Trở thành "người trời"
“Người trời” là biệt danh mà đồng đội yêu quý dành tặng, bởi ông là một phi công anh hùng luôn dũng mãnh trên bầu trời, một chỉ huy bay giỏi, cùng đồng đội làm nên Chiến thắng trận đầu của Không quân nhân dân Việt Nam trên bầu trời Hàm Rồng (Thanh Hóa).
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống ở Nam Định, chàng thanh niên Trần Hanh nhập ngũ từ năm 17 tuổi. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, ông là Chính trị viên Đại đội 23, Tiểu đoàn 680, Trung đoàn 48 (nay thuộc Sư đoàn 320). Hai năm sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, cấp trên quyết định tuyển chọn và cử ông đi đào tạo phi công lái máy bay tiêm kích MIG-17 tại Trung Quốc. Sau 8 năm học tập trên đất bạn, ông trở về nước, được thăng quân hàm Đại úy, đảm nhiệm trọng trách là Đại đội trưởng Đại đội 1, Trung đoàn không quân 921 - Đoàn Không quân Sao Đỏ (nay thuộc Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không - Không quân), là đơn vị không quân chiến đấu đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.
 |
Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Trần Hanh. |
Từ đây, những chiến tích trong cuộc đời binh nghiệp của ông gắn liền với những dấu mốc quan trọng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trận không chiến ngày 4-4-1965 lịch sử trên bầu trời Hàm Rồng (Thanh Hóa) là một trong số đó. Ông xúc động kể: “Đó là trận đánh đầu tiên của biên đội gồm tôi và các phi công: Phạm Giấy, Lê Minh Huân, Trần Nguyên Năm. Biên đội thành công tiêu diệt 2 chiếc máy bay F-105 của không quân Mỹ. Nhưng trong trận này, các đồng đội của tôi mãi mãi hòa vào trời xanh, còn bản thân tôi cũng bị thương khi hạ cánh bằng bụng”.
Trận không chiến bi hùng
Buổi sáng hôm đó, các phi công được lệnh xuất kích từ Sân bay Nội Bài, bay dọc theo dãy Trường Sơn. Biên đội vào đến địa phận Thanh Hóa thì phát hiện ra tốp máy bay F-105 được mệnh danh là “Thần Sấm” của không quân Mỹ cùng với một phi đội máy bay tiêm kích F-100 yểm trợ phía sau. Mải mê tìm kiếm trận địa của ta, máy bay địch không ngờ phía trước biên đội MIG-17 do Đại đội trưởng Trần Hanh dẫn đầu đang chờ sẵn. Lợi dụng lúc chiếc F-105 nghiêng mình thả bom, Trần Hanh quyết định áp sát mục tiêu. Khi khoảng cách giữa chiếc MIG-17 của Trần Hanh với F-105 đi đầu của địch chỉ khoảng 300m, ông đã quyết định tấn công khiến địch bất ngờ. Chiếc “Thần Sấm” của Mỹ đã nổ tung. Cùng lúc đó, chiếc MIG-17 của phi công Lê Minh Huân bay phía sau cũng chiến đấu ngoan cường và xuất sắc diệt thêm một chiếc F-105 cùng viên đại úy phi công của địch.
 |
Phi công Trần Hanh (ngồi giữa) cùng đồng đội sau khi kết thúc một ban bay huấn luyện tại sân bay Nội Bài. Ảnh tư liệu. |
Trung tướng Trần Hanh nhớ, khi chiếc F105 trúng đạn, cả dàn máy bay hộ tống của địch lao tới bao vây, tấn công ông và đồng đội. Trong tình thế nguy cấp, để thoát vòng vây, ông thực hiện các động tác nhào lộn đưa máy bay tránh hỏa lực của địch rồi nhằm hướng Tây bay thẳng. Sau vài phút, đèn tín hiệu báo hết nhiên liệu. Không thể quay về, không còn dầu để hạ cánh vào bất cứ sân bay nào gần nhất, chiếc MIG-17 hạ dần độ cao rồi rơi tự do. Sở chỉ huy ra lệnh cho phi công thoát ly, nhảy dù để bảo toàn tính mạng. Tuy vậy, phi công Trần Hanh vẫn dồn hết sức cố điều khiển chiếc MIG-17 lúc này đang lao xuống. Từ trên cao, một mảnh ruộng bằng phẳng lọt vào tầm ngắm. Không nhả càng, ông để cho chiếc máy bay tiếp đất bằng bụng. Sau cú hạ cánh, phi công Trần Hanh gục đầu trong buồng lái!
Không biết mình ngất đi bao lâu, lúc tỉnh dậy, chưa kịp định thần ông đã thấy rất đông người dân đã kéo đến bao vây chiếc máy bay. Ông bị bà con đưa về “tạm giam”. Lúc này, ông không biết rằng, 3 đồng đội của mình, sau một hồi quần thảo với đội hình dày đặc máy bay địch đã anh dũng hy sinh. Cuộc chiến không cân sức đã khiến Lê Minh Huân và hai đồng đội mãi mãi ra đi...
 |
Phi công Trần Hanh (đứng thứ hai, từ phải sang) trong lần cùng đoàn đại biểu Quân đội đến báo công với Bác Hồ. Ảnh tư liệu |
Những năm tháng tiếp theo, với sự mưu trí, dũng cảm, phi công Trần Hanh tiếp tục lập được rất nhiều thành tích. Sau năm 1975, ông đảm nhiệm nhiều cương vị chỉ huy khác nhau. Ở cương vị nào, ông cũng luôn giữ đức tính mẫn cán của người chỉ huy, sâu sát, gần gũi, quyết đoán và rất được đồng chí, đồng đội yêu mến, nể phục.
Là lứa phi công quân sự đầu tiên của Việt Nam, Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Hanh là một trong những tấm gương điển hình, minh chứng hùng hồn cho sức mạnh, bản lĩnh, trí tuệ của Không quân nhân dân Việt Nam nói riêng và Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung.
Cách đây 10 năm, tại lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam diễn ra ngày 20-12-2014, Trung tướng Trần Hanh đã có bài phát biểu rất sâu sắc, góp phần truyền lửa cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay. Tiếc rằng do tuổi cao, bệnh trọng, vị tướng “người trời” đã từ biệt chúng ta hồi 8 giờ 56 phút ngày 5-12-2024. Ông không thể có mặt trong ngày Quân đội nhân dân Việt Nam kỷ niệm 80 năm đồng hành cùng dân tộc được nữa. Nhưng chắc chắn, chiến công và những hình ảnh về ông sẽ mãi mãi còn in đậm trong lòng đồng chí, đồng đội. Bài viết này xin là nén tâm nhang tiễn biệt ông, người anh hùng của nhân dân!
TUẤN TÚ
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Tướng lĩnh Việt Nam xem các tin, bài liên quan.