Nhiều nhà tâm lý học đã cho rằng, sự hình thành nhân cách con người từ giáo dục gia đình là những dấu ấn kiến thức đầu tiên không dễ phai mờ đối với con người. Những bài học cơ bản mà mỗi người tiếp thu được trong gia đình sẽ giống như những vết mực đầu tiên trên trang vở trắng, tạo thành những nguyên tắc sống cho một nhân cách trong suốt cuộc đời họ.

Trong giai đoạn đầu của lịch sử nhân loại, gia đình đã là đơn vị đầu tiên và duy nhất đảm nhiệm vai trò của giáo dục. Ông bà, cha mẹ chính là người thầy của trẻ cả về nghĩa đen và nghĩa bóng. Có thể nói, gia giáo là bước đầu tiên của quá trình xã hội hóa giáo dục trong xã hội. Bắt đầu từ nền tảng của gia giáo mà các thiết chế giáo dục đã hình thành và phát triển trong xã hội, tạo thành muôn vàn những nguyên tắc và phương thức giáo dục phức tạp như ngày nay. Đối với hầu hết các bậc cha mẹ trên thế giới, việc nuôi dạy con cái vẫn được xem không chỉ là một trong những niềm vui lớn nhất, mà còn là một trách nhiệm trong cuộc sống. Việc thiếu trách nhiệm trong giáo dục con cái trong gia đình có thể được xem là nguyên nhân cơ bản nhất khiến chúng hư hỏng. 

leftcenterrightdel
Một gia đình trẻ vui chơi cuối tuần tại Công viên Thiên đường Bảo Sơn, Hà Nội (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021). Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Trong xã hội Việt Nam truyền thống, chức năng chăm sóc, giáo dục trẻ em trước hết và bao giờ cũng thuộc về gia đình. Gia đình là trung tâm của việc chăm sóc, giáo dục trẻ em. Trẻ em hư hỏng, vi phạm pháp luật và đạo đức, cha mẹ đều phải chịu trách nhiệm. Từ gia đình và xoay quanh gia đình là họ tộc và cộng đồng, người Việt Nam đã tạo nên một cơ chế chung chăm sóc, dạy dỗ, bồi dưỡng những định hướng cuộc sống lành mạnh, tốt đẹp cho trẻ em. Ngay cả những nơi dạy học nổi tiếng của các thầy đồ, mô hình giáo dục cũng vẫn mang tính chất của giáo dục gia đình.

Giáo dục trong gia đình xưa, trước hết mang những nội dung truyền thống tốt đẹp của cha ông trong việc xử lý các mối quan hệ xã hội. Bên cạnh học văn hóa, chữ nghĩa thì những giá trị đạo đức truyền thống như lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, cần cù sáng tạo, sự ngoan ngoãn, hiếu thảo vẫn luôn được đề cao... Người xưa cũng cho rằng hiệu quả giáo dục gia đình không chỉ đơn thuần nằm ở nội dung giáo dục, thái độ của người tiếp thu mà còn phụ thuộc vào phương pháp giáo dục. Trên thực tế, các phương pháp giáo dục trong gia đình Việt Nam ngày xưa rất được quan tâm, lúc nghiêm khắc, lúc mềm mỏng, tạo môi trường giáo dục thuận lợi để phát triển những định hướng tốt đẹp, ngăn chặn những nhận thức và hành vi sai lệch... Tất cả tạo nên những chuẩn mực truyền thống trong văn hóa giáo dục gia đình mà ngày nay vẫn còn rất nhiều điểm có giá trị.

Trong điều kiện hiện nay, khi khá nhiều phương pháp giáo dục gia đình truyền thống không còn được coi trọng như trước, đồng thời những phương pháp mới lại chưa thật định hình, thì việc giáo dục trong gia đình ở nước ta đã có những lúng túng, vướng mắc. Nhiều gia đình, trước hiện tượng con cái hư hỏng đã quay trở về với những phương pháp cổ truyền, nghiêm khắc, khắt khe và thậm chí không ngần ngại sử dụng đòn roi với chúng. Có nhiều gia đình cho đến nay vẫn còn áp dụng những quy chuẩn chặt chẽ được gọi là “gia quy”, “gia giáo”, “gia phong” truyền thống mà nhiều khi đã xâm phạm cả quyền trẻ em.

