Tại hội thảo khoa học bàn về tu bổ, tôn tạo cụm di tích đền Trấn Vũ-chùa Cự Linh vừa diễn ra, bên cạnh việc khẳng định giá trị lịch sử, văn hóa của cụm di tích, các nhà khoa học đã thẳng thắn nêu những vướng mắc, bất cập cần phải giải quyết hài hòa mới có thể bắt tay vào tu bổ tôn tạo, nếu không khéo sẽ dễ gây xung đột trong quá trình thực hiện.
 |
Cảnh quan di tích lịch sử quốc gia đền Trấn Vũ. |
Theo PGS, TS Bùi Xuân Đính, nhà nghiên cứu dân tộc học, đền Trấn Vũ tuy có lịch sử hình thành muộn hơn so với đền Sái ở làng Thụy Lôi (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh) và quán Trấn Vũ ở phường Quán Thánh (quận Hoàn Kiếm), nhưng ngoài sở hữu pho tượng đồng đen nguyên khối lớn vào bậc nhất miền Bắc (cao 3,47m, nặng khoảng 4 tấn), do các nghệ nhân Ngũ Xã đúc vào năm Đinh Tỵ, niên hiệu Vĩnh Trị (năm 1677), đền còn có hệ thống tượng rất phong phú, mang tính đặc trưng Đạo giáo. Hiện phía sau đền có ngôi chùa Cự Linh cao 2 tầng, được xây dựng mới năm 2000-2002, không mang phong cách chùa Việt ở Bắc Bộ, không ăn nhập với đền Trấn Vũ. Chùa tọa lạc sau đền Trấn Vũ, cổng chùa hướng ra phía mặt đê sông Hồng, hợp thành cụm di tích có cấu trúc “tiền Thánh hậu Phật”-không phổ biến lắm so với cấu trúc “tiền Thần hậu Phật” hay “tiền Phật hậu Thánh”. Vì vậy, cần quy hoạch và dựng lại chùa cũng như tu bổ lại đền, để tạo thành chỉnh thể thống nhất, hài hòa, phù hợp với truyền thống. Sau đó, cần xếp hạng thành cụm di tích đặc biệt cấp quốc gia để có hướng và cơ sở pháp lý phục vụ công tác bảo tồn, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, nhất là về du lịch.
PGS, TS Trần Lâm Biền khẳng định giá trị nổi bật của di sản văn hóa đền Trấn Vũ-chùa Cự Linh, đồng thời thẳng thắn nêu ra thực trạng xuống cấp của di tích trong nhiều năm qua, khi chưa có dự án tu bổ, tôn tạo xứng tầm. Ngoài ra, ông cũng cảnh báo sự biến dạng, làm mới di tích sau khi trùng tu, tôn tạo. “Đã có nhiều bài học đau xót sau tôn tạo, trùng tu di sản mà Hà Nội và nhiều địa phương đã và đang mắc phải. Vậy nên trong quá trình khảo sát, nghiên cứu và triển khai dự án tu bổ, tôn tạo phải nghiêm túc, làm việc khoa học, bài bản để sau mỗi lần trùng tu phải trả nguyên giá trị, hình dáng cho di tích”, PGS, TS Trần Lâm Biền cho hay.
Bàn về phương hướng tu bổ, tôn tạo cụm di tích đền và chùa, TS Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết, ngôi chùa Cự Linh không thuộc thành phần trong hồ sơ và quyết định xếp hạng di tích, nhưng qua khảo sát, đó là di tích liền kề, liền khoảnh với đền. Đặc biệt, việc gắn cụm di tích đền Trấn Vũ-chùa Cự Linh để phát huy giá trị lịch sử, văn hóa là ý nguyện của cộng đồng dân cư nơi đây. Bởi vậy, việc tu bổ, tôn tạo những thành phần bên chùa cũng cần được quan tâm. Đó là sự ứng xử công bằng của chính quyền địa phương, cộng đồng dân cư đối với di sản.
Sau hội thảo, chính quyền địa phương tiếp tục hoàn thiện hồ sơ trình các cấp có thẩm quyền thẩm định phương án tu bổ, tôn tạo đền Trấn Vũ-chùa Cự Linh, nhằm sớm đề xuất TP Hà Nội thông qua và quyết định tu bổ, tôn tạo, phát huy hiệu quả giá trị lịch sử, văn hóa của quần thể di tích này.
Bài và ảnh: VIỆT LAM