Trong thời gian qua, sự nghiệp TDTT đã có những bước phát triển mạnh mẽ, từng bước đáp ứng được nhu cầu luyện tập thể thao của đông đảo người dân. Bên cạnh đó, thể thao thành tích cao cũng giành được nhiều thành tích vang dội ở đấu trường quốc tế. Tuy nhiên, xã hội hóa thể thao vẫn còn không ít những khó khăn, khúc mắc.
Tập luyện đối phó
Xét trên bình diện xã hội, việc luyện tập thể thao của người dân không mấy khó khăn. Người cao tuổi thường theo tập dưỡng sinh. Công nhân, viên chức có thể chơi quần vợt, bóng bàn, cầu lông, bóng đá… tuỳ thuộc vào thu nhập cá nhân lẫn thời gian biểu sinh hoạt. Tuy nhiên, giáo dục thể chất trong nhà trường, nơi góp phần ươm mầm những tài năng trẻ cho thể thao nước nhà xem ra còn nhiều chuyện phải bàn. Học sinh bậc THCS, PTTH thường được học điền kinh, nhảy xa. Trường nào có điều kiện thì học sinh được chơi cầu lông, cờ vua, đá cầu trong nhà thi đấu. Lên đến bậc đại học được học thêm về bóng rổ, bơi lội, khiêu vũ… Tuy nhiên, không phải những môn thể thao trên, học sinh, sinh viên nào cũng thích (về nội dung, số lượng giờ học lẫn cách thức thực hành).
Thế nên, khi một số trường đại học ở TP Hồ Chí Minh như Trường đại học Kinh tế, đại học Sư Phạm, đại học cao đẳng Cao Thắng… mạnh dạn bỏ bớt giờ học ở môn điền kinh, thay vào đó bằng những môn thể thao khác như bơi lội, tếc-cun-đô, bóng chuyền… đã gây được sự hứng khởi trong sinh viên. Điều này cho thấy chương trình giảng dạy thể dục của Bộ Giáo dục-Đào tạo trong thời gian qua đã không bám sát thực tế. Còn học sinh, sinh viên lẫn đội ngũ giáo viên nếu có học, thực hành theo sát chương trình thì cũng chỉ mang tính đối phó, học cốt lấy chứng chỉ.
Mời gọi tài trợ, vời đón Mạnh thường quân
Thể thao phong trào có phát triển sâu rộng, mạnh mẽ mới tạo nền tảng con người, tinh thần và vật chất cho sự phát triển thể thao thành tích cao. Đối với thể thao thành tích cao, để tồn tại không thể thiếu người hâm mộ và nhà tài trợ. Tuy nhiên, lâu nay, việc tuyên truyền, vận động, tìm kiếm tài trợ vẫn là điểm yếu của thể thao nước nhà, từ cấp bộ môn cho đến Sở TDTT, Liên đoàn… Thế nên, mới xảy ra chuyện có những giải đấu tầm cỡ thế giới được tổ chức ở Việt Nam, suýt đổ vỡ vào phút chót do không tìm được nhà tài trợ hoặc nhà tài trợ rút lui bất ngờ trước khi giải đấu diễn ra. Ban tổ chức phải chạy đôn chạy đáo, kêu gọi sự hảo tâm giúp đỡ của các doanh nghiệp và cũng có khi phải tự bỏ tiền túi ra tổ chức giải.
Tuy nhiên, cũng có những Liên đoàn đã khá thành công trong việc tìm nhà tài trợ như Liên đoàn xe đạp hay Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF). Tuy đang trải qua giai đoạn khó khăn nhưng VFF cũng mời được Petro Việt Nam tài trợ cho giải V-League 2007 với số tiền lên đến 12 tỷ đồng. Thực ra, những thông tin bên lề cho thấy có đối tác nước ngoài sẵn sàng bỏ ra khoản tiền lớn hơn để tài trợ cho giải V-League. Tuy không đi đến thoả thuận nhưng có thể thấy, VFF và giải V-League đã dần lấy lại được hình ảnh “trong sạch” dưới con mắt của nhà tài trợ và CĐV.
Hướng vào những môn trọng điểm
Ngày 21-12-2006, Văn phòng Chủ tịch nước đã công bố Luật TDTT được Quốc hội thông qua vào ngày 29-11-2006. Luật TDTT gồm 9 chương và 79 điều, có hiệu lực từ ngày 1-7-2007 và Pháp lệnh TDTT sẽ hết hiệu lực từ ngày Luật mới có hiệu lực. Sự kiện này đánh dấu một bước tiến quan trọng của thể thao nước nhà, phù hợp với xu thế phát triển và hội nhập của đất nước. Nhưng để thể thao nước nhà thực sự gây được tiếng vang trên trường quốc tế, ngành thể thao nên chăng tạo điều kiện và hướng quần chúng tham gia luyện tập, cổ vũ và đóng góp nhiều hơn nữa ở những môn thể thao nằm trong chương trình thi đấu Ô-lim-píc như bóng bàn, cầu lông, quần vợt, bơi lội, điền kinh, tếc-cun-đô…
Ở những giải vô địch thế giới, châu Á, SEA Games, các VĐV Việt Nam giành được rất nhiều HCV từ môn Pen-cát Xi-lát, cầu mây, cầu chinh, lặn, u-su… nhưng tiếc thay, những môn này lại không nằm trong hệ thống thi đấu tại Thế vận hội, đấu trường tranh tài đỉnh cao nhất của VĐV và cũng là nơi đo sức mạnh của một nền thể thao (và phần nào thể hiện sức mạnh kinh tế-chính trị của quốc gia), qua vị trí trên bảng xếp hạng.
Muốn hiện thực hoá sức mạnh của thể thao nước nhà trên trường quốc tế, chúng ta cần phải có hướng đi cụ thể với sự đầu tư trọng điểm các đội tuyển mũi nhọn đồng thời với việc đẩy mạnh xã hội hóa thể thao phát triển đồng đều các bộ môn khác.
Thực tế đã cho thấy có khá nhiều trường hợp, điển hình là Billiards và Snooker, thể hình, từ những sân chơi “phong trào” ít có sự đầu tư của Nhà nước nhưng đã sản sinh ra những nhà vô địch trên các đấu trường khu vực và thế giới.
ĐÌNH HÙNG