QĐND Online – Trong không khí toàn quân và toàn dân đang tổ chức nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 25 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, chúng tôi đã tìm gặp đạo diễn, Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Bùi Đình Hạc, nguyên Cục trưởng Cục điện ảnh Việt Nam. Vào những ngày này, trong lòng người nghệ sĩ đã ở vào tuổi “thất thập cổ lai hy” lại bồi hồi cảm xúc nhớ lại những năm tháng làm phim về chủ đề Bộ đội Cụ Hồ năm xưa.
Trong sự nghiệp đạo diễn phim của mình, NSND Bùi Đình Hạc đã thực hiện nhiều bộ phim về đề tài người lính, trong đó phải kể đến 3 bộ phim truyện: “Đường về quê mẹ”, “Nguyễn Văn Trỗi” và “Hà Nội 12 ngày đêm”, được khán trong và ngoài nước đón nhận. Mỗi bộ phim là một câu chuyện, sắc thái, cảm xúc khác nhau, nhưng đều toát lên khí phách anh hùng, trí tuệ và lòng quả cảm của người lính Cụ Hồ, tình đoàn kết sắt son của quân và dân Việt Nam trong thời chiến. Các tác phẩm của ông được đánh giá cao bởi tính chân thực lịch sử, nhưng cũng đầy cảm xúc.
 |
NSND Bùi Đình Hạc kể lại những ngày làm phim về chủ đề Bộ đội Cụ Hồ năm xưa. |
“Đường về quê mẹ” – Bài ca của lòng dũng cảm và đức hy sinh
Tác phẩm đầu tiên là bộ phim “Đường về quê mẹ”, ngợi ca lòng dũng cảm, đức hy sinh của bà mẹ của Núi và các chiến sĩ công binh qua hình tượng Núi, Dư và Ly trong chiến dịch giải phóng làng Vân khỏi ách kìm kẹp của Mỹ. Câu chuyện cảm động, đầy tình tiết gay cấn, hấp dẫn vừa có tính anh hùng ca lại đầy nét trữ tình và tính chân thật sâu sắc. Bộ phim là sự khát khao mãnh liệt của những người lính công binh chiến đấu vì sự hòa bình của một vùng quê, dù trong bất kỳ tình huống khó khăn nào cũng phải hoàn thành con đường bí mật xuyên qua rừng, vượt qua bãi lầy để tạo điều kiện thuận lợi cho bộ binh, pháo binh, xe tăng phối hợp chiến đấu giành thắng lợi quyết định, giải phóng làng Vân.
Các tác giả làm phim đã mang đến những mẫu người anh hùng cách mạng, những người đang thực hiện sứ mệnh lịch sử cao cả sẵn sàng hy sinh để bảo vệ con đường giải phóng quê hương, với tất cả những suy nghĩ về lẽ sống, những tình cảm và hành động quyết liệt của họ.
 |
“Đường về quê mẹ” – Bài ca của lòng dũng cảm và đức hy sinh.
|
Hàng trăm tấn bom đạn đã dội xuống trận địa của những người lính công binh. Và cảm động bao nhiêu khi sau một trận bom, từ trận địa vắng lặng, ngập ngụa khói bom, họ vẫn sống. “Mưa bom bão đạn” bất lực trước lòng dũng cảm của họ.
Ở mỗi người, các tác giả đã cố gắng xây dựng nên những cá tính khác biệt. Đặc biệt bà mẹ của Núi mang nhiều nét đẹp đẽ của bà mẹ Việt Nam hết lòng thương yêu con nhưng sẵn sàng cho con đi theo Giải phóng. Và khi cần thiết, mẹ đã không tiếc bản thân mình chịu cho giặc Mỹ bắt để bảo vệ con đường. Bộ phim đã phản ánh được một cạnh khía của hiện thực cách mạng phong phú ở miền Nam để nói lên một số vấn đề thời đại từ thực tế cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước như: Chủ nghĩa anh hùng cách mạng sẵn sàng xả thân vì nước; tác dụng quyết định của đường lối chiến tranh nhân dân; truyền thống anh hùng của quân đội ta: Lấy ít thắng nhiều, một người cũng đánh... và chiến thắng nhất định sẽ về ta.
