    |
 |
Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính Phan Linh Chi thông tin về bất cập của Hãng phim truyện Việt Nam.
|
Bà Phan Linh Chi, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết như vậy, trong buổi họp báo thường kỳ quý I sáng 24-3, tại Hà Nội.
Với vấn đề bất cập của VFS trong suốt nhiều năm qua, mới đây đã được khơi lại, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Điện ảnh cách mạng Việt Nam (13-3-1953/15-3-2023), khi một số nghệ sĩ gạo cội của điện ảnh trở về thăm “mái nhà xưa” – là Hãng phim truyện Việt Nam, tọa lạc tại số 4 Thụy Khuê (quận Tây Hồ, Hà Nội).
Bất cập cổ phần hóa ở VFS dai dẳng trong suốt 5 năm qua, theo bà Phan Linh Chi: “Tới thời điểm này, chưa có giải pháp chuyển biến tích cực như mong muốn. Tổng công ty Vận tải thủy - Vivaso chưa đưa ra văn bản tính toán chi phí hợp lệ, tiến hành các thủ tục liên quan đến cổ phần hoá và đề xuất số tiền nhận lại khi hoàn trả cổ phần cho Nhà nước”.
    |
 |
Trụ sở Hãng phim truyện Việt Nam hoang tàn sau nhiều năm chưa được giải quyết bởi vấn đề cổ phần hóa. |
“Từ năm 2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu tìm nhà đầu tư chiến lược mới cho VFS, song quá trình này vẫn chưa có kết quả do điện ảnh là ngành đặc thù, chưa được các nhà đầu tư quan tâm đúng mức bởi e ngại khó khăn sau dịch Covid-19”, bà Chi nói thêm.
Trước thông tin 300 phim điện ảnh, tư liệu lịch sử minh chứng cho 70 năm hình thành và phát triển của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam, như: “Chung một dòng sông”, “Con chim vành khuyên”, “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Chị Tư Hậu”… hiện lưu trữ trong kho của hãng, đã ẩm mốc và không thể phục hồi, được đạo diễn, NSND Nguyễn Thanh Vân, nguyên Phó giám đốc VFS phản ánh trước đó, đại diện Vụ Kế hoạch - Tài chính cho biết tất cả phim trong kho bị hư hỏng đều là bản sao.
    |
 |
Kho phim của VFS được cho là hỏng hóc, không thể hồi phục. Ảnh: NSND Thanh Vân cung cấp. |
“Đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Điện ảnh và Viện phim Việt Nam đã xuống kiểm tra kho phim ở Hãng phim truyện Việt Nam. Trong số 291 phim bị hỏng có 278 phim được lưu trữ bản gốc ở Viện phim Việt Nam, 13 phim còn lại không lưu trữ vì làm theo đặt hàng bên ngoài hoặc phim hợp tác quốc tế, không thuộc trách nhiệm lưu trữ của Viện phim Việt Nam”, bà Phan Linh Chi khẳng định.
Bà Lý Phương Dung, Phó cục trưởng Cục Điện ảnh cũng cho biết, quá trình cổ phần hoá VFS phát sinh nhiều vấn đề khiến nhiều bộ phim không được lưu trữ cẩn thận. Tuy nhiên hầu hết bộ phim được Nhà nước đặt hàng, coi là nguồn “di sản” quý của điện ảnh trong suốt 70 năm qua đều được lưu trữ bản gốc, bảo quản tại Viện phim Việt Nam.
    |
 |
Bà Lý Phương Dung, Phó cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết, quá trình cổ phần hoá VFS phát sinh nhiều vấn đề. |
Cũng theo bà Phan Linh Chi, thực hiện chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tới các bộ, ngành chức năng liên quan, căn cứ vào các quy định của pháp luật để xem xét, kiểm tra thông tin về việc VFS; tìm các giải pháp phù hợp với tình hình mới, có phương án xử lý tồn tại trước ngày 23-3-2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có báo cáo giải trình đầy đủ quá trình cổ phần hóa cũng như tổ chức lại cơ cấu bộ máy hãng phim.
Trong đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất 2 nội dung: Đề nghị các bộ ngành thống nhất tính pháp lý cổ phần hóa hãng phim và đề nghị thanh tra Chính phủ rà soát, kiểm tra việc thực hiện thu hồi số cổ phần đã bán, hoàn trả tiền cho Nhà đầu tư chiến lược (Tổng Công ty Vận tải thủy) để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện kết luận thanh tra. Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đang tích cực tìm nhà chiến lược đầu tư mới cho Hãng phim truyện Việt Nam.
Cuối năm 2016, Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) là 1 trong 5 hãng phim nhà nước thực hiện cổ phần hóa theo chủ trương của Chính phủ. Tưởng như điều này sẽ mở ra tương lai tươi sáng cho một trong những biểu tượng của văn hóa nước nhà. Nhưng cách thức thực hiện sai lầm đã đẩy số phận hãng phim rơi vào điêu tàn, cùng với đó là tương lai bấp bênh của hơn 40 cán bộ công nhân viên, nghệ sĩ.
    |
 |
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy, cho biết Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh tiến độ để giải quyết những vẫn đề tồn đọng của VFS. |
Về những bức xúc từ dư luận về thực trạng kéo dài tại VFS, đặc biệt là những xáo trộn, tâm tư của các nghệ sĩ điện ảnh, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy, cho biết, Bộ thường xuyên nắm bắt và giao các cơ quan chức năng giải đáp, trả lời các nghệ sĩ trong phạm vi thẩm quyền của mình. Để giải quyết dứt điểm những vướng mắc kéo dài thì còn có những vấn đề vượt thẩm quyền, đòi hỏi có sự phối hợp giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các bộ, ngành có liên quan, đảm bảo thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ cũng như các nội dung kết luận sau thanh tra công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam.
“Trong thời gian tới, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục đẩy mạnh tiến độ triển khai việc thực hiện các nội dung tại kết luận thanh tra cũng như những chỉ đạo cụ thể của Chính phủ, với mong muốn giải quyết dứt điểm những vấn đề tồn đọng tại địa chỉ số 4 Thụy Khuê”, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho hay.
VƯƠNG HÀ