Không chỉ là một "cánh chim đầu đàn" của điện ảnh cách mạng Việt Nam, đạo diễn, NSND Bùi Đình Hạc còn mang về giải vàng quốc tế đầu tiên cho ngành điện ảnh Việt Nam, cũng là giải vàng quốc tế đầu tiên của nền văn học, nghệ thuật nước nhà. Ông được mến tặng nhiều cái danh như: “Cây đại thụ”, “cánh chim đầu đàn” của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam. Nhưng tôi thích cái danh “người khai mở” hơn bởi có lẽ đó mới chính là con người ông. Ông khai mở con đường của điện ảnh Việt Nam đến với điện ảnh thế giới. Ông đưa dòng phim chính luận nghệ thuật lên một tầm cao mới.

leftcenterrightdel

Đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Bùi Đình Hạc. Ảnh do gia đình nhân vật cung cấp 

Sinh năm 1934 tại xã Hiền Quan, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ, 15 tuổi, Bùi Đình Hạc đã đi theo cách mạng. Tháng 11-1953, chưa đầy 20 tuổi, ông được phân công công tác trong ngành điện ảnh vừa được khai sinh tại đồi Cọ, ATK Định Hóa, Thái Nguyên. Như định mệnh, Bùi Đình Hạc được cử đi cùng đạo diễn Roman Karmen (điện ảnh Liên Xô trước đây) làm bộ phim tài liệu “Việt Nam trên đường thắng lợi” (1954). Có lẽ, đây là một dấu ấn đậm nét đối với Bùi Đình Hạc, để sau này ông miệt mài thành công với nhiều bộ phim tài liệu chính luận nghệ thuật.

Thành công đến với đạo diễn Bùi Đình Hạc rất sớm. Năm 1959, khi vừa tròn 25 tuổi, bộ phim tài liệu “Nước về Bắc Hưng Hải” do ông làm biên kịch và đạo diễn đã gây tiếng vang lớn tại Liên hoan phim quốc tế Moscow. Bộ phim đã giành Giải Vàng cho Phim tài liệu xuất sắc nhất. Theo đánh giá của Ban giám khảo liên hoan phim, "Nước về Bắc Hưng Hải” có sắc thái dân tộc rõ nét, phản ánh lao động anh dũng của hàng vạn nhân dân Việt Nam đang ra sức làm đổi thay cho đất nước. “Nước về Bắc Hưng Hải” không chỉ là giải thưởng quốc tế đầu tiên của điện ảnh Việt mà còn là một dấu ấn của ngành nghệ thuật non trẻ nước nhà. Từ đây, thế giới bắt đầu biết đến điện ảnh Việt Nam.

Trong suốt hành trình điện ảnh của đạo diễn, NSND Bùi Đình Hạc, có hai nhân vật mang dấu ấn đậm nét. Đó là người công nhân yêu nước Nguyễn Văn Trỗi và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày 15-10-1964, Nguyễn Văn Trỗi bị chính quyền Việt Nam cộng hòa xử bắn. Đây là một trong những hình tượng tiêu biểu về người chiến sĩ cách mạng Việt Nam thời bấy giờ, đã gây xúc động cho rất nhiều người. Chỉ ít ngày sau, bộ phim tài liệu "Anh Nguyễn Văn Trỗi sống mãi" của ông bắt đầu khởi quay. Khi được công chiếu, bộ phim đã tạo nên hiệu ứng vô cùng mạnh mẽ. "Anh Nguyễn Văn Trỗi sống mãi" đã giành được Giải Bạc tại Liên hoan phim quốc tế Moscow năm 1965. Tuy đã rất thành công với hình tượng Nguyễn Văn Trỗi nhưng đạo diễn Bùi Đình Hạc vẫn cảm thấy không đủ thỏa mãn với phim tài liệu khi thể loại này bị giới hạn bởi nhiều mặt, không thể thể hiện ra nội tâm nhân vật như ông mong muốn. Vì vậy, ông quyết định tiếp tục bắt tay vào làm một bộ phim điện ảnh về cùng đề tài. Kết quả, bộ phim “Nguyễn Văn Trỗi” ra đời ngay sau đó một năm. Sau khi công chiếu vào năm 1966, bộ phim đã nhận được Bằng khen tại Liên hoan phim quốc tế Moscow lần thứ 5. Cả hai bộ phim về Nguyễn Văn Trỗi do Bùi Đình Hạc đạo diễn đều giành được Bông sen Vàng dành cho thể loại phim tương ứng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 1 diễn ra vào năm 1970.

Có thể coi Chủ tịch Hồ Chí Minh là đề tài tâm huyết nhất của đạo diễn, NSND Bùi Đình Hạc. Ông đã thực hiện tổng cộng 3 bộ phim về Bác Hồ, gồm: "Nguyễn Ái Quốc đến với Lênin", "Đường về Tổ quốc" và "Hồ Chí Minh-chân dung một con người". Trong đó, phim tài liệu "Nguyễn Ái Quốc đến với Lênin" và "Đường về Tổ quốc" cùng được Giải Bông sen Vàng đặc biệt tại Liên hoan phim Việt Nam năm 1980. Phim tài liệu "Hồ Chí Minh-chân dung một con người" được Giải Bông sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam năm 1990.

Trên hành trình điện ảnh, đạo diễn, NSND Bùi Đình Hạc vừa làm phim tài liệu vừa làm phim truyện và đều thành công. Ông trở thành nghệ sĩ đã lập thành tích đặc biệt xuất sắc khi cùng lúc nhận giải thưởng cao nhất của Liên hoan phim quốc gia dành cho phim tài liệu và phim truyện tại hai kỳ liên tiếp (2 Bông sen Vàng năm 1970 và 2 Bông sen Vàng năm 1973). NSND Bùi Đình Hạc đã để lại các tác phẩm điện ảnh phản ánh trung thực những chặng đường của lịch sử dân tộc. Những giá trị nội dung, tư tưởng và nghệ thuật xuất sắc trong các tác phẩm điện ảnh đầy tính hiện thực của ông đã góp phần tạo nền tảng cho điện ảnh cách mạng Việt Nam phát triển vững chắc, đồng hành với lịch sử đấu tranh vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

HUY ĐĂNG