Một phong cách giản dị giữa đời thường

Mới nhìn hoặc gặp lần đầu, hầu như ai cũng cho rằng Tư lệnh Nguyễn Kiệm là người khó tính nhưng thật ra ông là người rất gần gũi, đôn hậu, luôn quan tâm đến cấp dưới. Phong cách giản dị giữa đời thường của thủ trưởng, anh em văn phòng chúng tôi được chứng kiến nhiều, nếu kể tất cả thì không biết bao giờ cho hết.

leftcenterrightdel

Đồng chí Nguyễn Kiệm (chính giữa, hàng đứng) cùng các chiến sĩ trẻ của Trung đoàn 308 trên đường vượt Thanh Thủy (Phú Thọ), ngày 27-2-1951.

Theo cảm nhận của cá nhân, tôi hiếm thấy có người cán bộ cao cấp nào như thủ trưởng Nguyễn Kiệm. Trong công việc, là người chỉ huy cao nhất của một quân đoàn chủ lực cơ động của Bộ, ông rất nghiêm túc, chỉ đạo từng việc cụ thể, rõ ràng. Nhất là những vấn đề liên quan đến công tác quân sự, huấn luyện, rèn luyện bộ đội. Ai chưa quen có thể còn e ngại, sợ khi phải gặp hay làm việc trực tiếp với ông. Nhưng thực ra ông rất tình cảm, giản dị.

Trong cuộc sống, ông không có sự phân biệt cán binh. Khi đến kiểm tra đơn vị, ngoài làm việc với chỉ huy, ông đều dành thời gian trò chuyện, thăm hỏi cả anh em chiến sĩ, thái độ rất gần gũi chứ không khuôn sáo. Anh chị em văn phòng chúng tôi trong việc phục vụ Bộ tư lệnh tất nhiên luôn cố gắng mức cao nhất để làm tốt nhiệm vụ chức trách của mình, tuy nhiên không thể tránh khỏi những thiếu sót. Nhưng Tư lệnh chưa bao giờ tỏ thái độ cau có, khó chịu hoặc to tiếng khiển trách, kể cả bữa cơm chưa hợp khẩu vị, hay chưa kịp có phích nước sôi... Thay vào đó là những lời động viên, hay nhắc nhở nhẹ nhàng. Chị em cấp dưỡng chưa bao giờ thấy ông lớn tiếng phàn nàn, chê trách về món ăn hay chất lượng bữa ăn, độ đậm nhạt của mắm muối...

leftcenterrightdel

Trung tướng Nguyễn Kiệm (1931-2010).

Hồi ấy, nơi ở của các thủ trưởng Quân đoàn 1 là cùng một khu nhà. Hằng ngày, đi công tác về, các thủ trưởng ăn cơm xong lại ngồi uống nước trà nói chuyện. Nếu có việc, thủ trưởng Kiệm gọi luôn mọi người đến vừa uống nước vừa trao đổi, không khí rất hài hòa mà những chỉ đạo, hay nhiệm vụ triển khai vẫn hiệu quả và bảo đảm. Giờ nghỉ, ông và mấy công vụ cứ như cha con. Trong lúc các cháu nhổ tóc bạc cho ông, ông tỉ tê hỏi chuyện gia đình, nguyện vọng của các cháu xen lẫn những chuyện cười đùa vui vẻ. Dạo đó đã có cháu sau một thời gian làm công vụ cho Tư lệnh đã được đi học lái xe, quân y như đồng chí Úy và Bồn.

Bản thân tôi được chứng kiến không biết bao lần các cháu công vụ nhổ tóc bạc cho ông, rồi ông cháu cùng cười hỉ hả khi có câu chuyện vui, dường như không còn khoảng cách cán binh. Giờ kể lại, hình ảnh ấy lại hiện về trong tôi khiến tôi liên tưởng đến sau này, phong cách sống giản dị, tình cảm gần gũi ấy, thủ trưởng truyền đến cho cả những người thân trong gia đình.

Tôi không sao quên được những lần đến thăm nhà thủ trưởng khi ông chuyển công tác về Thanh tra Bộ Quốc Phòng, cả khi đã về nghỉ hưu. Lần nào đến thăm, chúng tôi cũng nhận được nụ cười đôn hậu chào đón. Nhất là chị Liên, phu nhân của thủ trưởng Kiệm. Trong khi trò chuyện, bao giờ chị cũng một điều chú, hai điều chú, thân tình như người nhà. Có lẽ chính vì điều ấy mà anh em đồng đội, những người cùng công tác với thủ trưởng Kiệm hễ có điều kiện đều sẽ ghé qua nhà ông bà, thăm hỏi hàn huyên...

Người chỉ huy sâu sát, tỉ mỉ

Phong cách sống thì như vậy, còn trong công tác, Tư lệnh Nguyễn Kiệm cũng là một chỉ huy sâu sát, tỉ mỉ. Tôi nhớ khoảng giữa năm 1984, tôi tháp tùng thủ trưởng đi kiểm tra việc huấn luyện của Sư đoàn 390 ở khu đồi thuộc địa phận huyện Bỉm Sơn (Thanh Hóa). Đến một đại đội, tư lệnh quan sát một lúc, rồi ông không nhắc gì về kỹ thuật dựng mà lại hỏi đồng chí đại đội trưởng vế hướng bố trí cửa hầm. Trước sự lúng túng của anh em, ông nhẹ nhàng nói: Các cậu mới chú trọng địa hình thuận cho việc khoét đồi để đào hầm, dựng đúng kỹ thuật nhưng chưa chú ý đến yếu tố chiến thuật, nên cửa hầm công sự lại hướng về phía tiền duyên của địch đấy!

leftcenterrightdel

Đồng chí Nguyễn Kiệm chủ trì phiên họp hội đồng quân sự Quân đoàn 1, năm 1985. 

