Tham gia tọa đàm là hai khách mời: Nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà Báo Việt Nam; PGS,TS Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam. Về phía Báo Quân đội nhân dân (QĐND) có Đại tá Lê Ngọc Long, Phó tổng Biên tập Báo QĐND, Chủ tịch Liên chi hội nhà báo Báo QĐND. Cùng tham dự có đông đảo nhà báo, học viên Trường Sĩ quan Chính trị, sinh viên báo chí Lào đang theo học tại Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội...

 Hai khách mời tham dự tọa đàm “Văn hóa báo chí".

Báo QĐND là một trong 11 cơ quan thông tấn, báo chí đã đại diện cho các cơ quan báo chí cả nước ký cam kết thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí” tại Lễ phát động vào ngày 21-6-2022. Ngày 15-9-2022, Báo QĐND tổ chức Lễ phát động phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong Báo QĐND” với chủ đề “Trách nhiệm, chính quy, chuyên nghiệp, nhân văn”, xây dựng Báo QĐND là “Cơ quan báo chí văn hóa”, mỗi cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên là “Người làm báo văn hóa”. Việc Liên chi hội nhà báo Báo QĐND tổ chức tọa đàm “Văn hóa báo chí” tại Hội Báo toàn quốc 2023 thêm một lần nữa khẳng định quyết tâm của những nhà báo-chiến sĩ trong việc thực hiện phong trào thi đua một cách thực chất, hiệu quả.

 Các sinh viên báo chí Lào biểu diễn văn nghệ.

Hai khách mời đã phân tích làm rõ giá trị cốt lõi văn hóa báo chí và vì sao cần phải đẩy mạnh phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí”.

Theo nhà báo Hồ Quang Lợi: Báo chí là một sản phẩm có tính văn hóa do con người tạo ra, đáp ứng nhu cầu thông tin, tuyên truyền, giáo dục... Bản thân tác phẩm báo chí chứa đựng tri thức văn hóa, thông điệp có sức lan tỏa, tác động mạnh mẽ tới công chúng. Đặc biệt, nền báo chí cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, luôn vững vàng về bản lĩnh chính trị, tinh thông nghề nghiệp và có đạo đức nghề nghiệp trong sáng, nhân văn, nỗ lực phấn đấu phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Những phẩm chất cao quý, kết tinh thành giá trị văn hóa luôn được giữ gìn, trao truyền, trở thành niềm tự hào của những người làm báo cách mạng.

 Các học viên Trường Sĩ quan Chính trị biểu diễn văn nghệ.

PGS,TS Đỗ Thị Thu Hằng cho rằng: Văn hóa trong báo chí không phải là điều gì đó cao siêu, trừu tượng. Báo chí nhân văn là báo chí thực hiện đúng chức trách, tôn chỉ mục đích, hoạt động theo pháp luật và có tính toán đến tác động của thông tin với độc giả và với chính nhân vật. Chỉ khi mỗi cơ quan báo chí, mỗi người làm báo có văn hóa sẽ ý thức được trách nhiệm xây dựng kế hoạch hoạt động, tác nghiệp vì mục đích tận hiến với nghề nghiệp; cho ra đời những sản phẩm báo chí chất lượng, tích cực, lan tỏa giá trị nhân văn, văn hóa. Bên cạnh những thành tựu to lớn của báo chí cách mạng trong hơn 95 năm qua, báo chí Việt Nam đứng trước nhiều thử thách. Một số cơ quan báo chí xa rời tôn chỉ, mục đích, sa đà vào thông tin mặt trái xã hội, thiếu tính nhân văn, phản giáo dục, phản văn hóa; một số ít người làm báo vụ lợi, vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, tham gia mạng xã hội thiếu chuẩn mực và thiếu trách nhiệm...

PGS,TS Đỗ Thị Thu Hằng nhấn mạnh: Những tiêu cực trong hoạt động báo chí liên quan trực tiếp đến đạo đức nghề nghiệp - một phạm trù quan trọng của văn hóa. Khi nhà báo tác nghiệp với những hành vi không chuẩn mực, gắn với việc theo đuổi những lợi ích cá nhân, vụ lợi là hành vi phản văn hóa, để lại hình ảnh xấu. Cách làm nghề như vậy không chỉ làm tổn thương danh dự của người làm báo chân chính, làm suy giảm uy tín và vai trò của báo chí; nguy hại nhất là báo chí không còn giữ được bản chất văn hóa lành mạnh, tiến bộ, ảnh hưởng không tốt đến công cuộc xây dựng văn hóa và con người hiện nay.

 Sinh viên đặt câu hỏi với hai khách mời.

Ở phần giao lưu với công chúng, hai diễn giả nhấn mạnh: Chỉ khi mỗi cơ quan báo chí, mỗi người làm báo có văn hóa sẽ ý thức được trách nhiệm xây dựng kế hoạch hoạt động, tác nghiệp vì mục đích tận hiến với nghề nghiệp; cho ra đời những sản phẩm báo chí chất lượng, tích cực, lan tỏa giá trị nhân văn, văn hóa.

 Quang cảnh tọa đàm.

Với thời lượng một giờ đồng hồ, cuộc tọa đàm không kỳ vọng có thể truyền tải hết toàn bộ nội dung, ý nghĩa của vấn đề xây dựng văn hóa báo chí trong các cơ quan báo chí và đối với người làm báo hiện đại. Vì đây là một chủ đề rất rộng, cần nhìn nhận và phân tích với góc nhìn khách quan, đa chiều, gắn liền với thực tiễn sinh động của báo chí. Tuy nhiên, thông điệp bao trùm của chương trình mà những người làm báo Báo QĐND muốn gửi gắm đó là việc tạo lập không gian văn hóa trong hoạt động báo chí là yêu cầu cấp thiết của thực tiễn. Làm tốt được điều này chính là góp phần xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; là vũ khí sắc bén của Đảng, chế độ ta trên mặt trận tuyên truyền.

Tin, ảnh: HOÀNG THÀNH HƯNG