Bên cạnh đó cũng có nhiều gia đình tiếp thu những phương pháp giáo dục cởi mở hơn với con trẻ, chỉ khuyên bảo, giải thích, thậm chí nuông chiều, chỉ cốt để con trẻ nhận thức được những điều mà họ cho là đúng đắn. Cũng có không ít gia đình, do bận bịu công việc kiếm sống đã không coi trọng việc giáo dục trong gia đình, buông lỏng con cái, ỷ lại, trông chờ vào nhà trường, cộng đồng và xã hội.

Trong bối cảnh đó, để nâng cao vai trò của giáo dục gia đình, chúng ta cần có sự nghiên cứu kế thừa sâu sắc các giá trị giáo dục gia đình truyền thống, kết hợp với những xu hướng giáo dục hiện đại, xây dựng những quy chuẩn mới cho giáo dục gia đình. Nhưng trên thực tế, không phải bao giờ sự quan tâm, đầu tư chăm lo cho việc học hành của con cái cũng tỷ lệ thuận với việc con cái học tập giỏi giang, có ý chí, ham học hỏi. Có những gia đình điều kiện kinh tế khó khăn nhưng do được giáo dục đầy đủ nên kết quả học tập của con cái vẫn rất tốt, nhưng cũng có những gia đình đủ đầy về vật chất nhưng con cái lại không muốn học, thậm chí thích chơi bời lêu lổng.

Các cụ ta ngày xưa coi việc thường xuyên gần gũi tâm sự với con cái là rất quan trọng. Nó sẽ giúp cha mẹ và con cái hiểu nhau hơn, cha mẹ dễ định hướng cho con cái, giúp chúng sửa chữa sai lầm một cách kịp thời. Tuy nhiên, việc giáo dục con cái trong gia đình chỉ đạt được hiệu quả khi chính các bậc cha mẹ cũng phải thực sự là những tấm gương sáng cho con cái học tập. Những điều tra của chúng tôi cho thấy, có khoảng 75% số người được hỏi khẳng định rằng muốn giáo dục tốt các con, bản thân các bậc cha mẹ phải gương mẫu.

Những nghiên cứu gần đây đã cho thấy vai trò của những người cao tuổi trong việc giáo dục gia đình là hết sức quan trọng. Nhiều gia đình khẳng định rằng, để tăng cường vai trò của giáo dục gia đình việc có 3 thế hệ cùng sống trong một mái nhà là một yếu tố rất thuận lợi. Các số liệu điều tra xã hội học đã chỉ ra rằng, người cao tuổi là nhóm tuổi được trẻ em trút bầu tâm sự nhiều nhất trong gia đình. Với câu hỏi "Khi mắc lỗi và nếu bị hình phạt, em đã tìm đến ai để tâm sự?". Qua khảo sát, kết quả cụ thể như sau: Ông bà 60,5%; bạn thân 58,4%; mẹ 27,6%; bố 14,2%; thầy cô 1,8% và người lớn khác là 1,4%. Như vậy, bên cạnh bạn bè thân thiết thì ông bà chính là đối tượng mà các em cảm thấy gần gũi và dễ tâm sự nhất.

Để tăng cường vai trò của giáo dục gia đình thì sự phối hợp giữa giáo dục gia đình với việc hỗ trợ của cộng đồng và nhà trường là hết sức cần thiết. Trong những năm gần đây, nhiều địa phương, cơ sở đã chủ động, sáng tạo nhiều hình thức chăm sóc, giáo dục trẻ em tại cộng đồng, phối hợp gia đình và cộng đồng trong giáo dục. Nhiều địa phương đã có các hình thức tuyên dương những tấm gương hiếu thảo của con cháu đối với ông bà, cha mẹ, những tấm gương trong sáng về tình yêu, tình bạn, về sự thủy chung son sắt vợ chồng trong cộng đồng dân cư.

Gần đây, nhiều ý kiến đã đề nghị đưa Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh về phối hợp, mở rộng các nội dung và hình thức hoạt động tại các địa bàn dân cư. Nhiều địa phương đã xây dựng nhà truyền thống, giáo dục cho con em những giá trị tốt đẹp của làng, xã, địa phương, tổ chức các hình thức tìm hiểu về danh nhân của địa phương, khuyến khích các em tham gia tìm hiểu về phong tục tập quán, nếp sống, nếp sinh hoạt chung của cộng đồng. Đó là những sự hỗ trợ cần thiết, giúp các gia đình thực hiện tốt hơn vai trò giáo dục của mình.

GS ĐẶNG CẢNH KHANH