Với tất cả sự chân thực, sống động và ý nghĩa lớn lao, bộ phim “Đường về quê mẹ” đã đem lại cho tác giả giải nhất chuyên đề về các nước Á – Phi – Mỹ la tinh của Ban giám khảo Liên hoan phim Quốc tế Karlovy Vary (Tiệp Khắc) năm 1972; giải nhất phim Quốc tế tại New Delli (Ấn Độ) năm 1973 và giành giải Bông sen vàng tại LHP Việt Nam lần thứ II năm 1973. Giải biên kịch xuất sắc: Bành Châu, Bùi Đình Hạc; giải đạo diễn xuất sắc: Bùi Đình Hạc; giải diễn viên xuất sắc cũng được trao cho các nghệ sĩ: Trúc Quỳnh, Lâm Tới, Thế Anh.
“Nguyễn Văn Trỗi” - “Có cái chết hóa thành bất tử”
Ngày 15-10-1964, phản bội lời hứa với quân du kích Vê-nê-zuê-la, chính quyền Mỹ và Sài Gòn đã ra lệnh thi hành án tử hình người công nhân yêu nước Nguyễn Văn Trỗi. Tấm gương hy sinh dũng cảm của anh đã làm xúc động hàng triệu đồng bào trong nước và bạn bè trên toàn thế giới. Khắp mọi nơi đã dấy lên phong trào học tập, lao động, chiến đấu… theo tấm gương của người anh hùng trẻ tuổi.
Bộ phim tài liệu “Anh Nguyễn Văn Trỗi sống mãi” được NSND Bùi Đình Hạc thực hiện trong hoàn cảnh như vậy. Bộ phim không chỉ ca ngợi tấm gương cao cả và khí phách hiên ngang của người chiến sĩ biệt động Sài Gòn mà còn muốn mang đến cho người xem không khí sôi nổi, hừng hực của đồng bào cả nước, biến đau thương thành sức mạnh, quyết trả thù cho anh Trỗi, đánh thắng quân Mỹ xâm lược. Với những thước phim ít ỏi về những giây phút cuối cùng của anh Trỗi ở pháp trường do một nhà quay phim nước ngoài tặng cùng với những cảnh quay ở miền Bắc và của điện ảnh Quân Giải phóng thực hiện, bộ phim đã tạo nên một chân dung người thợ điện Nguyễn Văn Trỗi gần gũi, thân thiết với tư thế ung dung, lẫm liệt trước pháp trường, và khí phách hiên ngang trước quân thù, khiến cho hàng triệu con người xúc động và cảm phục.
 |
Một cảnh trong phim "Nguyễn Văn Trỗi" |
Mặc dù bộ phim tài liệu đã được công nhận và đánh giá cao bởi khán giả trong và ngoài nước, nhưng người đạo diễn gạo cội này vẫn trăn trở một điều rằng: “Nguyễn Văn Trỗi sống mãi” chỉ mới đạt được tính chân thực chứ chưa thể hiện hết được tính cách và chiều sâu tâm lý của người anh hùng này. Cũng chính vì thế NSND Bùi Đình Hạc và các cộng sự đã bắt tay vào làm bộ phim truyện “Nguyễn Văn Trỗi”, xây dựng hình tượng anh Trỗi như một hình tượng điển hình nghệ thuật. Thể loại phim này cho phép ông được tưởng tượng, tái dựng và bù đắp thêm những khoảng trống mà phim tài liệu không cho phép.
Khi tác phẩm “Sống như Anh” do chị Phan Thị Quyên (vợ Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi) kể lại và Trần Đình Vân ghi, xuất hiện trên miền Bắc, nhóm tác giả đã dựa trên tác phẩm này để viết thành kịch bản phim.
Đạo diễn Bùi Đình Hạc đã lấy mối tình đằm thắm yêu thương của đôi vợ chồng người công nhân yêu nước Nguyễn Văn Trỗi và Phan Thị Quyên trong mối quan hệ với đồng chí, đồng bào làm sợi chỉ dẫn dắt câu chuyện từ đầu đến cuối. Đó là từ tình yêu đôi lứa phát triển lên thành tình yêu đất nước. Cùng với đoàn làm phim, Bùi Đình Hạc đã đi khắp mọi nơi, gặp rất nhiều người để rồi cuối cùng, qua bao nhiêu khó khăn, vất vả, đã chọn được hai nhân vật không chuyên là các diễn viên múa Quang Tùng (vào vai Nguyễn Văn Trỗi) và Thu Hiền (Phan Thị Quyên). Cả 2 người bén duyên với điện ảnh kể từ đó.
