Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, dù ở đâu và trên cương vị nào, đồng chí cũng tỏ rõ phẩm chất của một chiến sĩ cộng sản kiên trung, luôn nỗ lực phấn đấu hết mình vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam; trong đó, những dấu ấn của Trung tướng Trần Hanh với lực lượng Phòng không-Không quân vẫn sẽ còn mãi, không chỉ trực tiếp góp phần xây dựng lực lượng Phòng không-Không quân lớn mạnh, trưởng thành mà còn góp phần to lớn vào những chiến công vang dội của Quân đội nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
 |
Phi công Trần Hanh (đứng thứ hai, từ phải sang) trong lần cùng đoàn đại biểu Quân đội đến báo công với Bác Hồ. Ảnh tư liệu |
Những dấu ấn đầu tiên
Đồng chí Trần Hanh sinh năm 1932. Tháng 12-1946, Trần Hanh gia nhập Đoàn Thanh niên cứu quốc. Trải qua nhiều cương vị khác nhau, từ tháng 8-1964 đến tháng 4-1965, đồng chí là Đại đội trưởng Đại đội 1, Đại đội 2, Trung đoàn Không quân 921. Đây cũng là thời điểm đế quốc Mỹ từng bước mở rộng chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc.
Ngày 7 tháng 3 năm 1965, cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân Mỹ đối với miền Bắc bắt đầu bằng cuộc tập kích vào huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Từ đó, chúng tiếp tục “leo thang” mở rộng đánh phá với quy mô lớn nhiều mục tiêu ra ngoài Vĩ tuyến 20. Quân và dân miền Bắc đã đánh trả không quân Mỹ rất quyết liệt.
Lúc này, Trung đoàn Không quân tiêm kích 921 của ta đã ở vị trí sẵn sàng chiến đấu trên sân bay Nội Bài. Được sự chỉ đạo của trên, Thường vụ Đảng ủy và Bộ tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân nhận định không quân Mỹ sẽ tiếp tục leo thang đánh phá cầu Hàm Rồng (tỉnh Thanh Hóa) và chủ trương sử dụng không quân tiêm kích hiệp đồng với các lực lượng phòng không mặt đất, quyết tâm tiêu diệt địch, bảo vệ bằng được cầu Hàm Rồng.
Sáng 3-4-1965, nhiều tốp máy bay của Hải quân Mỹ, từ Biển Đông bay vào bắn phá cầu Tào, cầu Đò Lèn, tiếp đó là cầu Hàm Rồng. Quân và dân Thanh Hóa đã đánh trả địch rất quyết liệt. Hai biên đội MiG-17 đầu tiên của không quân ta được lệnh xuất kích. Biên đội xuất kích trước có nhiệm vụ nghi binh, yểm trợ bay vòng ngoài, do đồng chí Trần Hanh chỉ huy. Biên đội tiến công cất cánh sau do đồng chí Phạm Ngọc Lan chỉ huy. Lần đầu không quân ta xuất trận, lực lượng còn ít, trình độ kỹ thuật và trang bị kém hơn hẳn địch, nhưng các chiến sĩ không quân nhân dân ta đã nêu cao ý chí quyết chiến quyết thắng và tư tưởng cách mạng tiến công, vận dụng sáng tạo tư tưởng quân sự của Đảng, sau gần 20 phút quần nhau với máy bay hiện đại của không quân Mỹ, đã lập chiến công đầu, bắn rơi 2 máy bay F8-U của Mỹ.
Sáng ngày 4-4-1965, không quân Mỹ vào đánh cầu Hàm Rồng lần thứ hai. Lần này, chúng huy động thêm các phi đội F105-D, loại máy bay được mệnh danh là “Thần sấm” vào đánh Hàm Rồng. Hai biên đội MiG-17 của không quân ta lại được lệnh xuất kích. Biên đội bay nghi binh yểm trợ vòng ngoài do đồng chí Lê Trọng Long làm Biên đội trưởng. Biên đội tiến công cất cánh sau do đồng chí Trần Hanh là biên đội trưởng. 10 giờ 30 phút, sau khi phát hiện một tốp 4 chiếc F105-D vừa bổ nhào cắt bom, biên đội trưởng Trần Hanh kịp thời xiết cò nhả đạn, chiếc “Thần sấm” trúng đạn bốc cháy và rơi thẳng xuống biển. Đây là chiếc máy bay “Thần sấm” đầu tiên của Mỹ bị đồng chí Trần Hanh quật ngã trên vùng trời tỉnh Thanh Hóa...
Có thể nói, hai trận đầu ngày 3 và ngày 4-4-1965, cùng các lực lượng phòng không mặt đất bắn rơi hàng chục máy bay Mỹ, Bộ đội Không quân ta đã bắn rơi 4 chiếc, mở ra “Mặt trận trên không” - Một mặt trận mới trong lịch sử chiến đấu chống ngoại xâm của dân tộc ta. Cầu Hàm Rồng được bảo vệ an toàn. Những chiến công đó gắn liền với tinh thần chiến đấu mưu trí, dũng cảm của đồng chí Trần Hanh. Phát huy thành tích đạt được, trong những năm sau đó, thực hiện nhiệm vụ được giao, đồng chí Trần Hanh nhiều lần chỉ huy biên đội giao chiến với máy bay Mỹ, trong đó có một lần chỉ huy biên đội 4 MIG-17 bắn hạ máy bay trực thăng Mỹ trên bầu trời Hòa Bình vào tháng 11-1966, qua đó góp phần vào thành tích chung của Bộ đội Phòng không-Không quân.
