Vui như đi hội báo!
Đây là cảm nhận chung của không chỉ người làm báo mà của đông đảo nhân dân Thủ đô tham dự Hội Báo toàn quốc 2023, tổ chức tại Bảo tàng Hà Nội.
Với tính chất của một “lễ hội” hiện đại, hội báo luôn có hoạt động tương tác thiết thực, sôi nổi giữa cơ quan báo chí với công chúng. Mỗi cơ quan báo chí, liên chi hội nhà báo, khối báo chí đều mang đến hội báo những sản phẩm, hoạt động làm nên thương hiệu của mình. Liên chi hội Nhà báo Ngân hàng quảng bá các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại của các tổ chức tín dụng đến với báo giới và người dân; Báo Giao thông tổ chức bắt thăm câu hỏi tìm hiểu về an toàn giao thông, trao tặng mũ bảo hiểm và quyên góp vào Quỹ "Chung tay vì an toàn giao thông"; Tạp chí Bảo hiểm xã hội hỗ trợ thông tin về chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... Ngoài ra, các trường đại học đào tạo, bồi dưỡng báo chí và các trường cao đẳng, đại học kết nghĩa trên địa bàn Thủ đô đã tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, trẻ trung, mang lại nét tươi mới cho hội báo.
    |
 |
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại gian trưng bày Khối Báo chí Quân đội. Ảnh: VIỆT TRUNG |
Hội Báo toàn quốc 2023 diễn ra nhiều sự kiện nghiệp vụ phong phú, có sức lôi cuốn như: Hội thảo “Trí tuệ nhân tạo (AI) và quản trị sáng tạo nội dung trong tòa soạn”; Tọa đàm “Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí theo nhu cầu hiện nay”; Tọa đàm “Người làm báo trong kỷ nguyên số”; Tọa đàm “Hội ngộ giải A báo chí quốc gia”... thu hút rất đông người làm báo, công chúng tham dự. Sở dĩ như vậy vì các hoạt động này hết sức thiết thực, bàn luận sâu kỹ nhiều vấn đề mới, "nóng bỏng" của đời sống báo chí; qua đó, những người làm báo và công chúng nâng cao nhận thức, có thêm hiểu biết về sự thay đổi vô cùng nhanh chóng của báo chí-truyền thông hiện đại.
Hội Nhà báo Việt Nam cũng tổ chức nhiều hoạt động ngày càng chuyên nghiệp để những người làm báo trên khắp cả nước giao lưu, thể hiện tài năng và bản sắc nghề nghiệp, tăng cường hiểu biết, thắt chặt thêm tình đồng nghiệp, học hỏi và hỗ trợ nhau trong công việc, góp phần làm tăng chất lượng hoạt động nghề nghiệp. Điển hình như Cuộc thi “Tiếng hát người làm báo mở rộng” năm 2023 được các đơn vị báo chí quan tâm, cử những nhà báo tài sắc tranh tài. Ban tổ chức cũng mời các giảng viên thanh nhạc kỳ cựu là NSND Quốc Hưng, NSƯT Hà Thủy trực tiếp hướng dẫn các thí sinh, giúp họ nhận ra thế mạnh của mình và tự tin trình diễn trên sân khấu. Thượng úy QNCN, biên tập viên Đặng Thị Nguyệt (Trung tâm Phát thanh-Truyền hình Quân đội) đoạt giải Khuyến khích cuộc thi, cho biết: “Đây không phải lần đầu tiên tôi tham dự cuộc thi, song tâm trạng hồi hộp, háo hức vẫn vẹn nguyên như ngày đầu. Đã đi thi, ai cũng mong có thành tích, song điều lớn nhất là cơ hội gặp gỡ đồng nghiệp, từ cuộc thi để hiểu nhau hơn, cùng phấn đấu để ngày một thành công trong công việc làm báo”.
