Nhà báo Thái Duy, sinh năm 1926, nguyên phóng viên Báo Cứu Quốc, Giải phóng, Đại đoàn kết. Ông đã trải qua hai cuộc chiến, từ Chiến dịch Điện Biên Phủ đến Chiến dịch Hồ Chí Minh, ghi nhận và phản ánh 10 kỳ Đại hội Đảng, 10 nhiệm kỳ Quốc hội. Với 97 năm tuổi đời, 75 năm son sắt với nghề báo, ông là cây bút nổi bật trong hàng ngũ những nhà báo cách mạng tiêu biểu, có nhiều cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và sự nghiệp đổi mới, chấn hưng đất nước.

leftcenterrightdel

Nhà báo Thái Duy phát biểu tại tọa đàm.

Bộ phim tài liệu đầu tiên về nhà báo Thái Duy: “Thái Duy - sống và viết”, do Bảo tàng Báo chí Việt Nam sản xuất, thời lượng 30 phút, với nhiều tư liệu, hình ảnh, câu chuyện thú vị về một nhà báo đi qua các cuộc kháng chiến và có những cống hiến xuất sắc trong thời bình.

Phim lần đầu tiên ra mắt công chúng, tập trung phác họa những nét chính trong cuộc đời và sự nghiệp báo chí của nhà báo Thái Duy, đồng thời tri ân những đóng góp của ông, với ngòi bút sắc bén, chiến đấu không mệt mỏi vì độc lập tự do cho dân tộc, vì hạnh phúc nhân dân và vì sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam.

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 Những bài báo của nhà báo Thái Duy trưng bày tại triển lãm.

Phát biểu tại tọa đàm, nhà báo Hồ Quang Lợi, Chủ tịch Hội đồng duyệt bộ phim “Thái Duy - sống và viết” nhấn mạnh: "Sự có mặt của nhà báo Thái Duy trong buổi ra mắt phim và tọa đàm hôm nay là niềm hạnh phúc của những người làm báo hiện tại. Nhà báo Thái Duy - người đã làm nên sự nghiệp báo chí rất vẻ vang. Ngay từ lúc duyệt tác phẩm điện ảnh này đã gây cho chúng tôi niềm xúc động sâu sắc. Tuy nhiên, để cho bộ phim được hoàn thiện trọn vẹn hơn thì hội đồng đã có những ý kiến phát biểu cụ thể và thẳng thắn về những điều cần bổ sung, chỉnh sửa. Sau khi được nghe ý kiến của hội đồng, nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại, tác giả kịch bản và đạo diễn phim đã tiếp thu ý kiến để hoàn thiện tác phẩm".

leftcenterrightdel
Nhà báo Hồ Quang Lợi phát biểu tại buổi ra mắt phim. 

“Tôi nghĩ rằng có nhiều điều làm nên thành công của bộ phim nhưng điều quan trọng nhất là tác phẩm điện ảnh này đã ghi được những hình ảnh sống động về nhà báo Thái Duy, về cuộc đời của ông và còn có những ý kiến phát biểu tâm huyết của những người cùng thời như nhà báo Kim Toàn, Nguyễn Hồ…”, nhà báo Hồ Quang Lợi cho biết.

Trong khuôn khổ chương trình, Bảo tàng Báo chí đã trưng bày 38 hiện vật, tư liệu gắn với sự nghiệp báo chí của nhà báo Thái Duy.

Trưng bày gồm 3 backdrop và 17 vách kể về con đường nhà báo Thái Duy đến với báo chí cách mạng Việt Nam và cống hiến cho Báo Cứu Quốc, Giải phóng, Đại đoàn kết qua các thời kỳ; hai lần vào miền Nam chiến đấu để lại dấu ấn sâu sắc qua các tác phẩm: Sống như Anh, Những đồng đội của Nguyễn Văn Trỗi…; các cuốn sách, bài viết thể hiện tinh thần đổi mới, chống tham nhũng, tiêu cực… Một số hình ảnh và bài viết nổi bật của nhà báo Thái Duy gắn quá trình hoạt động báo chí…

Ngoài ra còn có 7 tủ trưng bày tài liệu, hiện vật gồm bản thảo đánh máy, một số bài viết trên Báo Cứu Quốc, Giải phóng, Đại đoàn kết; thư của các tử tù gửi nhà báo Thái Duy, đồ dùng trong quá trình công tác của nhà báo Thái Duy…

Buổi tọa đàm với sự tham gia của các nhà báo lão thành, các chuyên gia báo chí, các đồng nghiệp làm báo các thời kỳ cùng thời với nhà báo Thái Duy, đại diện gia đình và đoàn làm phim… đã giúp người tham dự chương trình hiểu rõ hơn về thân thế, sự nghiệp của nhà báo Thái Duy.

Tin, ảnh: KHÁNH HUYỀN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.