So với tác phẩm văn học gốc, bộ phim Nguyễn Văn Trỗi đã có những thay đổi đáng kể. Bộ phim dài 1 tiếng 40 phút tập trung vào quãng đời tiêu biểu nhất của người anh hùng Nguyễn Văn Trỗi kể từ khi anh nhận nhiệm vụ đi gài mìn trên cầu Công Lý để ám sát Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara đến khi anh hy sinh anh dũng trước họng súng quân thù. Bộ phim cô đọng, súc tích, vừa mang chất anh hùng ca, vừa mang tính trữ tình đã tạo được ấn tượng mạnh cho người xem.
Tính chất anh hùng ca của anh Trỗi với đất nước và cái chất tình ca của anh Trỗi với người vợ mới cưới của mình quyện vào nhau, khiến người xem xúc động. Xúc động hơn hết là hình ảnh anh Trỗi bình thản, hiên ngang đi ra pháp trường. Tiếng hô đanh thép của người anh hùng: "Việt Nam muôn năm! Hồ Chí Minh muôn năm!" dõng dạc vang lên đã tạo nên sự cộng hưởng lớn của toàn thể nhân dân trong cả nước.
Nhà thơ Tố Hữu đã viết:
“Có những phút làm nên lịch sử.
Có cái chết hóa thành bất tử.
Có những lời hơn mọi bài ca.
Có con người như chân lý sinh ra”.
Người thanh niên yêu nước trẻ tuổi Nguyễn Văn Trỗi là một tấm gương sáng cho hàng triệu trái tim người yêu nước Việt Nam và bạn bè trên thế giới yêu chuộng hòa bình, bênh vực công lý. Sự hy sinh của anh đã khơi dậy ở lớp thanh niên ngày ấy ý chí chiến đấu gan dạ hơn, sôi sục hơn.
“Hà Nội 12 ngày đêm” – Bản anh hùng ca
Bộ phim truyện “Hà Nội 12 ngày đêm” do NSND Bùi Đình Hạc làm đạo diễn được đánh giá là một bộ phim đầy ắp chân dung những con người bình dị nhưng hết sức kiên cường, quyết tâm sống chết với thủ đô thân yêu trong những thời khắc lịch sử hào hùng. Bộ phim được thể hiện rất công phu với mục đích tái hiện trận Điện Biên Phủ trên không - một cuộc chiến đấu ác liệt của nhân dân Hà Nội chống lại cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B-52 của đế quốc Mỹ vào cuối tháng 12 năm 1972, buộc Chính phủ Hoa Kỳ phải ký Hiệp định Paris, đưa lại hòa bình ở Việt Nam.
Ông kể, ngay từ những ngày ác liệt của chiến tranh, khi chứng kiến cảnh phố Khâm Thiên bị bom B-52 tàn phá, khi nhìn những đoàn xe tải chở những chiếc quan tài đến để chôn cất nạn nhân, ông vô cùng xúc động và ngay từ khi đó đã mong muốn sẽ làm một bộ phim về trận chiến kinh hoàng này.
Phim truyện “Hà Nội 12 ngày đêm” là một bộ phim truyện đa tuyến, nhiều nhân vật. Mỗi nhân vật có một câu chuyện riêng với tính cách và số phận riêng. Các tuyến nhân vật này đan xen với nhau, quan hệ với nhau để nói lên quy mô lớn lao và ác liệt của trận đánh chống trả máy bay B-52 vào tháng 12 năm 1972 của quân và dân ta.
Bộ phim có nhiều đại cảnh hoành tráng như cảnh hàng trăm người dân đốt đuốc dẫn đường cho máy bay của chúng ta cất cánh. NSND Bùi Đình Hạc cho biết: “Bối cảnh quan trọng nhất, song khó khăn nhất đó là bối cảnh khu phố Khâm Thiên tan nát sau khi B52 hủy diệt.”
 |
NSND Bùi Đình Hạc và ông Tadao Sato, Chủ tịch LHP, Chủ tịch Viện Hàn lâm Điện ảnh Nhật Bản tại Liên hoan phim Quốc tế Fukuoka. |
NSND Bùi Đình Hạc chia sẻ thêm: “Phải nói rằng đây là phim của chính các chiến sĩ Quân đội nhân dân ta vì tất cả những cảnh quay đoàn xe tên lửa trùng điệp ra trận, những cảnh tên lửa bắn ban đêm nổ tung B52, những cảnh máy bay Mig 21 xuất kích, những cảnh chiến đấu quyết liệt của các lực lượng tên lửa, pháo cao xạ và các lực lượng không quân đều là của Quân chủng Phòng không- Không quân. Trừ các nhân vật chính do các diễn viên chuyên nghiệp đóng còn lại tất cả các diễn viên quần chúng tham gia các cảnh chiến đấu đều là các chiến sĩ của Quân chủng Phòng không -Không quân.”
