Bài 1: Những người truyền lửa cho phong trào văn hóa ở cơ sở

Diện mạo thôn làng của Thủ đô thời gian qua có nhiều khởi sắc. Nhiều trưởng thôn Hà Nội đã truyền lửa để tạo nên những thay đổi ấy.

Xóm làng vui ca

Trong bộn bề công việc của trưởng thôn có lẽ giúp dân xây dựng đời sống văn hóa là một trong những phần việc khá nhiều và phức tạp, vừa hữu hình vừa vô hình. Trong đó, hữu hình là những cơ sở vật chất phục vụ đời sống văn hóa của người dân được thuận lợi.

Chúng tôi đến thôn Víp, xã Minh Quang, huyện Ba Vì không vào một dịp lễ đặc biệt nào nhưng không khí nhà văn hóa thôn khá nhộn nhịp. Ngoài sân, mấy đứa trẻ đá bóng, đạp xe; các chị, các ông bà tranh thủ tập thể dục tại những máy tập đa năng. Bên trong nhà văn hóa, hơn chục người đang tập đánh cồng chiêng. Ông Đinh Ngọc Thu, người dân trong thôn khoe, từ ngày có bộ cồng chiêng, các hoạt động văn hóa, văn nghệ của thôn lúc nào cũng vui vẻ. Ông Thu bảo: “Chúng tôi là người Mường nên có những am hiểu nhất định về văn hóa dân tộc mình nhưng nhiều thứ cũng chỉ nhớ mang máng. Đối với Trưởng thôn Đinh Bá Cương thì khác. Ông đi tập huấn về văn hóa cồng chiêng, rồi về huy động xã hội hóa mua bộ cồng chiêng 12 chiếc, quần áo biểu diễn, xong lại chịu khó tìm hiểu, nghiên cứu rồi đứng ra hướng dẫn cho những người lớn tuổi trong làng về cách đánh, nhịp điệu. Vì ông Cương nhiệt tình nên các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao của thôn lúc nào cũng tưng bừng. Đội văn nghệ, thể thao của thôn đều mạnh nhất nhì xã, đội bắn nỏ của thôn còn đại diện cho huyện đi thi cấp thành phố nữa. Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo của chi bộ, trưởng thôn đã lãnh đạo người dân hoàn thành nhiệm vụ chung và mang lại sắc thái mới cho thôn”. Tìm hiểu kỹ hơn chúng tôi được biết, nhà văn hóa thôn được chính quyền đầu tư xây dựng nhưng để có cảnh quan đẹp, dụng cụ tập thể dục đa năng... dân làng Víp cùng đóng góp làm nên. Hoàn thiện các hạng mục đó cũng như phục dựng giếng cổ, miếu thờ thành hoàng, đường làng... đều có đóng góp không nhỏ của Trưởng thôn Đinh Bá Cương.

leftcenterrightdel
 Trưởng thôn Phan Văn Thành (người đứng hàng 2, thứ 7 từ trái sang) cùng các cầu thủ nhí tham dự Giải Nhi đồng xã Liên Hà do thôn Châu Phong tổ chức năm 2022.

Trong xây dựng đời sống văn hóa, ngày đại đoàn kết, thôn Châu Phong (xã Liên Hà, huyện Đông Anh) trở thành ngày hội của toàn dân. Cả thôn tham gia góp tiền, huy động các nguồn xã hội hóa để cùng nhau vui chơi, thi đấu, liên hoan, thắt chặt tình làng nghĩa xóm. Ông Phạm Văn Sử, một người dân trong thôn hồ hởi nói: “Tất cả đều nhờ vào sự nhiệt tình, trách nhiệm của Trưởng thôn Phan Văn Thành. Ngày hội đại đoàn kết chỉ là một trong nhiều hoạt động của thôn Châu Phong. Chúng tôi còn các hoạt động văn nghệ quần chúng phục vụ nhân dân; thôn có sân cỏ, nhà văn hóa, cầu lông, bóng chuyền và 2 đội khiêu vũ, 1 đội dưỡng sinh, 1 đội yoga, 1 câu lạc bộ Hà Nội xưa, câu lạc bộ thơ ca Liên Hà... hoạt động quanh năm”. 