Dấu ấn trong thắng lợi quyết định
Ngày 19-4-1975, nhận lệnh của Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh, Bộ tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân đã khẩn trương chuẩn bị lực lượng không quân tham gia chiến dịch với tinh thần “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”. Thường vụ Ðảng ủy và Bộ tư lệnh Quân chủng quyết định dùng máy bay thu được của địch để đánh địch, nhằm tạo yếu tố bí mật, bất ngờ và giao Bộ tư lệnh Không quân chiến đấu tổ chức thực hiện. Bộ tư lệnh Không quân chiến đấu quyết định sử dụng các phi công của Trung đoàn 923, nòng cốt là của Ðại đội 4 - Ðơn vị Anh hùng, để thực hiện nhiệm vụ này. Lực lượng phi công được chọn lựa biên chế thành một phi đội, mang tên Phi đội “Quyết thắng”, do Thượng úy Nguyễn Văn Lục làm Phi đội trưởng, Thượng úy Trần Cao Thăng, Chính trị viên phi đội và Thượng úy Từ Ðễ, Phi đội phó.
Ngày 28-4-1975 là ngày không thể nào quên đối với Phi đội “Quyết thắng” và toàn Quân chủng Phòng không-Không quân. Lúc 8 giờ, tại sân bay Phù Cát (tỉnh Bình Ðịnh), Ðại tá Lê Văn Tri, Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân quyết định lực lượng tham gia chiến đấu gồm 6 phi công: Nguyễn Văn Lục, Từ Ðễ, Nguyễn Thành Trung, Hán Văn Quảng, Hoàng Mai Vượng và Trần Văn On. 9 giờ 30 phút, 5 máy bay A-37 của Phi đội “Quyết thắng” di chuyển từ sân bay Phù Cát vào sân bay Thành Sơn (thị xã Phan Rang). Tại đây, mọi công tác chuẩn bị cho trận đánh đã được hoàn tất, mỗi máy bay mang 4 quả bom 250 bảng Anh và bốn thùng dầu phụ. 13 giờ, Tư lệnh Không quân chiến đấu Trần Hanh cùng phi đội vạch kế hoạch chi tiết trận đánh. Một trong những yêu cầu đặt ra là phải bảo đảm an toàn cho phái đoàn quân sự ta đang ở trại Ða-vít, cách mục tiêu oanh kích chỉ có 300m và không để bom rơi lạc ra thành phố. 14 giờ 30 phút, Tư lệnh Quân chủng Lê Văn Tri trực tiếp giao nhiệm vụ cho Phi đội “Quyết thắng”. Phi công Nguyễn Thành Trung thay mặt phi đội hứa hoàn thành nhiệm vụ. Có thể nói, trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Không quân nhân dân Việt Nam đã có nhiều trận đánh hay và thắng lớn, nhưng trận đánh của Phi đội “Quyết thắng” là trận đánh lịch sử của Không quân nhân dân Việt Nam, vì đây là trận đánh không quân đã góp phần cùng toàn quân, toàn dân đánh trận quyết chiến chiến lược cuối cùng. Đồng chí Trần Hanh khẳng định: Lấy vũ khí, phương tiện của địch để đánh địch là truyền thống của quân đội ta. Phi đội “Quyết thắng” sử dụng máy bay A-37 vừa thu được của địch để oanh kích sân bay Tân Sơn Nhất cũng là cách vận dụng, phát huy truyền thống đó. Thắng lợi quan trọng đó đã góp phần quan trọng vào thắng lợi hoàn toàn của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Luôn khắc ghi lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975), đồng chí Trần Hanh vinh dự được nhiều lần gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và được chính tay Người tặng Huy hiệu Bác Hồ. Đồng chí Trần Hanh kể lại: Trong những lần đến thăm đơn vị, lần nào Bác cũng xuống thăm bếp ăn, khu ở của chiến sĩ đầu tiên… Sau khi tới thăm khu bếp ăn, khu nhà ở của chiến sĩ, Bác đã ra tận nơi các phi công huấn luyện chiến đấu rồi ân cần động viên: “Bộ đội không quân vừa qua đã chiến đấu anh dũng lập nhiều chiến công, Bác rất mừng. Tuy nhiên, không quân Mỹ là đội quân rất sừng sỏ, nham hiểm với vũ khí hiện đại. Các chú phải tuyệt đối cảnh giác và luôn tìm ra những cách đánh sáng tạo, hiệu quả, giành thắng lợi to lớn hơn nữa khiến cho chiến lược chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ phải thất bại hoàn toàn”. Đáp lại lời căn dặn của Bác, đồng chí Trần Hanh nói: “Dạ thưa Bác! Bộ đội không quân sẽ tiếp tục giữ vững tinh thần sẵn sàng chiến đấu cao, quyết tâm đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn của không quân Mỹ trên bầu trời Tổ quốc!”.
Kể từ lần gặp đó, đồng chí Trần Hanh cùng với các đồng đội của mình như được tiếp thêm sức mạnh, chiến đấu ngoan cường và bắn rơi nhiều máy bay Mỹ.
Đại tá, PGS, TS NGUYỄN VĂN SÁU, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Tướng lĩnh Việt Nam xem các tin, bài liên quan.