đặc biệt là giới thương nhân, thường dừng chân, vào đền lễ Thánh cầu bình an, thuận buồm xuôi gió, vạn sự tốt lành. Qua thời gian, đền mới có tên là đền Rừng như hiện nay.”

Ông Phạm Duy Quang, Chi hội trưởng Hội Di sản Văn hóa Thăng Long Hà Nội quận Long Biên cho biết: “Rừng ở đây là Rừng núi. Có thể các cụ xưa kia đặt tên đền Rừng là do khu vực này trước đây rất thấp và có rất nhiều cây cối - nơi liên quan gắn bó với sông nước nghìn năm lâu đời, nơi khiến nảy sinh điều mong ước, nguyện cầu của cư dân ở chỗ “sát sạt” sông nước này, đó là: được sự tạnh ráo như trên cao, trên rừng.”

“Rừng” - cái tên rất Việt - chứ không phải “Lâm” như theo ngôn từ, ngữ nghĩa Hán. Cái chất dân gian ấy như khẳng định chất Việt riêng của đền. Tuy đây không phải là điểm khởi nguồn, không phải nơi xuất thế của đức mẹ vô lượng, song, vượt thác ghềnh của lịch sử, Mẹ Rừng như đã thổn thức dẫn dắt chúng đồ về miền đức hạnh. Ngoài tên “Rừng”, theo Nghệ nhân Ưu Tú Nguyễn Tất Kim Hùng: “Đền còn được biết đến với tên gọi Gia Thượng Linh từ và Tứ vị phủ. Tên gọi Tứ vị phủ xuất phát từ việc phụng thờ các vị Thánh của đền”. 

Đúng như tên gọi Tứ vị phủ, Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Tất Kim Hùng cho biết: “Đền Rừng thờ bốn vị Thánh – Thần, đó là: Thành hoàng làng, Linh lang Đại vương, Chúa Bà bản đền, và một vị tướng quân”.

Theo ghi chép trong các sắc phong, đây đều là những người có công với dân với nước được thần thánh hóa và được nhân dân tôn thờ, tri ân công đức đồng thời nguyện cầu mưa thuận gió hòa, cuộc sống bình an, ấm no. Trong cung cấm có ban thờ Đức Thượng Đẳng. Không ai biết rõ chính xác danh tính của vị này nhưng đa số tin rằng đó chính là Linh Lang đại vương và tôn tượng trong cung cấm là Thượng Đẳng Thần Linh Lang.

Về Nhị vị Chúa bà bản đền, việc phụng thờ các bà có thể được coi như một sự tiếp nối mạch nguồn của tín ngưỡng dân gian thờ nữ thần, thờ vị thần bảo hộ dân chúng, và cả những đặc điểm của tín ngưỡng thờ Mẫu… Trong cung thờ có tôn tượng Nhị vị Chúa bà, song, danh tính của các Ngài vẫn còn là ẩn số. Ông Phạm Duy Quang cho rằng, muốn xác định thân thế của hai bà, có thể cần đến các biện pháp nghiệp vụ, thực hiện trên chính tôn tượng các bà để tìm dấu tích do người tạc tượng để lại.

Đền Rừng có tuổi đời ra sao?