Rời thôn Châu Phong, chúng tôi đến thôn Thuận Tốn (xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm). Cảm nhận chung của nhiều người dân về Trưởng thôn Đỗ Thị Chanh là thân thiện, nhiệt tình. Một trong những dấu ấn của trưởng thôn Thuận Tốn là những đóng góp của bà trong việc kêu gọi xã hội hóa các công trình phục vụ đời sống văn hóa cho người dân trong thôn. Ông Trần Văn Ngư, thành viên Ban Thanh tra nhân dân xã, Ban Công tác mặt trận Tổ quốc Việt Nam thôn kiêm Chủ nhiệm Câu lạc bộ Cựu quân nhân thôn nhận xét: “Bà Chanh là cán bộ làm được nhiều việc. Thôn Thuận Tốn có sân bóng nhưng cỏ mọc cao ngang đầu người, rác thải bốc mùi xú uế, nước đọng lầy lội. Những đời trưởng thôn trước cũng muốn có chỗ sinh hoạt cho dân nhưng không biết lấy đâu ra tiền. Bằng uy tín của mình, bà Chanh kêu gọi được 14 triệu đồng tiền ủng hộ. Sau đó, nhiều người tin bà làm được việc khó nên sẵn sàng tiếp tục ủng hộ. Sân bóng và hàng loạt công trình quanh ao hồ, sân chơi, nhà cộng đồng, đường làng... thay đổi diện mạo, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao nhờ thế mà cũng đa dạng hơn hẳn trước. Có chỗ sinh hoạt chung, người dân có chỗ để gặp gỡ, giao lưu nên tình làng nghĩa xóm cũng được củng cố, bền chặt và ấm áp hơn”.

Lấy uy tín cá nhân để tìm nguồn lực giúp dân

Nhìn những thành quả văn hóa Hà Nội tưởng chừng đơn giản nhưng đằng sau đó là sự cố gắng một cách bền bỉ qua thời gian dài. Chuyện “đầu tiên-tiền đâu” có lẽ là câu hỏi thường trực với các trưởng thôn khi muốn thực hiện bất cứ công việc gì của thôn. Để không bị “bó chân, bó tay”, các trưởng thôn phải thực sự tinh tế, có khả năng, uy tín mới huy động nguồn tài chính linh hoạt được.

Nhiều năm gắn bó với công việc ở thôn, ông Đinh Bá Cương rút ra cho mình một bài học rằng, muốn làm việc tốt, dứt khoát trưởng thôn phải không tơ hào bất cứ đồng tiền nào của nhân dân. Không chỉ vận động mà ông còn làm gương. Vì thế, lúc đầu để có tiền chi cho việc chung của thôn làng, ông về động viên vợ con bán lợn. Nhiều lần khác, ông mang tiền của nhà ra đóng góp, ủng hộ đầu tiên. Lần khác đội thợ thi công dở một công trình công cộng của thôn thì hết tiền, ông về mổ chó rồi mời các “nhà đầu tư” tiềm năng đến để vận động. Nhờ có những “đòn bẩy” như vậy, người trong thôn góp của, góp công nên nhiều việc khó, cần số vốn lớn của cộng đồng dần được thực hiện suôn sẻ. Ông Nguyễn Mạnh Thước, Phó chủ tịch UBND xã Minh Quang, huyện Ba Vì cho biết: “Ông Đinh Bá Cương đã vận động nhân dân nhanh chóng giải phóng các mặt bằng để thi công khi nhà nước xây dựng các công trình phúc lợi trong thôn mà không xảy ra vướng mắc gì. Trong đợt dịch Covid-19, thôn Víp cũng là một trong những thôn đi đầu, không để xảy ra trường hợp nào lây lan. Bên cạnh đó, việc huy động xã hội hóa ở thôn Víp được thực hiện từ nhiều nguồn để xây dựng nghĩa trang nhân dân hơn 200 triệu đồng; đáng mừng là chỉ trong vòng 3 tháng năm 2022 mà thôn đã huy động được hơn 500 triệu đồng để sửa lại miếu thờ thành hoàng làng. Đây là một số tiền không hề nhỏ”.

Tương tự như vậy, bà Chanh cũng luôn đứng đầu danh sách ủng hộ với số tiền đóng góp tự nguyện cao nhất thôn. Ông Nguyễn Hữu Tỉnh, chồng bà từng là bộ đội và cũng tích cực tham gia công tác tại địa phương. Ông luôn là người ủng hộ vợ cho những lần góp công, góp của. Gia đình, các chị em của bà Chanh cũng chính là những người được bà vận động đầu tiên mỗi khi địa phương có chương trình quyên góp. “Gia đình không giàu nhưng cũng đủ sống, làm việc lại có lương nên chưa bao giờ tôi nghĩ lấy tiền gì của dân cho riêng mình cũng chưa bao giờ nhận đồng tiền nào của ai cả. Dân cử để chúng tôi phải lo cho dân, làm vì dân chứ không vì tiền”, bà Chanh bày tỏ.

 "Với vai trò là trưởng thôn, tôi tuyên truyền, vận động để người dân hiểu về những di sản chúng ta đang nắm giữ như đình, chùa, lễ hội...; khuyến khích nghệ nhân, thợ giỏi đóng góp vốn hiểu biết của mình để cùng bảo vệ các di sản tại địa phương; phối kết hợp với cơ quan chức năng bảo tồn di sản và cùng nhân dân phê phán, đấu tranh những hành vi sai trái, hủy hoại di sản". 

 

Bài và ảnh: MINH NHÃ - THÀNH PHONG