Là người tâm huyết với đề tài đô thị lịch sử, đặc biệt là mong muốn làm sống lại khu vực 13 trại-một không gian kiến trúc đặc sắc xưa của vùng đất Ba Đình (Hà Nội), TS, KTS Tạ Nam Chiến, Chủ tịch UBND quận Ba Đình đã có nhiều nghiên cứu và đề xuất nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử các di tích.

Theo ông Tạ Nam Chiến, đây là khu vực có giá trị lịch sử, kiến trúc đẹp, gần gũi, gắn bó với đời sống bởi các công trình xuất phát từ nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của dân làng, chủ yếu do dân làng góp công, góp của xây dựng nên. Với mong muốn khôi phục các yếu tố hạt nhân làm nên cấu trúc không gian làng xã xưa, nhiều di tích đình, đền, chùa, miếu... trong đó có đền-đình Liễu Giai được quận lên kế hoạch tu bổ, tôn tạo để tạo ra những điểm đến mang đậm dấu ấn đô thị cổ của Thủ đô Hà Nội, thu hút du khách trong và ngoài nước.

      Di tích đền-đình Liễu Giai cổ kính được bao trùm trong không gian xanh của cây đa và cây muỗm di sản. 

Theo lời hướng dẫn của ông Nguyễn Văn Muôn, Phó trưởng ban quản lý di tích đền-đình Liễu Giai, vị thần được thờ ở đình là ông Hoàng Phúc Trung, người làng Lệ Mật (Gia Lâm, Hà Nội). Theo truyền thuyết, ông Hoàng Phúc Trung là người có công xuống đáy sông chỗ nước xoáy, vớt được thi thể công chúa nhà Lý, được vua ban cho vùng đất phía Tây kinh thành Thăng Long. Sau đó, ông chiêu mộ dân Lệ Mật sang khai hoang và lập khu Thập tam trại, biến khu đầm lầy, cây cối um tùm, nhiều thú dữ thành khu dân cư sầm uất, trù phú.

Liền kề đình là đền Liễu Giai thờ thánh mẫu và Ngọc Nương công chúa. Đền Liễu Giai quay hướng Tây Nam. Sau nhiều lần tu sửa hiện nay mang phong cách nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn. Đền được xây theo hình chữ “công” trên một khu đất cao. Tòa tiền tế 5 gian xây kiểu “đầu hồi bít đốc”, kết cấu dạng “thượng chồng rường, hạ kẻ chuyền” với những hàng cột gỗ lim. Hai trụ biểu nhô cao, đỉnh trụ đắp hai đôi chim phượng ấp bụng chổng đuôi lên.

Phía dưới có hai bức bình phong bằng gạch, đắp hình bạch hổ và thanh long. Những bức chạm ở cửa bức bàn và bên trong đền mang hình tùng, lộc, mai, hạc và rồng, phượng, rùa, lân, đào, trúc, cúc, sen trông rất tinh tế. Ngoài tác phẩm kiến trúc và điêu khắc, đình-đền Liễu Giai còn lưu giữ nhiều di vật quý. Năm 2016, cây đa và cây muỗm trong khuôn viên di tích được công nhận là Cây di sản Việt Nam.

Cũng theo lời kể của ông Nguyễn Văn Muôn, trong thời kỳ toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp, vào năm 1946, nơi đây là điểm ẩn náu của các chiến sĩ cách mạng; ghi dấu và chứng kiến một thời nhân dân phường Liễu Giai tổ chức các cuộc mít tinh chống chiến tranh phá hoại miền Bắc.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc lưu giữ những bản sắc truyền thống của làng, tại đền-đình Liễu Giai hằng năm vào ngày 17-8 âm lịch, nhân dân và chính quyền địa phương tổ chức lễ hội kỷ niệm ngày hóa Đức Thánh mẫu Ngọc Nương công chúa; ngày 12 tháng Giêng tổ chức lễ hội kỷ niệm ngày hóa của Thành hoàng Hoàng Phúc Trung.

Thông qua lễ hội nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc cho thế hệ trẻ; đồng thời thể hiện sự ngưỡng vọng của người dân với công lao phù trợ của các bậc tiền nhân, đem lại yên bình, ấm no cho bà con nơi đây.

Bài và ảnh: VIỆT LAM