Bước qua cổng Tam quan là khoảng sân rộng, rợp mát bóng cây xanh, khiến con người như được hòa mình với thiên nhiên, sự yên ả, không khí trong lành, thoảng hương trầm, đưa khách hành hương vào sự tĩnh tại. Trải qua nhiều lần tu sửa, nâng cấp, với sự ủng hộ của bà con nhân dân bản địa và du khách thập phương, đặc biệt là sự nỗ lực của ban Quản lý đền, đến nay đền Rừng có quy mô rộng rãi, thoáng mát với nhiều cung lớn. Trên diện tích hơn 4.000m2, quy mô lớn, đền Rừng xây dựng khá tập trung và gọn gàng với 7 cung, mỗi cung rộng gần 400m2, bao gồm: nhà Tổ thờ thần linh, Thổ địa, Chủ nhang đồng đền qua các thời kì; Cung Công Đồng, cung Tam Tòa Thánh Mẫu; Cung Chúa Bà; Cung Quan Tam; cung Sơn Trang; ngoài trời là Mẫu bán thiên và lầu Cô lầu Cậu. Trong đó, chính cung là nơi thờ Nhị vị Chúa Bà ở cung trong, mà theo một số nghiên cứu, tên đền Rừng được đặt từ khi có đền thờ Nhị vị Chúa bà. Cung ngoài thờ Mẫu Tứ Phủ, theo ông Lê Đình Hải, Trưởng Tiểu ban Quản lý Di tích Cụm dân cư Gia Thượng, phường Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội: “Cung thờ Mẫu Tứ Phủ về sau này mới được đưa vào phối thờ do nguyện vọng và sự đóng góp, cung tiến của bách gia trăm họ”.

leftcenterrightdel
 Cung thờ Mẫu sau này mới được đưa vào phối thờ tại đền Rừng.

Nói về “tuổi đời” của đền Rừng, tính tới thời điểm này, cung thờ Tứ vị linh từ đã có khoảng 250 năm, còn cung thờ nhị vị Chúa Bà cũng đã trên dưới 160 năm tuổi, trải qua nhiều thay đổi nhưng ngôi đền vẫn còn lưu giữ được nhiều vật phẩm từ xa xưa. Điển hình là 3 bát hương gốm có từ thời Lê trong cung cấm thờ Đức Thượng Đẳng ước tính tuổi đời khoảng 250 năm, hay bộ bát hương cổ ở ban thờ Mẫu bán thiên cũng được làm cùng thời kì với bộ bát hương trong cung cấm, chỉ chênh lệch một vài chục năm. Hay chiếc cổng cũ đã bị sụt lấp nhưng vẫn còn phần mào ở phía trên, có ghi rõ “Tứ vị phủ”, nội dung câu đối trên cổng xưa được sao chép lại trên chiếc cổng mới được làm vào năm 2008.

Ông Lê Đình Hải, Trưởng Tiểu ban Quản lý Di tích Cụm dân cư Gia Thượng, phường Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội – cho biết: “Đền Rừng có Ban quản lý với bộ máy đầy đủ bao gồm Trưởng ban, phó ban, các thành viên trong ban và bộ phận kế toán thủ quỹ nên các hoạt động tại đền đảm bảo sự thuận tiện cho khách hành hương cũng như vấn đề quản lý tại đền” . Cũng theo ông Hải, đền mở cửa hàng ngày đón tiếp khách thập phương đến chiêm bái, hành lễ. Ngoài ra, đền cũng cho phép khách thực hiện các hoạt động thực hành tín ngưỡng khác, nhưng đối với các hoạt động này thì phải có sự đăng ký để Ban Quản lý đền sắp xếp sao cho hiệu quả nhất. Không chỉ vậy, diện tích rộng rãi, tổ chức quy củ, đền Rừng còn là địa điểm thường xuyên diễn ra các hoạt động văn hóa tín ngưỡng, gần đây nhất là Hoạt động Giao lưu Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu do Hội Di sản Văn hóa Thăng Long tổ chức.

leftcenterrightdel
Tôn tượng Mẫu Đông Cuông được đặt trong Cung Sơn Trang tại Đền Rừng. 

Với nỗi lực của địa phương cũng như sự đóng góp của du khách thập phương, đền Rừng ngày càng khang trang nhưng vẫn giữ được sự linh thiêng và đậm nét văn hóa. Các quy định của đền cũng hết sức nghiêm ngặt, quy định rõ về nếp sống văn hóa, văn minh và đặc biệt là quy định về lễ nghi đối với các thanh đồng về làm lễ phải đúng lễ nghi, không lãng phí, không được mượn các giá đồng để trục lợi, lợi dụng niềm tin của người dân để truyền bá mê tín dị đoan.

Bài, ảnh: ĐỨC AN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.