Phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đắc Thủy, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh Phú Thọ để hiểu thêm về công tác chuẩn bị tổ chức những sự kiện trên.

Phóng viên (PV): Thưa ông, Lễ giỗ Tổ Hùng Vương 2023 có những hoạt động gì đặc sắc để thu hút du khách?

Ông Nguyễn Đắc Thủy: Năm nay, Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ đã tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức Lễ giỗ Tổ Hùng Vương gắn với tổ chức chuỗi sự kiện Tuần văn hóa-du lịch đất Tổ, với mong muốn thúc đẩy phát triển du lịch. Phần lễ vẫn diễn ra như mọi năm với các hoạt động: Lễ giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và Mẫu Âu Cơ vào ngày 6-3 âm lịch; lễ dâng hương, tưởng nhớ tri ân công đức các Vua Hùng vào ngày 10-3 âm lịch. Phần hội dự kiến khai mạc tối 21-4 (tức ngày 2-3 âm lịch) với những sự kiện hấp dẫn như: Tuần lễ di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh; kỷ niệm 20 năm thực hiện Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể; liên hoan văn hóa ẩm thực đất Tổ; hội trại văn hóa và liên hoan văn nghệ quần chúng; thi bơi trải và trình diễn ván chèo đứng tại hồ công viên Văn Lang; hội chợ du lịch Tây Bắc; giải bóng đá cúp Hùng Vương; Hội thảo quốc tế "Diễn đàn du lịch, văn hóa, di sản và sự phát triển bền vững Việt Nam"; Chương trình "Hát xoan làng cổ"; Lễ hội áo dài trẻ em Việt Nam "Hướng về nguồn cội"... Ngoài ra, UBND tỉnh Phú Thọ đã trình Thủ tướng Chính phủ kế hoạch bắn pháo hoa tầm cao nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức của nhân dân và du khách thập phương. Với tinh thần “Tôn vinh tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và gắn kết di sản văn hóa”, Lễ giỗ Tổ Hùng Vương 2023 dự kiến thu hút từ 5 đến 7 triệu người.

leftcenterrightdel
Ông Nguyễn Đắc Thủy. 

PV: Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ đã tham mưu với UBND tỉnh những kế hoạch gì để bảo đảm không khí trang nghiêm, không gian lễ hội an toàn, văn minh?

Ông Nguyễn Đắc Thủy: Tỉnh Phú Thọ đã thành lập Ban tổ chức Lễ giỗ Tổ Hùng Vương 2023 và Tuần văn hóa-du lịch đất Tổ với việc phân công nhiệm vụ rất cụ thể. Về an ninh, công an tỉnh đã có phương án cụ thể, chi tiết của từng ngày trong dịp lễ hội. Về cơ sở lưu trú, chúng tôi có văn bản hướng dẫn nhằm bảo đảm phục vụ tốt nhu cầu của nhân dân và du khách. Ban tổ chức đã thành lập các đoàn thanh tra liên ngành nhằm ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, tự ý nâng giá thành để trục lợi, yêu cầu các đơn vị kinh doanh phải niêm yết giá. Tất cả nội dung liên quan đến vệ sinh môi trường đều có quy định cụ thể tại các địa điểm nghỉ chân. Ban tổ chức sẽ bố trí những biển hướng dẫn nơi bỏ rác, nhà vệ sinh công cộng, tuyên truyền nâng cao ý thức của mọi người. Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị các hoạt động tại Lễ giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần văn hóa-du lịch đất Tổ diễn ra đúng tiến độ, bảo đảm trang nghiêm, trọng thể, thành kính.

PV: Thông qua sự kiện Tuần lễ di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh và kỷ niệm 20 năm thực hiện Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, ngành VHTTDL tỉnh Phú Thọ đặt kỳ vọng gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Đắc Thủy: UBND tỉnh Phú Thọ đã phối hợp với Bộ VHTTDL để xây dựng những kế hoạch chi tiết. Tỉnh Phú Thọ chuẩn bị công tác lắp dựng sân khấu khai mạc, tổ chức các chương trình nghệ thuật; bố trí không gian để các tỉnh, thành phố có di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh về trình diễn, thực hành phục vụ nhân dân. Theo đó, tỉnh Phú Thọ sẽ hỗ trợ về việc lắp dựng, còn các tỉnh tham dự sẽ chủ động trang trí không gian và các đoàn nghệ nhân để tham gia. Sẽ có 15 loại hình di sản văn hóa phi vật thể được giới thiệu, thực hành phục vụ công chúng; trong đó, Phú Thọ sẽ tổ chức thực hành và trình diễn tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, hát xoan. Thông qua hai sự kiện trên, chúng tôi mong muốn tạo cơ hội để các địa phương chia sẻ kinh nghiệm, quá trình bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nhằm thúc đẩy phát triển du lịch.

leftcenterrightdel
 Một nghi thức truyền thống tại Lễ giỗ Tổ Hùng Vương. Ảnh: VƯƠNG LÊ

PV: Những năm qua, Phú Thọ đã khai thác tiềm năng phát triển du lịch văn hóa như thế nào để du khách đến đây không chỉ biết mỗi đến Đền Hùng, thưa ông?

Ông Nguyễn Đắc Thủy: Tỉnh Phú Thọ hiện có hai di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, 15 di sản văn hóa cấp quốc gia, 1.800 di tích; trong đó có 355 di tích được xếp hạng, 73 di tích quốc gia. Với nhiều lợi thế như vậy, Phú Thọ luôn xác định giá trị văn hóa là tiềm năng để gắn kết thúc đẩy phát triển du lịch. Theo đó, Phú Thọ chủ động xây dựng kế hoạch phát triển, quy hoạch văn hóa qua từng giai đoạn, đưa vào nghị quyết của đại hội. Di sản nào có tiềm năng gắn kết với du lịch thì chúng tôi đều đưa vào quy hoạch để xây dựng những kế hoạch cụ thể. Ngoài ra, chúng tôi cũng quan tâm đến xây dựng sản phẩm văn hóa du lịch, chăm lo tốt cho các nghệ nhân hát xoan. Trong phát triển du lịch-văn hóa, Phú Thọ lấy Đền Hùng, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và nghệ thuật hát xoan là trung tâm phát triển.

Đến với Phú Thọ, du khách còn được trải nghiệm nhiều điểm đến hấp dẫn như: Cụm di tích đền Tam Giang-chùa Đại Bi gắn với nghi thức rước nước linh thiêng; tượng đài Chiến thắng sông Lô; Bảo tàng Hùng Vương... Thông qua Lễ giỗ Tổ Hùng Vương 2023 và Tuần văn hóa-du lịch đất Tổ, chúng tôi mong muốn nhân dân và du khách sẽ có những trải nghiệm đáng nhớ, góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển du lịch, phát huy các giá trị di sản văn hóa của Phú Thọ.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

VƯƠNG HÀ - HỮU TRƯỞNG (thực hiện)