Trung tướng Phạm Xuân Thệ, sinh ra ở một làng quê nghèo thuộc huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Do hoàn cảnh gia đình nên sau khi tốt nghiệp cấp 2, ông không học tiếp cấp 3 mà ở nhà tham gia lao động sản xuất trong hợp tác xã, rồi sau đó theo học lái xe tại Trường đào tạo lái xe của Công ty Thủy điện Thác Bà. Đến ngày 5-7-1967, ông mới nhập ngũ, tiếp bước nhiệm vụ còn dang dở của người anh trai là Phạm Văn Hệ đã hy sinh trên trường trường miền Nam.

Nhập ngũ, ông được biên chế về Đại đội 11, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 66, Sư đoàn 304, chiến đấu trên chiến trường Bắc Quảng Trị. Trưởng thành từ chiến sĩ Giải phóng quân với quân hàm binh nhất đến khi là một tướng lĩnh cao cấp, tư lệnh một quân khu, Trung tướng Phạm Xuân Thệ đã đi qua nhiều trận đánh lớn nhỏ, khắp các chiến trường miền Nam. Nhưng trong những lần trò chuyện với chúng tôi, kỷ niệm ngày đầu quân ngũ với nhiều bỡ ngỡ luôn là dấu ấn khó quên trong ký ức của vị tướng già.

leftcenterrightdel
Trung tướng Phạm Xuân Thệ cùng gia đình trong ngày đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Ảnh do nhân vật cung cấp. 

Ông kể: “Vào đến chiến trường, chúng tôi có 3 ngày học chính trị tại hậu cứ của Trung đoàn 66. Đêm 19-4-1968 chúng tôi nhận lệnh hành quân về vị trí tập kết mới của đại đội gần căn cứ địch ở phía bắc quận lỵ Hướng Hóa. Cũng đêm hôm đó, địch dùng B-52 ném bom vào Sở chỉ huy Sư đoàn 304 khiến đồng chí Nguyễn Trong Hợp, Phó chính ủy sư đoàn và một số đồng chí khác bị thương. Chúng tôi được giao nhiệm vụ đi cáng thương, đưa đồng chí Hợp ra trạm phẫu của sư đoàn.

Ngày 20-4, tổ 3 người chúng tôi do đồng chí Quyền - trợ lý quân nhu của tiểu đoàn phụ trách được đại đội cử đi lấy thực phẩm ở hậu cứ của Trung đoàn 66. Khi chúng tôi đi qua đám cỏ tranh thì bất ngờ bị một tốp máy bay trực thăng trinh sát Mỹ phát hiện. Nó bay xuống bắn đuổi với ý định bắt sống. Chúng tôi vội quăng ba lô thực phẩm để tìm chỗ ẩn nấp và chống trả. Đồng chí Quyền vốn có kinh nghiệm chiến đấu đã kịp nói với chúng tôi lợi dụng bìa cỏ ở mép rừng và nhanh chóng hướng dẫn cách ngụy trang để ẩn nấp tránh máy bay địch. Sau một hồi quần đảo, săm soi và bắn phá, máy bay địch không tìm được chúng tôi, chúng gọi pháo bắn vu vơ vào rừng rồi bay đi. Đây là lần đầu tôi chạm trán với trực thăng Mỹ, song đã để nhiều kinh nghiệm cho những trận đánh sau này.

Khi Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 66 tiến công tiêu diệt địch ở điểm cao sát sân bay Tà Cơn thì đêm 22-4 đơn vị chúng tôi được giao nhiệm vụ đi cáng thương binh, tử sĩ. Chúng tôi vận động vào sát trận địa Tiểu đoàn 7. Người đầu tiên chúng tôi gặp là đồng chí Trịnh Xuân Hiểu, người Thạch Thành (Thanh Hóa), Tiểu đội trưởng thuộc Tiểu đoàn 7, bị thương rất nặng ở vai và mông, nên không nắm được trên cáng. Vì vậy, chúng tôi phải thay nhau cõng đồng chí trên lưng vượt qua pháo, bom địch từ trận địa về trạm phẫu thuật của trung đoàn. Những ngày tiếp theo, đơn vị chúng tôi tiếp tục củng cố chốt các điểm cao, sẵn sàng chờ lệnh vào chiến đấu.

