NSƯT Tiến Hợi tên thật là Nguyễn Văn Hợi, sinh năm 1959 (quê cha ở Nghệ An, quê mẹ ở Hà Nội), công tác tại Đoàn 2, Nhà hát Kịch Hà Nội từ năm 1988 đến nay. Lần đầu tiên diễn viên Tiến Hợi được vinh dự thể hiện hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh là năm 1987, trong vở kịch “Đêm trắng” của Đoàn nghệ thuật Quân khu 2 (tác giả: Lưu Quang Hà; đạo diễn: Nghệ sĩ Nhân dân Doãn Hoàng Giang).

Nghệ sĩ Tiến Hợi từng chia sẻ: Ban đầu, khi được giao thể hiện hình tượng Bác Hồ-vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam-trong vở “Đêm trắng”, ông rất lo lắng và áp lực. Nghệ sĩ Tiến Hợi đã đề xuất với lãnh đạo đoàn cho ông được xem một loạt phim tư liệu về Bác. Ông đến Đài Tiếng nói Việt Nam và các trung tâm lưu trữ để tìm băng tư liệu ghi lại các cuộc gặp gỡ, nói chuyện của Bác Hồ với đồng bào để nghe lại. Trong hai tháng trời tập vở, ngày nghệ sĩ lên sàn tập, chiều mở băng, đĩa tư liệu về Bác ra xem, tối về mở băng tiếng ra nghe. Buổi duyệt đầu tiên vở “Đêm trắng” ở Nhà hát Lớn Hà Nội có nhiều đồng chí lãnh đạo và quan khách tới dự. Đại tướng Võ Nguyên Giáp và ông Vũ Kỳ (thư ký riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh) đều cảm động và khen ngợi diễn viên Tiến Hợi “còn trẻ mà đóng vai Bác Hồ đạt như vậy”. Tác phẩm sau đó được diễn ở nhiều vùng, miền trên cả nước với hơn 300 buổi.

Nghệ sĩ Ưu tú Tiến Hợi. Ảnh do gia đình cung cấp 

Năm 1989, nghệ sĩ Tiến Hợi được mời đóng vai Nguyễn Tất Thành trong phim “Hẹn gặp lại Sài Gòn”. Đây cũng là lần đầu tiên nghệ sĩ Tiến Hợi đóng phim. Hiểu diễn xuất trong điện ảnh phải đời thường, dung dị, gần gũi... nên nghệ sĩ dành nhiều thời gian nghiên cứu về Bác hơn. Ông vào Huế, đến nhà các cụ già từng được gặp, tiếp xúc với Bác để tìm hiểu về cuộc sống của chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành thời đó. 

Bộ phim điện ảnh thứ hai nghệ sĩ Tiến Hợi tham gia là “Hà Nội mùa đông năm 46”, thể hiện vai Chủ tịch Hồ Chí Minh khi 56 tuổi-một trong những tác phẩm nổi bật của điện ảnh cách mạng nước nhà khi làm phim về Bác Hồ. Sau đó, NSƯT Tiến Hợi tham gia các tác phẩm truyền hình, điện ảnh, gồm: “Hoa ban trắng”, “Hoa ban đỏ”, “Dãy bàn 4 người”, “Cảnh sát hình sự”, “Người phán xử”, “Bi kịch chưa đặt tên”... và các vở kịch như: “Xin lĩnh án tử hình”, “Vùng lạnh”, “Vòng đời”, “Vị thánh trong mơ”, “Những người con Hà Nội”... NSƯT Tiến Hợi từng tâm sự, với tấm lòng tôn kính Bác Hồ, trong mọi tác phẩm (sân khấu, điện ảnh, truyền hình và phát thanh), ông đều cố gắng nuôi dưỡng cảm xúc mỗi lần hóa thân vào hình tượng Bác. Dù xuất hiện với hình tượng Bác Hồ lúc trẻ hay già, ông đều nghiên cứu kỹ và tìm tòi những nét riêng, chi tiết riêng bổ sung cho vai diễn chứ không lặp lại.

Một điều thú vị và góp phần cho những thành công trong cuộc đời làm nghệ thuật của nghệ sĩ Tiến Hợi là vợ ông-nghệ sĩ Vương Đạm Thủy-cũng chính là người thường xuyên hóa trang cho ông trong các vai Bác Hồ. Bà Đạm Thủy từng là diễn viên Đoàn nghệ thuật Quân khu 2, được cử đi học hóa trang và sau đó luôn đi theo hóa trang cho nghệ sĩ Tiến Hợi.

35 năm kể từ lần đầu được hóa thân vào vai Bác Hồ kính yêu, đến nay, NSƯT Tiến Hợi vẫn được đánh giá là diễn viên thể hiện vai Bác Hồ xuất sắc nhất trên cả hai lĩnh vực sân khấu và điện ảnh. Năm 2013, sách “Kỷ lục Guinness” Việt Nam công nhận “Tiến Hợi là nghệ sĩ thể hiện thành công vai Bác Hồ qua nhiều thể loại nhất”. NSƯT Tiến Hợi từng đoạt huy chương vàng Hội diễn sân khấu toàn quốc năm 1992 vở “Xin lĩnh án tử hình” vai Chủ tịch Hồ Chí Minh; huy chương bạc vở “Vùng lạnh” tại Liên hoan sân khấu toàn quốc năm 2018 vai ông Sinh...

CHÂU XUYÊN