Thông tin trên được đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2024 của ngành tuyên giáo TP Hồ Chí Minh. Đây là vấn đề mang tính chiến lược, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh theo mục tiêu “Văn minh-Hiện đại-Nghĩa tình”, với con người là nhân tố trung tâm, văn hóa là nền tảng tinh thần, động lực phát triển. Để có cái nhìn tổng thể, khái quát từ bề dày lịch sử truyền thống và những yêu cầu đặt ra trong thời kỳ mới, sắp tới, TP Hồ Chí Minh sẽ tổ chức một hội thảo chuyên sâu về vấn đề này.

Xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới tại TP Hồ Chí Minh vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ, giải pháp mang tính chiến lược. Thực hiện vấn đề này là một trong những nhân tố bảo đảm cho sự phát triển ổn định, bền vững của thành phố giữ vai trò đầu tàu của cả nước. Dưới góc nhìn của lịch sử, văn hóa, nhà nghiên cứu lão thành Nguyễn Đình Tư (TP Hồ Chí Minh) cho rằng: Lịch sử phát triển vùng đất Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định-TP Hồ Chí Minh hơn 325 năm qua đã hình thành, hun đúc, chưng cất nên những giá trị di sản trường tồn. Nói đến văn hóa vùng đất này là nói đến yếu tố đặc trưng của đô thị sông nước, với cuộc hành trình đi từ công cuộc chinh phục tự nhiên, khai khẩn, lập ấp, phát triển đô thị... đến hành trình đánh đuổi ngoại xâm giành độc lập dân tộc, thống nhất giang sơn, tiên phong đổi mới, hội nhập quốc tế.

leftcenterrightdel

 Đảng viên, công chức, viên chức trẻ TP Hồ Chí Minh tổ chức các hoạt động dã ngoại, tìm hiểu lịch sử truyền thống thành phố tại Bến Bạch Đằng.

Xuyên suốt cuộc hành trình lâu dài, bền bỉ, không ngừng nghỉ ấy, các thế hệ con người ở Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định-TP Hồ Chí Minh luôn luôn gắn với biển và sông nước, vừa phát triển kinh tế, mở rộng giao thương, vừa làm phong phú sắc thái văn hóa biển, văn hóa-văn minh sông nước. Chính vì vậy, tư duy của các thế hệ con người nơi đây, từ các thế hệ tiền nhân bản địa đến các dòng người nhập cư, đều nhanh chóng thích ứng, hòa nhập, phát triển vốn văn hóa đặc trưng ấy. Nhắc đến con người Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh là nói đến phẩm chất anh hùng, hào hiệp, phóng khoáng, nghĩa tình...

Những nét đặc trưng ấy không xa lạ, không tách rời khỏi truyền thống, bản chất con người Việt Nam qua các thế hệ, mà được tồn tại, phát triển hài hòa, thống nhất, làm giàu thêm bản sắc văn hóa dân tộc và tinh thần, cốt cách con người Việt Nam. Xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới tại TP Hồ Chí Minh chính là sự kế thừa, vận dụng tổng hòa các hình thức, giải pháp, tổng hòa các mối quan hệ để làm cho các giá trị tinh hoa, tinh túy từ lịch sử truyền thống tiếp tục được nâng tầm, bay cao, tạo sức mạnh tổng hợp, thống nhất, đưa TP Hồ Chí Minh phát triển nhanh, mạnh, ổn định, bền vững...

Một trong những niềm tự hào lớn lao của con người TP Hồ Chí Minh hôm nay đó là trong hành trình chung tay, góp sức xây dựng và phát triển thành phố, mỗi cán bộ, đảng viên, người dân, chiến sĩ... được bồi đắp tâm hồn, trí tuệ; được tiếp thêm niềm tin, động lực từ Không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Sài Gòn là nơi người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành lựa chọn làm điểm dừng chân, xuất phát ra đi tìm đường cứu nước trong bối cảnh dân tộc còn chìm trong bóng đêm nô lệ dưới gót giày đô hộ của chủ nghĩa thực dân. Cuộc hành trình đi tìm đường cứu nước của Người gắn liền với sông nước. Thật tự hào khi những địa điểm, địa danh từng in dấu chân Người, nơi đưa tiễn Người lên đường thực hiện sứ mệnh lịch sử của quốc gia, dân tộc từ 113 năm trước, đến nay đã trở thành những di tích, di sản vô giá, được bảo tồn nguyên vẹn. Đó chính là những chất liệu, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể có giá trị to lớn để Thành phố mang tên Bác triển khai các mô hình Không gian văn hóa Hồ Chí Minh.

Đến nay, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong thành phố đã đưa vào hoạt động gần 3.000 mô hình Không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Bên cạnh các không gian văn hóa công cộng, hệ thống nhà văn hóa, cơ quan công sở, trường học, đơn vị lực lượng vũ trang, thư viện, bảo tàng..., mô hình Không gian văn hóa Hồ Chí Minh còn hiện diện tại nhiều cơ sở tôn giáo, trong không gian văn hóa tín ngưỡng... Việc người dân và du khách ngày càng quan tâm đến Không gian văn hóa Hồ Chí Minh đã chứng tỏ sức sống mạnh mẽ của mô hình văn hóa tiêu biểu này. Đây chính là thế mạnh để TP Hồ Chí Minh xây dựng, khai thác, phát huy các thiết chế văn hóa đặc trưng cho chiến lược xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người thành phố trong thời kỳ mới, gắn với đẩy mạnh thực hiện có chiều sâu, hiệu quả các cuộc vận động lớn của Đảng, Nhà nước, vận hành thắng lợi các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố.

Theo đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê, năm 2024 là năm bản lề chuẩn bị tổng kết nhiệm kỳ 2020-2025. Ngành tuyên giáo thành phố sẽ tăng tốc thực hiện các nhiệm vụ; tham mưu cho Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, hướng dẫn cấp ủy các cấp rà soát các nội dung thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025; tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức; tổng kết 40 năm đổi mới; triển khai các công trình, hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào năm 2025... Chuỗi chương trình, hoạt động lớn có trọng tâm, trọng điểm sẽ tiếp tục in đậm những dấu son trên hành trình xây dựng và phát triển thành phố; bồi đắp tâm hồn, tinh thần, cốt cách, bản lĩnh, trí tuệ... con người mới xã hội chủ nghĩa trên Thành phố mang tên Bác.

Bài và ảnh: ĐỨC GIANG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.