Một kỷ niệm khác tôi trực tiếp chứng kiến nữa diễn ra vào năm 1987, Thiếu tướng, Tư lệnh Quân đoàn 1 Nguyễn Kiệm lên mặt trận Vị Xuyên (bấy giờ là thuộc tỉnh Hà Tuyên) công tác suốt một tháng. Tôi được tháp tùng ông trong suốt chuyến đi đó. Hôm lên đến thị xã Hà Giang đã muộn, lại sau chặng đường dài, khá mệt, nhưng nghe tin đồng chí Chủ nhiệm Hậu cần của Sư đoàn 312 (Quân đoàn 1) vừa mới ở sở chỉ huy tiền phương của sư đoàn ra, Tư lệnh vẫn gọi đến hỏi han tình hình công tác, việc bảo đảm đời sống bộ đội trên chốt ra sao...

Hồi đó, Sư đoàn 312 được điều lên thay Sư đoàn 356 (nay là Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 356), Quân khu 2 phòng ngự trên dọc tuyến biên giới mà quân đối phương đang lấn chiếm. Pháo bên kia hằng ngày bắn sang hàng trăm quả, uy hiếp trận địa phòng ngự của ta. Tư lệnh lên trận địa làm việc với Ban chỉ huy Sư đoàn.

Anh Trần Minh Vân, Sư đoàn trưởng; anh Nguyễn Đức Sơn, Phó sư đoàn trưởng về Chính trị, buổi chiều hôm ấy mới lên. Ngay khi đang nghe Ban Chỉ huy Sư đoàn 312 báo cáo, cũng có hai quả pháo địch rơi cách cửa hang đá vài chục mét, may không ai việc gì. Đêm hôm đó, chúng tôi nghỉ lại hầm Ban chỉ huy sư đoàn. Sáng hôm sau, chưa kịp ăn sáng Tư lệnh đã yêu cầu đơn vị cho liên lạc dẫn mình đi đến các chốt. Dọc đường, đoàn sẽ ăn cơm nắm mang theo. Và từ đó đến hết chuyến đi, ông đã tới từng điểm chốt, từng công sự, từng căn hầm mà bộ đội ta đang trấn giữ. Nào Cỗi, Đồi Đài, hang Dơi, hang Làng Lò rồi Khu 4 hầm H1, H2, H3, H4 ngay dưới chân điểm cao mà đối phương đang án ngữ...

leftcenterrightdel

Thiếu tướng Nguyễn Kiệm chia tay các chiến sĩ Sư đoàn 390 đi chiến đấu ở biên giới Hà Tuyên, ngày 15-9-1985. 

Đến đâu, Thiếu tướng Nguyễn Kiệm cũng kiểm tra tỉ mỉ công sự, xem xét phương án chiến đấu của đơn vị. Đồng thời ông rất chú ý kiểm tra, nhắc nhở các đồng chí chỉ huy bảo đảm đời sống thật tốt cho bộ đội trên chốt, từ việc bữa ăn phải có canh, có rau... Chính ông đã gợi ý việc gùi xi măng, cát lên chốt dựa vào vách núi đá, xây những bể nhỏ chứa nước mưa để có nước tắm giặt cho anh em. Trước đó, cả tuần bộ đôi ta mới được thay phiên về tuyến sau tắm giặt, còn thường phải dùng khăn tẩm cồn lau qua loa khi cần thiết.

Tính liêm khiết của tướng Nguyễn Kiệm cũng là điều đáng nhớ. Tôi có mấy năm phục vụ nhưng chưa khi nào thấy lái xe của cơ quan phải chở thứ này thứ nọ từ đơn vị về nhà Tư lệnh. Cũng chẳng mấy khi thấy đơn vị này, đơn vị nọ biếu tặng đồ vật gì cho ông. Khi xuống các đơn vị làm việc, phải ở lại qua đêm hoặc nhiều ngày, khi về bao giờ ông cũng nhắc cán bộ văn phòng đi thanh toán tiền ăn cho quản lý đơn vị…

leftcenterrightdel
Đồng chí Nguyễn Kiệm (thứ hai, từ phải sang) cùng các đại biểu quân đội tham dự Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1986. 

Năm 1994, sau hơn 40 năm quân ngũ, tôi hoàn thành nhiệm vụ của một người lính và về sinh sống cùng gia đình tại quê nhà ở thành phố Vinh, Nghệ An. Giờ đây đã ở 80 tuổi, nhưng mỗi lúc hồi tưởng lại những năm tháng quân ngũ tôi vẫn không khỏi bồi hồi. Nhất là nhớ về những người đồng đội một thời của mình, về Tư lệnh Nguyễn Kiệm, người thủ trưởng vô cùng đáng kính của tôi!

SONG THANH - NGỌC THỤY (Ghi theo lời kể của Đại tá Nguyễn Cảnh Châu, nguyên Chánh Văn phòng Bộ tư lệnh Quân đoàn 1).