“Hà Nội 12 ngày đêm” là một bộ phim có giá trị về lịch sử và nghệ thuật, đánh dấu một mốc mới trong kỹ thuật làm phim ở nước ta khi lần đầu tiên sử dụng kỹ xảo vi tính (CGI) và công nghệ âm thanh vòng (surround sound) hiện đại của nước ngoài để miêu tả những cảnh chiến đấu ác liệt trên không.
“Những cảnh quay này phải sử dụng kỹ xảo vi tính chứ không có cách nào khác được. Tuy nhiên, sử dụng kỹ xảo vi tính nhiều thì sẽ tạo cảm giác hình ảnh giả, nên đoàn đã chọn lọc những cảnh thật cần thiết thì mới sử dụng kỹ xảo. Để đạt được tính chân thực lịch sử thì nhất định phải có sự phối hợp giữa những cảnh quay kỹ xảo và những cảnh quay thực, mới gây được xúc động cho khán giả,” NSND Bùi Đình Hạc nói thêm.
Bộ phim được đánh giá cao trong nước, được tặng giải Bông Sen Bạc tại LHP Việt Nam, và đã được nhiều LHP Quốc tế uy tín chọn mời tham dự: LHP Fukuoka, 2003 (Nhật Bản); Cairo, 2003 (Ai Cập); Locarno, 2004 (Thuỵ Sĩ); Fajr, 2004 (Iran); Vesoul, 2005 (Pháp); Bình Nhưỡng, 2004 (Triều Tiên); La Laguna Tenerife, 2005 ( Tây Ban Nha)… Tại Liên hoan phim Quốc tế Fukuoka, ông Tadao Sato, Chủ tịch LHP, Chủ tịch Viện Hàn lâm Điện ảnh Nhật Bản phát biểu: “Hà Nội 12 ngày đêm là một bộ phim hay, một bộ phim trí tuệ. Trong mỗi trường đoạn chiến tranh diễn ra rất ác liệt. Nhưng người xem vẫn thấy người Việt Nam để hoà bình lên trên chiến tranh, để tình hữu nghị giữa các dân tộc trên sự hằn thù giữa các dân tộc.”
Tại liên hoan phim Quốc tế Cairo, Ai Cập năm 2003, một nhà đạo diễn Ai Cập sau khi xem bộ phim đã nhận xét: “Bộ phim rất hay, rất lôi cuốn và xúc động. Từ lâu tôi đã biết Việt Nam đã đánh thắng cuộc xâm lược của Mỹ để giành lấy độc lập, tự do và thống nhất đất nước nhưng tôi vẫn cứ băn khoăn là quân đội Mỹ mạnh mẽ như vậy, vũ khí Mỹ hiện đại như vậy thì làm sao mà người Việt Nam đánh thắng được Mỹ? Hôm nay được xem bộ phim Hà Nội-12 ngày đêm của Việt Nam tôi đã hiểu Việt Nam đã đánh thắng Mỹ như thế. Bộ phim gây xúc động lớn cho tôi".
Nói về kinh nghiệm làm phim, Bùi Đình Hạc cho rằng, tìm ra phong cách nghệ thuật độc đáo cho mỗi bộ phim là vấn đề rất quan trọng. Người làm phim phải tránh lặp lại người khác và lặp lại chính mình. Chỉ có sự sáng tạo không ngừng mới có thể đem đến những điều mới lạ cho công chúng. Ông chia sẻ: “Phim phải xây dựng được hình tượng nghệ thuật, phải tạo được rung động cho khán giả”.
Với những cống hiến không biết mệt mỏi và sự khát khao cháy bỏng làm phim về đề tài người lính, những bộ phim của NSND Bùi Đình Hạc đã, đang và sẽ là sợi dây kết nối tình đoàn kết, giúp cho khán giả khắp nơi trên thế giới hiểu hơn về cuộc chiến tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, về sức mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đó cũng là những món quà ý nghĩa nhất gửi tặng những người lính Cụ Hồ suốt đời chiến đấu vì độc lập, tự do cho dân tộc.
Bài, ảnh: HOÀI TRẦN - TƯỜNG VY