Không nói nhiều về bản thân, phần lớn thời gian của cuộc trò chuyện, ông dành để kể về Trung tướng Nguyễn Kiệm, nguyên Chánh Thanh tra Bộ Quốc phòng, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 1, người mà lúc sinh thời được nhiều đồng đội gọi với danh từ chân quý, thân thiết là: Bác Kiệm!...

Năm 2021, kỷ niệm 90 năm ngày sinh của Trung tướng Nguyễn Kiệm nhưng do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên đồng đội và gia đình không thể gặp mặt đông đủ để tưởng nhớ về ông. “Đó là vị tướng trận mạc liêm chính, người chỉ huy mẫu mực và gần gũi”- Trung tướng Nguyễn Sơn Hà nói.

leftcenterrightdel
Trung tướng Nguyễn Sơn Hà tại nhà riêng. 

Những năm tháng tuổi trẻ, Nguyễn Sơn Hà trưởng thành từ các đơn vị của Quân đoàn 1 rồi được cử đi học. Sau khi hoàn thành khóa học ở Trường Sĩ quan Lục quân 1 năm 1974, ông được về lại đơn vị cũ lúc này đồng chí Nguyễn Kiệm đã là cán bộ sư đoàn, sau đó lên quân đoàn. Khoảng cách “địa vị” xa là vậy nhưng với tính cách của mình, đồng chí Nguyễn Kiệm đã thu ngắn lại bằng sự quan tâm, chu đáo, thân thiện và tỉ mỉ của một người lính đi qua bao cuộc chiến của dân tộc, rất hiểu và chia sẻ với anh em cấp dưới.

Trung tướng Nguyễn Sơn Hà kể: “Bác Kiệm là một người lính dày dạn trận mạc. Biết ông trưởng thành từ trong kháng chiến chống thực dân Pháp rồi đến chống Mỹ, cứu nước nên tôi rất trân trọng và kính trọng. Tôi được nghe thế hệ đi trước kể nhiều về bác bằng sự khâm phục từ trong tiềm thức. Bác quan tâm đến bộ đội ra sao trước, trong và sau mỗi trận đánh. Nhất là những năm tháng trên chiến trường Quảng Trị luôn khét lẹt mùi khói súng, khi mà sự sống và cái chết gần nhau trong tấc gang. Vậy mà cùng đồng đội, bác đã đi qua những ngày tháng gian khổ đó, rồi bằng kinh nghiệm thực tiễn của mình tôi rèn cho thế hệ sau.

Như suy nghĩ của tôi, những con người ở thế hệ của bác đã “được chiến tranh sàng lọc”, họ đã đi qua những năm tháng gian khổ, khó khăn nhất của đất nước nên rất trưởng thành, chắc chắn, cống hiến và hy sinh, vững vàng và gương mẫu. Chính vì có những con người như bác Kiệm, mà sau ngày hòa bình, trước những khó khăn của thời kỳ mới, nhiều anh em trẻ không chịu được gian khổ, muốn ra quân hoặc chuyển ngành vì cuộc sống mưu sinh, lấy các bác làm tấm gương để soi vào mà thay đổi suy nghĩ. Họ đã từng nảy sinh không ít những dao động do thời cuộc mang lại, nhưng bác Kiệm bằng cách thức riêng của mình, đã níu họ tự nguyện ở lại, tiếp tục gắn bó với quân đội, học tập, rèn luyện và phấn đấu để đi qua những năm tháng ấy.

Bác Kiệm gương mẫu từ đạo đức, trách nhiệm, tác phong, rất gần gũi với mọi người. Tôi nhớ, thời kỳ là Tư lệnh Quân đoàn 1, ông được phân mảnh đất chừng 400 mét vuông ở Làng Cót (Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội). Nhưng khi chuyển lên làm Chánh Thanh tra Bộ Quốc phòng, bác đã trả lại mảnh đất ấy cho quân đoàn để phân cho anh em khác có nhu cầu về nhà ở hơn mình. Còn bản thân và gia đình chuyển đến sống ở căn hộ tập thể do Bộ Quốc phòng phân ở nơi đóng quân của Bộ cùng với các tướng lĩnh khác mà tôi biết như: Hải Bằng, Khuất Duy Tiến, Đặng Quân Thụy. Hiện nay căn nhà tập thể này con cháu bác vẫn đang sinh sống ở đây.

