Những con đường xanh, sạch

Thôn Châu Phong (xã Liên Hà, huyện Đông Anh) vốn là làng nghề mộc lâu năm. Trong thôn, tiếng lách chách của các tay thợ mộc hòa cùng tiếng máy cưa, xẻ gỗ tạo nên một âm thanh đặc trưng xuyên suốt làng nghề. Thế nhưng, khác với tưởng tượng về một làng nghề làm mộc bụi mù ô nhiễm hay bày bừa lổng chổng gỗ, bàn ghế, giường tủ hay các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, thôn Châu Phong khá sạch sẽ, gọn gàng. Hỏi ra mới biết rằng ở thôn có các đoàn thể quét dọn thường xuyên theo tuyến đường tự quản. Việc giữ gìn vệ sinh chung cũng được tuyên truyền tới người dân. Một làng nghề khác là làng thuốc nam Yên Sơn (xã Ba Vì, huyện Ba Vì) của đa số bà con dân tộc thiểu số có con đường vào làng sạch đẹp, với hoa và cây xanh, khung cảnh thanh bình. Ông Triệu Việt Dũng, Bí thư chi bộ, Trưởng ban Công tác mặt trận Tổ quốc Việt Nam thôn Yên Sơn khoe với chúng tôi, công đầu để mọi đường làng ngõ xóm sạch đẹp như vậy là của chi hội phụ nữ thôn. Chi hội trưởng hội phụ nữ thôn cũng chính là Trưởng thôn Lý Thị Lân là người đứng ra kêu gọi, tích cực, gương mẫu trong việc duy trì sự sạch đẹp của con đường này.

leftcenterrightdel
Đường trong thôn Sài Khê (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai) luôn được giữ sạch đẹp. 

Trưởng thôn Lý Thị Lân tâm sự: “Để có những con đường “trong mơ” này, em và dân làng biết ơn trưởng thôn trước là ông Lý Văn Phủ. Giờ đây tất cả bà con đều cố gắng giữ gìn những thành quả đã có. Ông Phủ còn là người có công cùng với cấp ủy đảng, chính quyền vận động bà con chấp hành pháp luật, chăm chỉ phát triển kinh tế để nâng cao mức sống, chăm lo cho con cái học hành, không để thất học, mù chữ rồi bị kẻ xấu lợi dụng, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Thôn Yên Sơn có 98% là người Dao, còn lại là người Mường và người Kinh. Người dân trong thôn hiện nay vẫn giữ gìn tập quán, văn hóa truyền thống, đoàn kết nên mọi việc vận động của thôn làng đều được bà con nhiệt tình ủng hộ. Giờ ông Phủ sức khỏe giảm sút không thể đảm nhận công việc này nhưng khi nhận bàn giao công việc của ông từ năm 2017 đến nay, em vẫn thường được ông chỉ dẫn những kinh nghiệm quý để người dân tin tưởng và hiểu hơn với công việc của trưởng thôn”.

Quả thật, câu chuyện làm đường luôn khó khăn. Ở thôn Thuận Tốn, thôn đông dân nhất ở xã Đa Tốn (huyện Gia Lâm) cũng vậy. Trong quá trình làm đường ở thôn, bà Đỗ Thị Chanh cùng tập thể đảng viên trong chi bộ và các đoàn thể kêu gọi người dân cho Nhà nước “vay” tiền để làm đường trong thôn. Con đường làm xong, đẹp đẽ, thuận tiện nhưng nhiều người cho rằng Nhà nước "lừa" vì mãi không trả tiền đã vay cho dân. Lúc ấy bà mới giật mình tìm hiểu kỹ và nhận ra rằng cả mình và dân chưa hiểu hết luật nên mới hiểu nhầm như vậy. Bà tìm cách lựa lời mong người dân thông cảm cho hiểu biết còn hạn chế của bản thân. Bên cạnh đó, bà cũng đưa ra thực tế “mình làm mình hưởng” và vận động bà con không thể ỷ rằng việc làm đường là Nhà nước phải lo cho dân mà cần chủ động vì ngân sách Nhà nước còn eo hẹp, trong khi phải đầu tư cho nhiều nơi khó khăn hơn... Trả lời cho câu hỏi của chúng tôi về cách xử lý với những trường hợp khó vận động, bà Chanh chia sẻ: “Công việc của trưởng thôn thường rất khó. Chúng tôi không có công cụ hành pháp trong tay, cũng không thể ép buộc người dân phải làm cái này mà không làm cái kia được. Vì thế, muốn chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước thực sự đi vào cuộc sống, chúng tôi chỉ bằng cách vận động và tạo sự tin tưởng với nhân dân, cách làm vì thế cũng phải linh hoạt, sáng tạo, thấu tình, đạt lý. Khi dân tin thì làm gì được đấy”.