Bồi đắp giá trị văn hóa trong từng sản phẩm báo chí
Câu chuyện thời sự đang được giới báo chí quan tâm là sự ra đời của ngày càng nhiều ứng dụng AI, điển hình là ChatGPT, sẽ tác động thế nào đến cách sản xuất, tổ chức, phân loại, xuất bản báo chí.
Hội thảo “AI và quản trị sáng tạo nội dung trong tòa soạn” với những ý kiến chuyên sâu, sắc sảo, đa dạng của các nhà quản lý, chuyên gia, những người làm báo đã phần nào làm sáng tỏ việc ứng dụng AI trong báo chí hiện nay. Cơ hội của việc sử dụng AI trong báo chí-truyền thông rất lớn: Tạo ra những nội dung văn bản rất phức tạp chỉ từ những câu lệnh đơn giản, tăng tương tác với độc giả, giúp cải thiện trải nghiệm người dùng... Song bên cạnh cơ hội, việc sử dụng AI cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ thông tin sai lệch, xuyên tạc, tin giả; là thách thức lớn từ góc nhìn pháp lý, an ninh truyền thông, cũng như văn hóa và đạo đức nghề nghiệp. Cho nên, ứng dụng AI như thế nào phải căn cứ vào đặc thù của mỗi cơ quan báo chí, mỗi người làm báo, gắn với lợi ích thiết thực là phục vụ độc giả. Trước mắt, AI vẫn sẽ chỉ là công cụ, như là một “trợ lý ảo” giúp nhà báo thực hiện công việc, thao tác đơn giản một cách nhanh chóng. AI vẫn chưa thể thay thế vai trò của nhà báo trong việc phát hiện vấn đề thời sự, thể hiện tình cảm, lập trường chính trị...
AI hay bất cứ thành tựu công nghệ nào nếu người làm báo biết tận dụng thì sẽ tạo ra những tác phẩm chất lượng, chuyên nghiệp, hiện đại. Tuy nhiên, điều này không bảo đảm giữ gìn tính nhân văn-một đặc trưng của báo chí cách mạng Việt Nam mà Nghị quyết XIII của Đảng đã nhấn mạnh.
Báo chí nhân văn là báo chí thực hiện đúng chức trách, tôn chỉ, mục đích, hoạt động theo pháp luật và có tính toán đến tác động của thông tin với độc giả cũng như với chính nhân vật. Thực tiễn hoạt động báo chí những năm qua cho thấy: Một số cơ quan báo chí và người làm báo xa rời tôn chỉ, mục đích, sa đà vào khai thác mặt trái của xã hội, thiếu tính nhân văn, phản giáo dục, phản văn hóa.
Một giải pháp được xem là căn cốt, có tác dụng lâu dài khắc phục những lệch lạc, nhược điểm của báo chí, đó là xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí và văn hóa của người làm báo. Đó là lý do Hội Nhà báo Việt Nam đã phát động Phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí” với mục đích góp phần nhân lên những giá trị tiến bộ, nhân văn trong hoạt động báo chí, qua đó động viên, khích lệ mỗi tòa soạn báo phấn đấu trở thành điểm sáng về văn hóa, đồng thời góp phần tăng cường, nâng cao “sức đề kháng” của cơ quan báo chí trước những ảnh hưởng tiêu cực.
Báo Quân đội nhân dân (QĐND) là một trong 11 cơ quan thông tấn, báo chí đại diện cho các cơ quan báo chí cả nước ký cam kết thực hiện Phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí” tại lễ phát động vào ngày 21-6-2022. Ngày 15-9-2022, Báo QĐND tổ chức Lễ phát động Phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong Báo QĐND” với chủ đề “Trách nhiệm, chính quy, chuyên nghiệp, nhân văn”, xây dựng Báo QĐND là “Cơ quan báo chí văn hóa”, mỗi cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên là “Người làm báo văn hóa”. Việc Liên chi hội Nhà báo Báo QĐND tổ chức Tọa đàm “Văn hóa báo chí” tại Hội Báo toàn quốc 2023 thêm một lần nữa khẳng định quyết tâm của những nhà báo-chiến sĩ trong việc thực hiện phong trào thi đua một cách thực chất, hiệu quả, đi vào chiều sâu. Tham gia tọa đàm là hai vị khách mời: Nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; PGS, TS Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam. Cùng tham dự có đông đảo nhà báo, học viên Trường Sĩ quan Chính trị, sinh viên báo chí QĐND Lào đang theo học tại Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội...