Hồi ấy, biết về việc này, anh em ở quân đoàn khi chuyện trò tâm sự lúc “trà dư tửu hậu” thường nói với nhau bác Kiệm làm thế là “dại”. Riêng tôi thì cho rằng bác Kiệm rất gương mẫu, không tư lợi. Ông chia sẻ nhu cầu thiết thực về nhà ở cho anh em khác cần hơn mình.

Khi cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, gần như cả quân đoàn được điều động tham gia. Lực lượng của đơn vị này vừa rút, lập tức có đơn vị khác nên thay. Các đơn vị thay phiên nhau cử lực lượng phối thuộc với Quân khu 2 tổ chức chiến đấu, lập các “chốt chặn” bảo vệ biên giới, giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Mặc dù lúc ấy ở mặt trận vô cùng khó khăn gian khổ, bộ đội ta ở tiền duyên bị pháo địch công kích hy sinh nhiều. Vậy mà bất chấp nguy hiểm, bác Nguyễn Kiệm-bấy giờ đang là Tư lệnh Quân đoàn 1 luôn đi cùng bộ đội, đốc chiến và làm gương cho anh em.

leftcenterrightdel
Tư lệnh Quân đoàn 1 Nguyễn Kiệm động viên chiến sĩ Sư đoàn 390 đi thực hiện nhiệm vụ ở biên giới phía Bắc ngày 15-9-1985. Ảnh tư liệu gia đình 

Tôi nhớ đợt ấy, ông đi đến thăm và kiểm tra tất cả các chốt, các cao điểm mà bộ đội ta đóng quân. Lúc đó tôi là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 141. Đơn vị tôi phụ trách hướng chủ yếu (Khu vực trục đường lên thẳng cửa khẩu, gồm các trọng điểm như: 4 hầm, Khu H, 468, Đồi Đá...). Tôi trực tiếp dẫn bác Kiệm đến cao điểm 468, do đồng chí Diên chỉ huy và một lần cùng đồng chí Đỗ Trường Quân đưa bác vào hang Làng Lò. 

Trong thời kỳ diễn ra cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, theo chủ trương của trên chúng tôi thay quân theo đợt để bảo đảm các điều kiện cả về lực lượng và cơ sở hậu cần. Những năm ấy, đời sống của bộ đội còn khó khăn lắm. Để “tăng gia” cho đơn vị, trung đoàn tôi có hiệp đồng với địa phương hỗ trợ việc xây dựng, kè cảng Đa Phúc (khu vực Sông Công, Phổ Yên, Thái Nguyên). Chủ yếu là tận dụng một vài chuyến xe của đơn vị vận chuyển nguyên vật liệu ra công trường. Phát hiện sự việc, bác Kiệm gặp tôi “quát”: Các anh sao làm được việc này, hỏng xe đơn vị. Anh làm được tôi cho anh lên làm trưởng phòng xây dựng.

Mặc dù vậy, do lúc ấy quá khó khăn, tôi vẫn âm thầm cho anh em làm. Tranh thủ những ngày thứ bảy, chủ nhật lấy một vài chuyến xe của đơn vị đi chở hàng. Trung đoàn 141 của chúng tôi vẫn cử quân lên biên giới đúng theo yêu cầu với tinh thần trách nhiệm cao.

Tôi đoán, bác Kiệm không thể không biết việc này nhưng có lẽ bác hiểu thực tế của đơn vị chúng tôi lúc bấy giờ nên cũng “mắt nhắm mắt mở”. Rất may, mọi việc suôn sẻ. Đời sống của cán bộ chiến sĩ được cải thiện phần nào. Chúng tôi giữ được bộ đội, tình trạng đảo ngũ không còn và số lượng xin ra quân cũng giảm đi rất nhiều. Một lần lên họp ở quân đoàn, gặp tôi bác Kiệm vỗ vai nói đùa: “Cho chú lên làm trưởng phòng nhé!”. Nghe vậy tôi hơi giật mình, hồi sau mới chợt nhớ ra chuyện cũ. Quả đúng như tôi suy nghĩ, không phải tư lệnh không biết việc chúng tôi làm. Nhưng bằng cách riêng của mình, ông đã cho chúng tôi cơ hội mà vẫn giữ đúng nguyên tắc”.

SONG THANH