Vận động nhân dân xây dựng nếp sống văn minh

Đến xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai), chúng tôi được nghe người dân kể lại rằng, thôn Sài Khê trước kia khó khăn nhất xã. Giờ đây, Sài Khê đã được lựa chọn làm điểm nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025 nhờ đáp ứng tốt những tiêu chí đề ra. Là những người nắm bắt sát nhất việc thôn, việc làng, ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng thôn Sài Khê cùng với các xóm trưởng đã bỏ ra nhiều công sức để thôn đẹp từ đầu làng đến cuối ngõ như hiện nay. Đơn cử như riêng việc vận động người dân trong thôn đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định là cả một quá trình khá gian nan. Trước đây các gia đình tiện lúc nào vứt rác lúc ấy, giờ nào cũng có thể có người xách túi rác ra bỏ ở ngoài lòng đường, bạ đâu vứt đó. Ai cũng nhận thức được việc vứt rác bừa bãi ảnh hưởng thế nào nhưng để thay đổi thói quen của tất cả mọi người thì không hề đơn giản. Họ bàn lên bàn xuống nhiều giải pháp rồi ông Dũng cùng bà Nguyễn Thị Tuyết (xóm trưởng xóm 1), bà Nguyễn Thị Mùi (xóm trưởng xóm 3) kẻ bảng hướng dẫn, đến từng gia đình nói chuyện, thay nhau đứng trực tại các điểm người dân hay vứt rác để nhắc nhở. Họ cũng là những người làm gương trước, khi thấy túi rác vứt không đúng chỗ lại nhấc lên, buộc chặt, vứt gọn. Thậm chí có những lúc họ phải trở thành "thám tử" bất đắc dĩ, lần tìm chủ nhân của những túi rác vứt không đúng nơi quy định hay phục bắt quả tang người đem rác vứt tại những "điểm đen" rồi nhắc nhở, vận động họ lần sau không làm như vậy.

Một trong những điều khiến chúng tôi ngạc nhiên khi đến các địa phương trên địa bàn Hà Nội là việc tiến hành đám hiếu văn minh. Nhiều người dân ở các thôn xã đã bỏ rắc tiền thật, hạn chế rắc tiền vàng, người chết được hỏa táng, nghĩa trang được xây dựng quy củ hơn. Đặc biệt, khi có việc ma chay, dân làng đã bỏ hủ tục ăn uống linh đình. Đây vốn là những sinh hoạt văn hóa truyền thống từ ngàn đời, vì thế khi đưa ra đề xuất, có ý kiến cho rằng nếu làm vậy là không tôn trọng người chết. Có người không đồng tình vì nếu bỏ ăn uống trong đám tang lại ngại người đến phúng viếng không được đáp lễ... Những hủ tục này chỉ bỏ được khi người dân thông suốt và được thuyết phục bằng nhiều cách.

Với thôn Thuận Tốn, bà Chanh vận động, phân tích thiệt hơn, người dân nghe có lý nên ai cũng ủng hộ quy định mới. Chẳng hạn khi tổ chức ăn uống trong đám hiếu vừa tốn kém, lại khó giữ vệ sinh an toàn thực phẩm, người thân trong gia đình mất thời gian tiếp đón mà không tập trung trọn vẹn lo cho người vừa nằm xuống. Hơn nữa, ăn uống là "cái nợ đồng lần" của người dân trong thôn nên không nhất thiết cứ phải tổ chức ăn uống mới là tôn trọng nhau. Trong khi đó, tại thôn Châu Phong, trong đám hiếu, các gia đình ăn uống gói gọn trong nội bộ để đỡ mất thời gian. Thôn còn tổ chức ban tang lễ của làng là những người từ 40 đến 45 tuổi phục vụ mọi đám tang. Những người trong các độ tuổi khác cũng được phân công công việc cụ thể và từ 70 tuổi trở lên được miễn hết các loại tiền, công. Vì thế cả làng ai cũng nhận việc với tinh thần phấn khởi, tự nguyện.

 "Trưởng thôn cầu thị lắng nghe và gần dân, thấu hiểu dân thì mới thuyết phục được người dân và có chương trình hành động thiết thực để góp phần giúp dân hưởng ứng, thực hiện việc cưới, tang, lễ hội văn minh".

(Ông Hoàng Quốc Việt, Trưởng phòng Văn hóa văn nghệ, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội)

(còn nữa)

Bài và ảnh: MINH NHÃ - THÀNH PHONG