Hai vị khách mời đã phân tích làm rõ nội hàm khái niệm “văn hóa báo chí”, những giá trị cốt lõi của văn hóa báo chí và vì sao cần phải đẩy mạnh Phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí”. Theo hai vị khách mời: Báo chí là một bộ phận của văn hóa, sản phẩm báo chí là sản phẩm văn hóa đáp ứng nhu cầu thông tin, tuyên truyền, giáo dục..., tác động mạnh mẽ tới công chúng. Nền báo chí cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, luôn vững vàng về bản lĩnh chính trị, tinh thông nghề nghiệp và có đạo đức trong sáng, nhân văn. Những phẩm chất cao quý kết tinh thành giá trị văn hóa, luôn được giữ gìn, trao truyền, trở thành niềm tự hào của những người làm báo cách mạng.
Văn hóa trong báo chí không phải là điều gì đó cao siêu, trừu tượng. Mỗi tờ báo dù có tôn chỉ, mục đích khác nhau song đều có chung nhiệm vụ phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Người làm báo được Đảng, Nhà nước, nhân dân tin tưởng, yêu mến bởi sở hữu “lòng trong, bút sắc”, vậy nên cần giữ gìn đạo đức nghề nghiệp, luôn tôn trọng sự thật, bảo vệ công lý và lẽ phải, thấm đẫm tính nhân văn, luôn vì lợi ích của đất nước và nhân dân. Giữ gìn những phẩm chất cao quý kể trên chính là báo chí tỏa sáng giá trị văn hóa quý báu.
Trả lời câu hỏi của công chúng tham dự tọa đàm: "Cần làm gì để tác phẩm báo chí có thêm nhiều yếu tố văn hóa, nhân văn?", theo hai vị khách mời: Pháp luật dù có chi tiết đến đâu cũng không thể quy định từng trường hợp cụ thể. Cho nên các cơ quan báo chí, mỗi người làm báo phải cân nhắc trước khi xuất bản sản phẩm báo chí, dù không vi phạm pháp luật nhưng liệu có vi phạm đạo đức, lương tâm nghề nghiệp hay không? Có tác động bất lợi đến lợi ích chung của đất nước, cộng đồng, lợi ích riêng chính đáng của cá nhân, tổ chức nào đó không? Yếu tố văn hóa, nhân văn cũng không phải là điều gì khó thực hiện, chỉ cần mỗi cơ quan báo chí, mỗi người làm báo có ý thức trách nhiệm vì mục đích tận hiến với nghề nghiệp, cân nhắc tác động đến xã hội và công chúng thì sẽ cho ra đời những sản phẩm báo chí chất lượng, đồng thời lan tỏa giá trị nhân văn, văn hóa.
Với thời lượng một giờ đồng hồ, cuộc tọa đàm không kỳ vọng có thể truyền tải hết toàn bộ nội dung, ý nghĩa của vấn đề xây dựng văn hóa báo chí trong các cơ quan báo chí và đối với người làm báo hiện đại, bởi đây là một chủ đề rất rộng, cần nhìn nhận và phân tích dưới góc nhìn khách quan, đa chiều, gắn liền với thực tiễn sinh động của báo chí. Tuy nhiên, thông điệp bao trùm từ tọa đàm mà những người làm báo Báo QĐND muốn gửi gắm là: Việc tạo lập không gian văn hóa trong hoạt động báo chí là yêu cầu cấp thiết của thực tiễn. Làm tốt được điều này chính là góp phần xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, là vũ khí sắc bén của Đảng, chế độ ta trên mặt trận tuyên truyền.
TRẦN HOÀNG HOÀNG