Cũng như nhiều lĩnh vực khác, sự bùng phát dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành GD&ĐT. Trong bối cảnh dịch bệnh, ngành GD&ĐT đã có những chỉ đạo, điều hành quyết liệt và linh hoạt để ứng phó với các thách thức chưa từng có tiền lệ. Nhờ vậy, đến thời điểm này, chúng ta vui mừng vì những kết quả ấn tượng của ngành mà trọng tâm là thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT theo Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI. Đó là hoàn thành mục tiêu kép, vừa bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh, sinh viên (HSSV), giáo viên trong bối cảnh dịch bệnh, vừa hoàn thành kế hoạch năm học 2019-2020; tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh trình độ đại học, cao đẳng năm 2020; tiếp cận phổ cập các cấp; chất lượng giáo dục phổ thông (GDPT) cả đại trà và mũi nhọn được nâng lên; đẩy mạnh tự chủ đại học và đặc biệt là nỗ lực triển khai chương trình GDPT mới.
 |
Các thí sinh được đo thân nhiệt trước khi vào phòng thi tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. |
Trong gian khó, từ các cơ sở giáo dục đến các thầy cô giáo, HSSV và cả phụ huynh càng thể hiện sự nỗ lực, trách nhiệm xã hội và khả năng thích ứng trước những biến động lớn do dịch bệnh gây ra. Năm 2020, lần đầu tiên HSSV phải nghỉ học kéo dài để bảo đảm an toàn trước dịch bệnh, nhưng không vì thế mà các hoạt động giáo dục bị ngưng trệ. Trong thời điểm thực hiện giãn cách xã hội, việc dạy học từ xa cũng lần đầu tiên được các địa phương, các cơ sở giáo dục triển khai mạnh mẽ, góp phần hoàn thành kế hoạch năm học 2019-2020. Hình thức dạy học từ xa đã góp phần thay đổi tư duy, phương pháp dạy-học một chiều truyền thống của giáo viên và HSSV, thay vào đó là có nghiên cứu, tương tác, cách suy nghĩ độc lập.
Như “lửa thử vàng”, nhiều phương pháp, hình thức giáo dục mới được các thầy cô giáo, các nhà trường triển khai linh hoạt, sáng tạo. Ở những vùng khó khăn, các thầy cô tổ chức xây dựng video bài giảng, dạy qua các phần mềm ứng dụng; không ít thầy cô mang bài tập tới từng nhà học sinh để việc học của các em không bị gián đoạn. Những nỗ lực của thầy cô góp phần tạo động lực cho HSSV chủ động tiếp cận, ứng dụng công nghệ thông tin trong học tập, thích ứng với hình thức học tập mới trong điều kiện dịch bệnh. Theo nhận định của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), số liệu học trực tuyến phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam có nhiều điểm khả quan so với các quốc gia và vùng lãnh thổ khác với gần 80% học sinh được học trực tuyến. Tỷ lệ này cao hơn mức trung bình chung của các nước là 67,5%. Trong thách thức có cơ hội, đây cũng là tiền đề để ngành thúc đẩy chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong GD&ĐT.
 |
Lễ khai giảng năm học 2020-2021 vẫn được tổ chức vui tươi, ý nghĩa trong điều kiện diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Ảnh chụp cô và trò Trường THCS Giảng Võ (quận Ba Đình, TP Hà Nội). |
Sự quyết tâm và sức mạnh cộng đồng tiếp tục được khẳng định bằng việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Mặc dù phải tổ chức thành hai đợt nhưng kỳ thi vẫn diễn ra thành công, vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, vừa đáp ứng yêu cầu tổ chức kỳ thi gọn nhẹ, hiệu quả, công bằng, minh bạch và nghiêm túc. Kết quả của kỳ thi không những được nhân dân ghi nhận, mà Tổ chức OECD cũng đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam, là quốc gia điển hình có thể tổ chức kỳ thi chất lượng cao trong điều kiện đại dịch khó khăn. Trong công tác tuyển sinh năm nay, các trường đã phát huy tinh thần tự chủ, mở rộng các phương thức tuyển sinh. Đặc biệt, việc cho phép thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng, được hỗ trợ của công nghệ “lọc ảo” là việc làm nhân văn, giúp thí sinh giảm nỗi lo điểm cao vẫn trượt đại học như trước đây; góp phần nâng cao chất lượng đầu vào của các trường. Minh chứng là năm nay, cả nước có 528.038 chỉ tiêu tuyển sinh, tăng 7,84% so với năm 2019. Số thí sinh đăng ký xét tuyển là 642.945, giảm 1,46% so với năm 2019.
Dù phải tập trung sức lực ứng phó với đại dịch Covid-19, ngành GD&ĐT vẫn triển khai chương trình GDPT mới đối với lớp 1 trong năm học 2020-2021 đúng lộ trình đề ra. Tính đến nay, bình quân cả nước đạt 0,98 phòng học/lớp, đa số các trường đủ điều kiện thực hiện phương án tổ chức dạy học từ 30 tiết/tuần trở lên, đáp ứng mức tối thiểu của chương trình mới. Tuy còn tồn tại một số bất cập trong biên soạn, thẩm định SGK, song Bộ GD&ĐT đã nghiêm túc lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp của dư luận xã hội và có những chỉ đạo kịp thời để rà soát, điều chỉnh nội dung chưa phù hợp trong SGK mới, tiếp tục hoàn thiện chương trình nội dung kiến thức chuẩn lớp 1.
Năm 2020 đã khép lại, bên cạnh những gam màu sáng, bức tranh toàn cảnh của ngành giáo dục nước nhà vẫn còn đó những mảng màu trầm. Đó là tình trạng lạm thu quỹ đầu năm học tồn tại từ nhiều năm qua chưa được giải quyết triệt để; là tình trạng loạn SGK và tài liệu tham khảo xảy ra tại nhiều cơ sở GDPT đầu năm học 2020-2021; là sai phạm nghiêm trọng trong đào tạo văn bằng hai của Trường Đại học Đông Đô...
Rõ ràng, để tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả GD&ĐT, ngành vẫn còn nhiều việc phải làm. Dẫu vậy, nhìn lại năm 2020, năm chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, những kết quả, thành tích mà ngành GD&ĐT đã đạt được từ quyết tâm, nỗ lực vượt lên trong khó khăn, thách thức là không thể phủ nhận. Những kết quả này không chỉ góp phần tạo bước tiến quan trọng trong công cuộc đổi mới mà còn tạo niềm tin cho xã hội và khẳng định hướng đi đúng của Nghị quyết số 29-NQ/TW về “Đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.
Bài và ảnh: NGUYỄN HOÀI