Đêm 2- 5-1968, thì có lệnh chiến đấu. Khi nhận nhiệm vụ, Đại đội 11 chúng tôi có khoảng 50 tay súng, phần đông là chiến sĩ mới bổ sung, chỉ có cán bộ trung đội và tiểu đội là lính cũ. Đại đội chúng tôi được giao nhiệm vụ phối hợp cùng một đại đội đặc công của tiểu đoàn đặc công sự đoàn tổ chức tập kích tiêu diệt một đại đội lính kỵ binh bay Mỹ đang chiếm giữ ở điểm cao 425, cách phía tây bắc căn cứ Khe Sanh khoảng 2 cây số. Lần đầu tiên được xung trận, chúng tôi rất phấn khởi, song ai cũng thấy bồn chồn vì chưa hình dung ra trận đánh sẽ như thế nào. Chúng tôi là lính bộ binh được huấn luyện 6 tháng ở miền Bắc, mới hành quân vào đến chiến trường đã được phối hợp chiến đấu với đơn vị đặc công. Do vậy chúng tôi rất lo không hoàn thành được nhiệm vụ.  

Khi thực hành cơ động tiếp cận địch, chúng tôi vận dụng các động tác tiềm nhập một cách rất bí mật, không phát ra tiếng động. Trong đêm tối, người sau trườn bò bám sát người trước, cứ như vậy chúng tôi bò ngược dốc tiếp cận địch trên điểm cao 425. Đến khoảng 2 giờ sáng thì chúng tôi chạm hàng rào địch. Cả điểm cao im lìm trong đêm, thỉnh thoảng có vài loạt đạn pháo địch từ Tà Cơn bắn cầm canh ra các điểm cao xung quanh và những loạt bom B-52 rải thảm trên dãy Trường Sơn. Khi chúng tôi đang khắc phục hàng rào để đưa lực lượng luồn vào bên trong thì đơn vị đặc công đã vào được bên trong và thực hành nổ súng theo hiệp đồng. Tiếng súng nổ chát chúa, đạn nổ rát tai bay vèo vèo trên đỉnh đầu, tiếng thủ pháo nổ âm làm rung chuyển mặt đất. Quân Mỹ ở điểm cao 425 chống trả quyết liệt, đạn đại liên, tiểu liên cực nhanh nổ ràn rạt, đạn M-79 nổ tróc, đoành không ngớt. Địch ở các điểm cao xung quanh bắn pháo sáng loạn xạ làm sáng rực trời đêm. Ngay sau đó, máy bay phản lực Mỹ gầm rú, pháo binh địch bắn ra phía sau đội hình tiếp cận của đơn vị chúng tôi. Đại đội chúng tôi nhanh chóng khắc phục vật cản, vượt qua hàng rào cuối cùng đánh vào trung tâm cứ điểm địch. Lực lượng bộ binh chúng tôi phối hợp chặt chẽ với các mũi đặc công lần lượt đánh chiếm từng ụ súng, từng lô cốt. Qua những ánh chớp của pháo sáng, tôi nhìn thấy một số đồng chí đang xung phong ở phía trước bị trúng đạn địch đã ngã xuống nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm tiến lên nổ súng tiêu diệt địch.

Lúc này, chúng tôi dường như không biết sợ là gì. Lợi dụng pháo sáng của địch, cứ thế các mũi ào ạt xông lên đánh vào các mục tiêu của địch. Trận đánh diễn ra liên tục trong khoảng 2 tiếng đồng hồ. Đến tảng sáng ngày 3-5 thì tiếng súng thưa dần. Quân địch một phần bị tiêu diệt, phần còn lại rút chạy về một điểm cao gần Khe Sanh. Đến khi trời sáng hơn, đơn vị chúng tôi làm chủ hoàn toàn điểm cao 425. Từ sau trận đánh này, tôi chính thức trở thành người lính thực thụ trên trận chiến chống quân thù…”.

TUẤN TÚ